Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Xuân Giáp

Ngày đăng: 06/10/2022 Lượt xem: 209
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 06/10/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Xuân Giáp với đề tài: Nghệ thuật chạm khắc hoa văn trên đồ thờ đá trong lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở Bắc Bộ, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Ngô Văn Doanh hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Bắc Bộ là một trong những trung tâm văn hóa và mỹ thuật lớn của đất nước, là nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá mang tính truyền thống dân tộc sâu sắc. Chính các giá trị sống động đó đã lôi cuốn các họa sĩ hướng về nghiên cứu, thể hiện, sáng tạo tác phẩm trên nền tảng văn hóa dân tộc nói chung và mỹ thuật truyền thống nói riêng. Những giá trị mỹ thuật truyền thống đến nay vẫn còn được lưu giữ khá đầy đủ, phong phú, đa dạng ở Bắc Bộ trong các di tích cổ kính như đình, chùa, đền, miếu, lăng mộ… Trong đó, lăng mộ là một phần di sản mỹ thuật quan trọng để có thể học hỏi và kế thừa.

Đồ thờ đá trong các lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở Bắc Bộ có các hình trang trí (hay các hoa văn) chạm khắc trên đó là công cụ trung gian để con người bày tỏ ước vọng của mình với thế giới siêu nhiên. Đồ đá gắn với người Việt xưa trong suốt chiều dài lịch sử, đây là một chất liệu quan trọng trong mỹ thuật cổ. Nhờ có sự bền vững của chất liệu này mà nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ còn tồn tại đến ngày nay. Trong kiến trúc điêu khắc và đồ thờ ở các lăng mộ đá thế kỷ XVII - XVIII, các hoa văn trang trí chiếm một vị trí hết sức quan trọng, mỗi đồ án, mô-típ thể hiện trong chạm khắc trang trí gần như mang một lúc nhiều chức năng. Đó không phải chỉ là những hình ảnh mô tả chân thực cuộc sống, mà là sự ước lệ, biến đổi, đơn giản hóa, ký hiệu hóa; có khi là sự điều chỉnh qua tác động của thời gian, sự giao lưu, tiếp biến, thậm chí là năng khiếu khái quát hoặc thiên hướng thẩm mỹ của người nghệ nhân chạm khắc thể hiện, làm chúng xuất hiện dưới nhiều hình ảnh khác nhau…

Tuy nhiên cho đến nay, các hiện vật đồ thờ đá mang trên mình những hình hoa văn trang trí đặc sắc trên các lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở Bắc Bộ còn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các tác phẩm này còn ẩn chứa với rất nhiều lớp nghĩa phong phú, việc tìm hiểu và giải mã chúng sẽ là cơ sở cho chúng ta tìm hiểu về tư duy, quan niệm và thẩm mỹ của người xưa, tiếp cận với một mảng hoa văn vốn cổ, khơi dậy năng lực liên tưởng, tư duy sáng tạo từ các họa tiết, hoa văn nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh văn hóa hiện đại. Đó chính là lý do NCS Nguyễn Xuân Giáp chọn đề tài Nghệ thuật chạm khắc hoa văn trên đồ thờ đá trong lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở Bắc Bộ làm luận án tiến sĩ của mình.

NCS Nguyễn Xuân Giáp

Luận án của NCS Nguyễn Xuân Giáp, ngoài việc nghiên cứu khái quát hệ thống đồ thờ đá trong lăng mộ thế kỷ XVII -XVIII ở Bắc Bộ, còn nghiên cứu hệ thống các đề tài hoa văn được chạm khắc trên các đồ thờ đá trong các lăng mộ giai đoạn này thông qua các đồ thờ của bốn lăng mộ tiêu biểu đã được lựa chọn là lăng Vũ Hồng Lượng, Đặng Trung Túc, lăng Đỗ Bá Phẩm, lăng Nguyễn Danh Thưởng; đồng thời nghiên cứu những đặc điểm và giá trị của nghệ thuật chạm khắc hoa văn trên các đồ thờ đá trong lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở Bắc Bộ từ góc độ của nghệ thuật tạo hình, thông qua những đồ thờ của bốn lăng mộ tiêu biểu.

Ngoài ra, luận án cũng nghiên cứu, tìm hiểu những nét đặc trưng riêng biệt về bản sắc văn hoá Việt Nam thế kỷ XII - XVIII nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, định vị về phong cách trang trí mỹ thuật của một giai đoạn lịch sử mỹ thuật, mang giá trị thẩm mỹ độc đáo, giữ được tính nguyên bản của các bức chạm khắc xa xưa, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho mỹ thuật cổ Việt Nam.

Theo tác giả luận án, nghệ thuật chạm khắc trang trí hoa văn trên đồ thờ trong lăng mộ không chỉ đơn thuần mang tính chất trang trí, làm đẹp không gian mà còn tác động đến tư tưởng, tình cảm của người đến thăm, thưởng thức công trình. Nghệ thuật chạm khắc trên đồ thờ bằng đá cũng thể hiện sự kết nối giữa con người và thần linh đồng thời phản ánh ước mơ, khát vọng của người xưa.

Có thể nói, luận án đã góp phần khẳng định những phẩm chất, giá trị nghệ thuật tinh tế, của nghệ thuật chạm khắc trang trí đá là một trong những tinh túy trong dòng chảy mỹ thuật tạo hình, chứa đựng những tinh hoa và vốn quý của dân tộc, đã được sàng lọc qua bao nhiêu thời gian, tạo nên những giá trị riêng biệt không lẫn với bất cứ với dòng nghệ thuật chạm khắc nào khác.

Từ những kết quả nghiên cứu, luận án đã định hướng ứng dụng hoa văn vốn cổ vào sáng tác nghệ thuật, góp phần vào việc hệ thống hóa các tư liệu nghiên cứu của đề tài có liên quan và làm rõ giá trị của hoa văn trên đồ thờ đá thế kỷ XVII - XVIIII đối với đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt. Bổ sung những thông tin về lý luận mỹ thuật, tài liệu ảnh, bản vẽ, bản rập cho các họa sĩ sáng tác, cán bộ nghiên cứu, các giảng viên, học viên ngành văn hoá nghệ thuật.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Ngô Văn Doanh, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (06 trang), Kết luận (04 trang), Tài liệu tham khảo (06 trang) và Phụ lục (76 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (51 trang).

Chương 2: Nhận diện đề tài hoa văn chạm khắc trên đồ thờ đá ở một số lăng mộ tiêu biểu thế kỷ XVII - XVIII (58 trang).

Chương 3: Đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc hoa văn trên đồ thờ đá trong lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII, giá trị và một số bàn luận (52 trang).

NCS Nguyễn Xuân Giáp đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Xuân Giáp đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Xuân Giáp./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

 

Bình luận