Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Hồng Tươi

Ngày đăng: 14/10/2022 Lượt xem: 237
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 13/10/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thị Hồng Tươi với đề tài: Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của đình Cẩm Phô, đình Hội An và đình Sơn Phong (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Phan Thanh Bình hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Hội An là một trong tám di sản vật thể của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999 bởi những di tích như: nhà cổ, nhà thờ tộc, đình, chùa, hội quán của người Hoa, lăng mộ... hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Hội An có bối cảnh lịch sử trải qua nhiều lớp văn hóa và có sự giao lưu với Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây. Đặc biệt, sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa với Trung Hoa được thể hiện rõ nét với những dấu ấn qua kiến trúc, trang trí, lễ hội, ăn mặc, ngôn ngữ... Làng, xã ở Hội An có lịch sử hình thành từ lâu đời nhưng kiến trúc đình (hiện nay còn khoảng trên 20 ngôi đình làng, đình ấp) được hoàn chỉnh vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX do nhiều yếu tố khác nhau. Chính vì điều này mà nghệ thuật trang trí trên kiến trúc (NTTTTKT) đình ở Hội An có những dấu ấn của Mỹ thuật thời Nguyễn, mang nhiều nét đặc trưng riêng trong nghệ thuật trang trí, chất liệu và kỹ thuật xây dựng, kiến trúc... Trong đó, không thể không nhắc đến những ngôi đình tiêu biểu ở Hội An như: Đình Cẩm Phô (ĐCP), đình Hội An (ĐHA) và đình Sơn Phong (ĐSP).

Đình Cẩm Phô được xem là ngôi đình cổ nhất ở Hội An, có sự đầu tư về nghệ thuật trang trí hơn hẳn so với các ngôi đình khác. Đình có kiến trúc tiêu biểu gồm cổng tam quan, sân đình, chính đình ở giữa, phương đình phía trước, 2 bên là nhà Đông và nhà Tây. Đây là ngôi đình có một hệ thống các con giống được tạo hình rất sinh động và độc đáo, trang trí cho các bộ phận kiến trúc. Nghệ thuật trang trí của đình Cẩm Phô được xem là tiêu biểu và mẫu mực trong số các ngôi đình ở Hội An bởi sự tinh tế, tỉ mẩn trong từng chi tiết.

Đình Hội An tồn tại xen kẽ giữa những công trình kiến trúc của người Hoa, người Nhật, là nơi phát triển sầm uất bậc nhất của Hội An thời bấy giờ. Đình Hội An được xem là nơi biểu hiện rõ nét nhất về sự giao lưu tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa thông qua NTTTTKT mà cụ thể là đối với các mảng, chi tiết trang trí ở bên trong ngôi đình như: phong cách tạo hình rồng, các mảng màu sắc tươi sáng, nổi bật, được sơn, vẽ trên các chi tiết trang trí… Như vậy, ngoài sự nổi bật về quy mô kiến trúc thì đình Hội An còn chứa đựng những yếu tố đặc trưng của nghệ thuật trang trí, là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa mà khó tìm thấy ở các ngôi đình khác.

Đình Sơn Phong tính tới thời điểm hiện tại đã tồn tại khoảng hơn 300 năm và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Đình Sơn Phong có quá trình xây dựng lâu đời, theo lối kiến trúc phương Đông và mang phong cách trang trí thời Nguyễn tiêu biểu được thể hiện rõ nét qua các đồ án, thủ pháp và ngôn ngữ tạo hình.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về đình làng Việt Nam và những nghiên cứu về di tích, kiến trúc ở Hội An. Đa số các công trình nghiên cứu được công bố: sách, luận án, các bài báo khoa học, luận văn... trên nhiều góc cạnh, nhiều lĩnh vực như: khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa... Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể nghiên cứu về Hội An thì việc nghiên cứu các ngôi đình trên góc độ nghệ thuật tạo hình còn rất ít, chưa có sự chuyên biệt và hệ thống, ngoại trừ một số bài viết đơn lẻ về vấn đề này, đặc biệt là nghiên cứu trực tiếp các ngôi ĐCP, ĐHA và ĐSP thì cho đến thời điểm hiện tại chưa có công trình nghiên cứu sâu, đa diện nào đáng kể về nghệ thuật tạo hình. Xuất phát từ những lý do trên, NCS Nguyễn Thị Hồng Tươi lựa chọn đề tài nghiên cứu về Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của đình Cẩm Phô, đình Hội An và đình Sơn Phong (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) làm luận án Tiến sĩ

NCS Nguyễn Thị Hồng Tươi.

Luận án đã khẳng định đặc trưng và giá trị nghệ thuật trang trí tiêu biểu trên kiến trúc của các ngôi đình ở Hội An, tìm hiểu về tư duy thẩm mỹ của con người được biểu hiện qua sự phát triển của xã hội đối với từng giai đoạn lịch sử. Sự kế thừa và phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm xây dựng và phát triển đô thị cổ Hội An, góp phần xây dựng quan điểm thẩm mỹ của người Việt phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Luận án góp phần làm rõ việc nghiên cứu NTTTTKT truyền thống là nghiên cứu về sự hài hoà giữa hình thức và nội dung, làm rõ đặc trưng của NTTTKT truyền thống chính là sự cân xứng hài hoà giữa các chi tiết trang trí và bố cục tổng thể thông qua ngôn ngữ tạo hình như: màu sắc, đường nét, bố cục, chất liệu… Bên cạnh đó, các thủ pháp tạo hình góp phần nâng tầm giá trị nghệ thuật và tạo ra sức truyền cảm cho các công trình, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ dân tộc.

Ngoài ra, luận án đã chứng minh được trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa qua các yếu tố của nghệ thuật trang trí, các yếu tố ngoại sinh khó có thể lấn át được các yếu tố bản địa bởi sự sáng tạo đầy bản lĩnh của người Việt xưa.

Với việc hệ thống, tập hợp các dữ liệu về NTTTTKT của đình Cẩm Phô, đình Hội An và đình Sơn Phong, luận án góp phần bổ sung những tư liệu trong quá trình khảo sát điền dã đối với chính 3 ngôi đình này: Bản vẽ, khảo tả, đạc họa, khảo sát, hệ thống hóa… Đồng thời bổ sung tư liệu cho công tác nghiên cứu, giáo dục thẩm mỹ. Những đặc trưng về NTTTTKT đình ở Hội An còn góp phần cho sự phát triển về lĩnh vực thiết kế ứng dụng, đưa các giá trị truyền thống vào thiết kế đương đại là một xu hướng tất yếu trong sự hội nhập và phát triển hiện nay, đặc biệt là trong giáo dục đào tạo.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Phan Thanh Bình, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (10 trang), kết luận (4 trang), tài liệu tham khảo (11 trang), phụ lục (120 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (50 trang).

Chương 2: Biểu hiện nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của đình Cẩm Phô, đình Hội An và đình Sơn Phong (56 trang).

Chương 3: Đặc trưng, giá trị văn hóa nghệ thuật và bàn luận về nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của đình Cẩm Phô, đình Hội An và đình Sơn Phong (52 trang).

NCS Nguyễn Thị Hồng Tươi đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Thị Hồng Tươi đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Thị Hồng Tươi./.

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận