HỘI THẢO KHOA HỌC “Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh”

Ngày đăng: 09/05/2022 Lượt xem: 537
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 09/05/2022, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh”. Hội thảo là hoạt động thuộc khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ nằm trong Chương trình nghiên cứu: “Phát triển Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh”, với mục đích thu thập thông tin, lấy ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng…

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi Trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn Hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thuỷ, Trưởng ban Nghiên cứu Văn hoá, Viện VHNTQGVN - chủ nhiệm đề tài, cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý, các ngành liên quan trong nước và quốc tế, cộng đồng tham dự theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Hội thảo, trong phần đề dẫn, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thuỷ đã nêu bật, tài nguyên văn hóa là toàn bộ những sáng tạo của con người từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Không chỉ mang những giá trị vô giá về tinh thần, biểu tượng, giá trị lịch sử, giáo dục, nhân văn, tài nguyên văn hóa nếu được nhận diện, quản lý, sử dụng một cách phù hợp còn có thể đem lại những giá trị gia tăng to lớn về môi trường, về kinh tế, xã hội... Trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, về suy thoái môi trường, về mô hình tăng trưởng không bền vững…, tài nguyên văn hóa cần được phát huy hiệu quả để có thể trở thành nền tảng, chất xúc tác, hạt nhân cốt lõi cho mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, mà trực tiếp là gắn với du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh, đồng thời góp phần làm giàu đẹp thêm tài nguyên văn hóa của dân tộc, quốc gia và làm phong phú thêm văn hóa của nhân loại.

Những năm gần đây, phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh đã trở thành một đòi hỏi tất yếu, nhằm đáp ứng yêu cầu của định hướng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, hội nhập vào nỗ lực chung của toàn nhân loại về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần gìn giữ hành tinh - ngôi nhà chung của chúng ta và sự sống trong tương lai. Bên cạnh đó, việc yêu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo hướng du lịch tăng trưởng xanh là một thách thức, đòi hỏi các góc nhìn đa chiều và cách tiếp cận tích hợp, liên ngành. Hơn nữa, việc gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa, đồng thời đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay đang còn là những bước đi đầu tiên và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức… Vì vậy, nhằm mục đích làm rõ những vấn đề đặt ra trong “Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh” tại Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh”.

Hội thảo đã nhận được 25 tham luận từ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng…. các tham luận tập trung vào 5 vấn đề sau:

Một là, Cơ sở lý luận về thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, cùng có lợi giữa quản lý, sử dụng tài nguyên văn hóa và phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh.

Hai là, Thực trạng cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch tăng trưởng xanh;

Ba là, Thực trạng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa (như: các dịch vụ lưu trú; các tour du lịch gắn với tài nguyên văn hóa và tăng trưởng xanh, các sản phẩm lưu niệm, ẩm thực; các lễ hội, sự kiện mới, đương đại…);

Bốn là, Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa trong quản lý tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng xanh;

Năm là, Dự báo một số xu hướng và đề xuất các mô hình, tiêu chí, các chính sách, giải pháp nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo hướng du lịch tăng trưởng xanh.

Do thời gian có hạn, để nhiều nhà khoa học có cơ hội trình bày tham luận cũng như trao đổi quan điểm học thuật của mình, Ban tổ chức Hội thảo đã chia Hội thảo thành 2 phiên như sau: Phiên 1: Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa từ những góc nhìn đa chiều/cách tiếp cận tổng thể; Phiên 2: Bài học kinh nghiệm và viễn cảnh tương lai. Ở mỗi phiên, Ban tổ chức đã mời một số diễn giả trình bày về những vấn đề có tính chất khai mở, thời gian còn lại là dành cho thảo luận, lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu và đặc biệt là của những người hiện đang trực tiếp tham gia vào công tác thực hành, quản lý, sử dụng tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo định hướng xanh.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý cùng đánh giá, phân tích và làm rõ thực trạng cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch tăng trưởng xanh, cụ thể: PGS.TS Đặng Văn Bài với tham luận “Di sản văn hoá từ góc nhìn không gian văn hoá”; TS Trần Hữu Sơn với tham luận “Thế giới quan sinh thái và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh”; KTS Bùi Kiến Quốc là một bộ phim phóng sự ngắn mang chủ đề “Cái đẹp nông thôn là một di sản: giữ gìn và bảo vệ văn hoá nông thôn trong quá trình đô thị hoá, những kinh nghiệm và nghiên cứu các quốc gia đã phát triển”; Ông Lê Ngọc Thuận với những tâm huyết, hoài bão trong tham luận “Doanh Nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và du lịch tăng trưởng xanh ở Hội An: phác thảo bức tranh chung và câu chuyện nghệ thuật tái chế từ củi lũ”… Hầu hết các đại biểu đều tập trung vào thực trạng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa, các dịch vụ lưu trú, các tour du lịch, ẩm thực, lễ hội, sự kiện tại một số địa phương như: Triêm Tây, Hội An (Quảng Nam), Tràng An, Hoa Lư (Ninh Bình), Thành phố Đà Nẵng, Sa Pa Lào Cai…

Một số đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, việc tổ chức hội thảo lần này là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực đáp ứng yêu cầu của định hướng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, đầy trách nhiệm, thẳng thắn và cởi mở của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quý vị đại biểu, Hội thảo sẽ là điểm khởi đầu và nguồn cảm hứng cho các cuộc tranh luận và hành động tiếp theo với các bên liên quan về chủ đề thiết thực này, mở ra nhiều cơ hội mới để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội kết nối liên ngành, liên lĩnh vực trong thời gian tới.

Ban tổ chức mong muốn, buổi hội thảo này sẽ là một thảo luận bước đầu cho các vấn đề về lý thuyết và thực tiễn, thực trạng, thành tựu, xu hướng, khám phá các khuôn khổ chính sách, cơ chế, biện pháp phù hợp cần thiết để hướng tới tương lai và huy động sự tham gia rộng rãi, có trách nhiệm của các bên liên quan về vấn đề: “Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh”.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp./.

Ban tổ chức Hội thảo và các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tin, Ảnh: Lã Lương

Bình luận