Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Hiền

Ngày đăng: 20/10/2022 Lượt xem: 286
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 19/10/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thị Hiền với đề tài: Tín ngưỡng Địa Mẫu ở Hà Nội, chuyên ngành: Văn hóa học, mã số: 9229040, do TS Bùi Quang Hùng và TS Vũ Anh Tú hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Hà Nội là nơi qui tụ nhiều tôn giáo tín ngưỡng nền tảng như: Phật giáo, Công giáo, Đạo Cao Đài, Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng và tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên... Với hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu có lớp lang xuất hiện trong các ngôi chùa, ngôi đền, miếu, phủ… đã trở nên quen thuộc với người Việt ở Bắc Bộ. Hiện nay xuất hiện nhiều tín ngưỡng ngoại lai trong đó có tín ngưỡng Địa Mẫu. Tín ngưỡng Địa Mẫu là một tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc có từ lâu đời và được du nhập vào Việt Nam. Cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào thảo luận về quá trình tín ngưỡng Địa Mẫu du nhập vào Việt Nam từ khi nào. Tuy nhiên nếu căn cứ vào bản Địa Mẫu chân kinh được in tại đền Ngọc Sơn ở Hà Nội năm 1923, có thể thấy giai đoạn đầu thế kỷ XX tín ngưỡng này đã xuất hiện tại Hà Nội. Song vì một lý do nào đó tín ngưỡng Địa Mẫu đã bị đứt đoạn, mãi đến cuối thế kỷ XX đến nay mới tiếp tục phát triển du nhập vào các điểm thờ tự ở Hà Nội.

Tín ngưỡng Địa Mẫu về tên gọi rất dễ nhầm sang Mẫu Địa là vị Thánh Mẫu được thờ trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ của người Việt. Nhưng tín ngưỡng Địa Mẫu hoàn toàn khác biệt với tín ngưỡng thờ Mẫu Địa của người Việt từ hình tượng cho đến kinh sách và thực hành tín ngưỡng. Cụ thể, về hình tượng Địa Mẫu được gắn liền với biểu tượng của trái đất, nên phổ biến nhất là hình tượng người phụ nữ đứng trên quả địa cầu, tóc búi cao, một tay giơ trước ngực bắt ấn cứu độ và một tay buông xuôi cầm vật trải dài tượng trưng cho cái chài (chài lưới dùng đánh bắt cá). Về nghi thức thực hành tiêu biểu là các buổi đọc kinh Địa Mẫu vào giờ Ngọ (11giờ), các ngày Mậu tháng âm lịch. Ngày vía Địa Mẫu được tổ chức vào ngày 18 tháng 10 âm lịch.

Trong quá trình du nhập vào các cơ sở thờ tự ở Hà Nội, tín ngưỡng Địa Mẫu dựa vào các tôn giáo tín ngưỡng bản địa để phát triển và lan tỏa, do đó đã có những chuyển đổi để dung hợp theo từng không gian văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Nhìn từ góc độ văn hóa, tín ngưỡng Địa Mẫu xuất hiện trong các không gian thờ tự từ công cộng đến tư gia ở Hà Nội đã thể hiện sự tiếp biến văn hóa tín ngưỡng. Mặc dù Tín ngưỡng Địa Mẫu là một hiện tượng đang được thờ khá phổ biến ở một số cơ sở tôn giáo tín ngưỡng ở Hà Nội, nhưng đến nay chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt về tín ngưỡng Địa Mẫu, đặc biệt là tín ngưỡng Địa Mẫu ở Hà Nội. Chính vì thế, NCS Nguyễn Thị Hiền đã lựa chọn đề tài Tín ngưỡng Địa Mẫu ở Hà Nội làm luận án tiến sĩ với mong muốn đóng góp thêm tư liệu tham khảo hữu ích, bổ sung đa dạng những nghiên cứu về hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt nói chung cũng như khẳng định được giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Địa Mẫu trong bối cảnh xã hội hiện nay.

NCS Nguyễn Thị Hiền

Luận án đã tổng hợp tài liệu liên quan đến Địa Mẫu để thấy được những khoảng trống trong nghiên cứu và xác định đây là tín ngưỡng du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đặc biệt từ quá trình khảo sát thực tế về các nơi thờ Địa Mẫu ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành đã cho thấy tuổi đời của tín ngưỡng này còn non trẻ và tín ngưỡng Địa Mẫu hiện nay phát triển dựa vào các tôn giáo tín ngưỡng bản địa để tồn tại và lan tỏa. Bên cạnh đó, từ khi tín ngưỡng Địa Mẫu xuất hiện trong không gian đình, chùa và điện thờ tư gia đã có những xu hướng chuyển đổi, dung hợp của tín ngưỡng này trong giai đoạn hiện nay.

Luận án đã làm rõ các đối tượng thờ phụng Địa Mẫu gồm: Đối tượng là tín đồ thực sự của tín ngưỡng Địa Mẫu thường xuyên đến đọc kinh Địa Mẫu với tâm nguyện phụng thờ Địa Mẫu như người Mẹ trái đất và mong muốn những ước vọng không chỉ cho bản thân mà cả xã hội; Đối tượng là tín đồ muốn đưa Địa Mẫu về làm thần chủ của riêng họ và thu hút các tín đồ với nhiều ước vọng khác nhau hay Đối tượng kinh doanh các hàng hoá dịch vụ (buôn bán, cho thuê nhà đất…)...; mặc dù tại Hà Nội tín ngưỡng Địa Mẫu chưa thực sự phát triển như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ của của người Việt.

Kết quả nghiên cứu của luận án cũng góp phần làm sáng tỏ giữa Địa Mẫu và Mẫu Địa cũng như một số giá trị văn hóa, xu hướng thờ Địa Mẫu trong xã hội hiện nay.

Đây là một công trình ít được các nhà nghiên cứu quan tâm, do đó từ đề tài luận án này có thể là nguồn tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và những người quan tâm đến tín ngưỡng Địa Mẫu. Bên cạnh đó, thấy được sự tiếp biến văn hóa tín ngưỡng Địa Mẫu cũng như phản ánh nhu cầu thờ Địa Mẫu của những những nhóm người với mục đích khác nhau trong xã hội đượng đại.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

TS Vũ Anh Tú, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (8 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (14 trang), Phụ lục (160 trang), nội dung luận án được chia thành 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí luận (35 trang).

Chương 2: Tín ngưỡng Địa Mẫu những vấn đề chung và thực tiễn (46 trang).

Chương 3: Quá trình hình thành và phát triển tín ngưỡng Địa Mẫu tại đình Ứng Thiên, chùa Vân Hồ và điện thờ họ Nguyễn ở Hà Nội (44 trang).

Chương 4: Những đặc điểm, giá trị văn hóa, xu hướng và vấn đề bàn luận về thờ Địa Mẫu (30 trang).

NCS Nguyễn Thị Hiền đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Thị Hiền đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa học cho NCS Nguyễn Thị Hiền./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận