Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển văn hóa sáng tạo tại Việt Nam”

Ngày đăng: 23/12/2021 Lượt xem: 649
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 23/12/2021, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển văn hóa sáng tạo tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, người thực hành sáng tạo tại Việt Nam…

Quang cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL); PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Cái đại biểu chủ trì phiên 1 của Hội thảo

Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa mà Việt Nam là một thành viên tích cực đã góp phần tạo động lực để Đảng và Nhà nước ta xây dựng triển khai nhiều chiến lược, chính sách có khả năng tạo khung thể chế hình thành hệ sinh thái nuôi dưỡng và thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Sự đổi mới về thể chế đã tác động nhiều mặt tới hoạt động sáng tạo, đã từng bước góp phần khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa, đưa các ngành công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế có đóng góp 3,61% GDP cả nước vào năm 2018 và tạo cơ hội cho cộng đồng thực hành văn hóa, đặc  biệt là giới trẻ, đã tạo nên một dòng chảy đầy sáng tạo trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đầy bản sắc và khả năng ứng dụng cao.

Mặc dù sự thay đổi về thể chế đã tạo ra những chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động văn hóa sáng tạo. Nhưng có một thực tế, các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên vốn văn hóa và năng lực sáng tạo vẫn là một liên kết yếu trong chuỗi những nỗ lực phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên được cho là chúng ta chưa giải quyết triệt để các vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế (về sở hữu trí tuệ, cơ chế tài chính, giáo dục và đào tạo; hỗ trợ doanh nghiệp…); phát triển nguồn nhân lực; đào tạo quản lý cải tiến và quy trình sáng tạo để hỗ trợ phát triển; đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển; chuyển giao và đầu tư, ứng dụng công nghệ mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho các ngành văn hoá, sáng tạo; thay đổi phương thức tổ chức, mô hình kinh doanh; đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hoá sáng tạo;…

Nhằm mục đích làm rõ những câu hỏi được đặt ra trong phát triển các ngành văn hoá sáng tạo tại Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp phát triển văn hoá sáng tạo tại Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện VHNTQGVN nhấn mạnh, đứng trước những thay đổi như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và khát vọng khơi dậy tinh thần cống hiến vì sự phồn vinh của dân tộc, vì sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc, Đảng và nhà nước ta đã và đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ sự phát triển các ngành văn hoá - sáng tạo; mong muốn sớm hình thành các ngành công nghiệp văn hoá và kinh tế sáng tạo có sức cạnh tranh, có tầm ảnh hưởng, có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và có tính hội nhập cao nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và từng bước thu hút nhu cầu tiêu dùng của thị trường quốc tế.

Hội thảo diễn trong bối cảnh bất ổn của đại dịch Covid-19, nhưng Ban tổ chức đã nhận được sự phản hồi tích cực và tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, những người hiện đang trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo, thực hành hoặc kinh doanh văn hoá sáng tạo ở Việt Nam thông qua 24 bài tham luận.

Để nhiều nhà nghiên cứu có cơ hội trình bày tham luận và trao đổi quan điểm, Ban tổ chức Hội thảo đã chia Hội thảo thành 2 phiên sáng và chiều như sau:

Phiên 1: Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển văn hóa - sáng tạo;

Phiên 2: Những câu chuyện kể và giải pháp phát triển văn hóa - sáng tạo tại Việt Nam

Cái đại biểu chủ trì phiên 2 của Hội thảo

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung cơ bản:  

Một là, Cơ hội, thách thức và xu hướng  phát triển văn hóa – sáng tạo ở Việt Nam và các nước trên thế giới

Hai là, Mô hình hợp tác công - tư và vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động phát triển văn hoá sáng tạo.

Ba là, Những câu chuyện từ thực tiễn và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển văn hoá sáng tạo tại Việt Nam.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, việc tổ chức hội thảo là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc, là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, các nhà thực hành sáng tạo văn hóa… có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ các vấn đề về giải pháp phát triển văn hóa sáng tạo tại Việt Nam.

Các bài trình bày và thảo luận ở Hội thảo đã đưa ra những vấn đề khoa học quan trọng, chia sẻ các vấn đề về giải pháp phát triển văn hóa sáng tạo tại Việt Nam. Các tham luận đã đưa ra các đề xuất, giải pháp đóng góp cả về mặt lý luận và thực tiễn cho mục tiêu chung hướng tới sự phát triển của lĩnh vực văn hóa sáng tạo tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu, Hội thảo đã tạo cơ hội quan trọng cho việc kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo tại Việt Nam. Việc chia sẻ tri thức, tăng cường đối thoại và hợp tác đã và đang trở thành một nguyên tắc cốt lõi và cũng là một giải pháp bao trùm đối với các hoạt động của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cảm ơn Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà thực hành sáng tạo văn hóa… và toàn thể đại biểu đã đến tham gia Hội thảo, đóng góp trí tuệ, tâm huyết góp phần thành công tốt đẹp của Hội thảo./.

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận