Hội thảo khoa học: Giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

Ngày đăng: 12/05/2022 Lượt xem: 615
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 12/5/2022, tại trụ sở Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Cùng chủ trì Hội thảo có TS Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chủ nhiệm đề tài.

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp và quý vị đại biểu.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh: Môi trường văn hóa không chỉ là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc mà còn là nơi để khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới; nơi tiếp nhận các giá trị ngoại sinh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) xem việc xây dựng môi trường văn hóa là một trong 5 mục tiêu chung; trong đó doanh nghiệp được xem là đơn vị cơ sở cần phải xây dựng môi trường văn hóa.

Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp”. Hội thảo nhận được 16 bài tham luận, nội dung tập trung vào các vấn đề chính như sau:

1. Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về môi trường văn hóa trong doanh nghiệp.

2. Phân tích, đánh giá về thực trạng xây dựng môi trường văn hóa (những giá trị văn hóa các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của các thành viên) trong doanh nghiệp ở nước ta hiện nay trước yêu cầu, thách thức của sự phát triển bền vững.

3. Xây dựng khung phân tích, đề xuất tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp.

4. Một số vấn đề và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.

Hội thảo được chia thành 2 phiên. Phiên 1: Cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp. Phiên 2: Giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trình bày tham luận đầu tiên, PGS.TS Dương Thị Liễu - Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh với tham luận “Khung phân tích môi trường văn hóa trong doanh nghiệp” đã đề xuất việc xây dựng bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp Việt Nam bao gồm các nội dung: Thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, các giá trị văn hóa, các chuẩn mực hành vi, các hoạt động văn hóa, các sản phẩm văn hóa… nhằm chỉ ra tầm quan trọng, các yêu cầu và mục tiêu của việc xây dựng tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh với tham luận “Thực trạng về xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp Hà Nội hiện nay”. Tác giả đã đánh giá thực trạng xây dựng môi trường văn hóa trong các doanh nghiệp, từ tạo thiết chế, cảnh quan văn hóa, giá trị văn hóa, chuẩn mực hành vi cho đến các hoạt động, ấn phẩm văn hóa. Từ đó tác giả đề xuất một số giải pháp, kiến nghị với các Hiệp hội các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng môi trường văn hóa.

Trong tham luận “Áp dụng mô hình 7s của MCkinsey để xây dựng môi trường làm việc có văn hóa mạnh - một gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh, tác giả đã xoay quanh việc giải đáp 2 câu hỏi chính là: 1/ Vì sao khi doanh nghiệp có văn hóa mạnh thì sẽ có thể tăng hiệu quả hoạt động, hiệu quả tài chính của doanh nghiệp? 2/ Làm thế nào để xây dựng được môi trường làm việc có văn hóa mạnh trong các doanh nghiệp, từ đó đưa ra gợi ý về việc áp dụng mô hình 7S của McKinsey để gắn yếu tố văn hóa với hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ một góc nhìn khác, TS Nguyễn Thị Thanh Mai trong tham luận “Xây dựng môi trường văn hóa làm việc dân chủ nhằm thúc đẩy động lực cho nhân viên trong các tổ chức doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay” đã nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng môi trường làm việc dân chủ, bởi ở đó các giá trị được đề cao, thân thiện, cởi mở, dân chủ, bình đẳng, minh bạch và được tôn trọng. Xây dựng môi trường làm việc dân chủ sẽ đáp ứng nhu cầu tất yếu của các thành viên, đem lại hiệu quả vận hành của tổ chức, doanh nghiệp cũng như duy trì sự kết nối, thấu hiểu, cống hiến lâu dài và gắn bó…

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.

Ở phần thứ hai, hội thảo tập trung thảo luận về các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp từ những góc nhìn cụ thể của các cá nhân, doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Theo TS Nguyễn Thế Hùng, việc xây dựng môi trường văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tiêu chí đưa ra trong đề tài chỉ mang tính chất khung, và từ các khung tiêu chí đó, mỗi doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa ra những tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm và thực tiễn của doanh nghiệp mình.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh: Môi trường văn hóa là nơi sẽ tạo ra các giá trị, là nơi kế thừa và phát huy các giá trị, đồng thời cũng là nơi đào tạo, phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Qua ý kiến thảo luận của các nhà khoa học, cũng như ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội… đã có sự đóng góp thiết thực cho hệ thống nghiên cứu khoa học và các hoạt động thực tiễn liên quan đến các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước. Thay mặt Ban Tổ chức, PTS.Nguyễn Thị Thu Phương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà truyền thông đã tham dự Hội thảo và chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, đóng góp cho sự thành công của Hội thảo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Tin: Phạm Dung

Ảnh: Lã Lương

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục