Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Minh Khôi

Ngày đăng: 13/10/2022 Lượt xem: 263
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 13/10/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Minh Khôi với đề tài: Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ trên kiến trúc thời Khải Định (1916 – 1925) tại Quần thể di tích Cố đô Huế, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Vua Khải Định lên ngôi vào năm 1916, lúc đất nước đang trong bối cảnh, quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây diễn ra mạnh mẽ. Từ năm 1916 - 1925, ông đã cho tu bổ và xây dựng nhiều công trình trong quần thể di tích (QTDT) Cố đô Huế, mà trong đó có sự xuất hiện của các công trình kiến trúc phương Tây, đa phần các công trình này sử dụng hình thức trang trí khảm sành sứ (TTKSS). Theo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho hay, các kiến trúc cung đình (KTCĐ) triều Nguyễn giai đoạn Khải Định - Bảo Đại (1916 - 1945) đã “góp phần tạo nên một diện mạo mới cho quần thể di tích kiến trúc ở kinh đô”.

Trong những năm gần đây, nhiều công trình quan trọng có liên quan đến vua Khải Định đã và đang được quan tâm phục hồi, tu bổ như: điện Kiến Trung, điện Thái Hòa và trong tương lai có thể là điện Cần Chánh hay Cửu Tư Đài. Do đó, bên cạnh các lĩnh vực kiến trúc, kết cấu, đòi hỏi cần phải có các nghiên cứu về mỹ thuật, đặc biệt là hệ thống TTKSS, để xây dựng cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn.

Xuất phát từ thực tiễn bảo tồn di sản, các vấn đề cần quan tâm, chú ý đối với hệ thống TTKSS thời Khải Định bao gồm: những yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa ảnh hưởng đến nghệ thuật trang trí (NTTT) cung đình triều Nguyễn những năm đầu thế kỷ XX; đề tài, kiểu thức trang trí, sự kết hợp và hình thức biểu đạt của các đồ án trang trí trên công trình... NCS Nguyễn Minh Khôi đã tiến hành tổng hợp và đối chiếu các công trình nghiên cứu về mỹ thuật Huế theo ba hướng: thứ nhất, những nghiên cứu liên quan đến QTDT Cố đô Huế ở giai đoạn 1916-1925 dưới thời Khải Định; thứ hai, những nghiên cứu liên quan đến NTTT triều Nguyễn; thứ ba, những nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật TTKSS triều Nguyễn. Từ những công trình nghiên cứu này, NCS nhận thấy chưa có nghiên cứu nào đi sâu về những đặc trưng TTKT cung đình triều Nguyễn giai đoạn 1916 - 1945 trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông – Tây. Chính vì vậy, NCS Nguyễn Minh Khôi đã lựa chọn đề tài Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ trên kiến trúc thời Khải Định (1916 – 1925) tại Quần thể di tích Cố đô Huế làm luận án Tiến sĩ của mình.

NCS Nguyễn Minh Khôi.

Luận án Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ trên kiến trúc thời Khải Định (1916 – 1925) tại Quần thể di tích Cố đô Huế của NCS Nguyễn Minh Khôi là một tập hợp có hệ thống chuyên sâu về NTTT trong một giai đoạn của lịch sử mỹ thuật Huế và KTCĐ triều Nguyễn.

Luận án đã xác định rõ các vấn đề: bối cảnh hình thành, sự kết hợp, cách bài trí và hình thức biểu đạt (tạo hình, chất liệu, màu sắc, thủ pháp…) của nghệ thuật TTKSS trên kiến trúc thời Khải Định (1916 - 1925) tại QTDT Cố đô Huế.

Luận án cũng đã chứng minh các đặc trưng, giá trị và sự kế thừa, phát triển của nghệ thuật TTKSS trên kiến trúc thời Khải Định (1916 - 1925), góp phần khẳng định hiệu quả thẩm mỹ trong việc kết hợp giữa nghệ thuật trang trí và nghệ thuật kiến trúc tại QTDT Cố đô Huế. Đồng thời đóng góp vào việc nghiên cứu những yếu tố làm nên đặc trưng của NTTT trên KTCĐ triều Nguyễn giai đoạn 1916 - 1925 trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây.

Luận án cung cấp cơ sở khoa học cho việc nhận diện “yếu tố trang trí Khải Định” trên kiến trúc, qua đó xác định yếu tố hình thành giá trị nghệ thuật của những công trình KTCĐ thuộc QTDT Cố đô Huế. Đồng thời, luận án cũng là cơ sở để triển khai công tác bảo tồn hệ thống TTKSS trên những công trình này. Luận án góp phần vào việc kế thừa và phát huy nghề nề ngõa, khảm sành sứ truyền thống, một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Huế.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (08 trang), Kết luận (03 trang), Tài liệu tham khảo (13 trang) và Phụ lục (124 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (49 trang).

Chương 2: Biểu hiện của nghệ thuật trang trí khảm sành sứ trên kiến trúc thời Khải Định (1916 - 1925) tại Quần thể di tích Cố đô Huế (51 trang).

Chương 3: Đặc trưng, giá trị văn hóa nghệ thuật và bàn luận về nghệ thuật trang trí khảm sành sứ trên kiến trúc thời Khải Định (1916 - 1925) tại Quần thể di tích Cố đô Huế (46 trang).

NCS Nguyễn Minh Khôi đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Minh Khôi đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Minh Khôi./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận