Thông cáo báo chí: Hội thảo: Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam

Ngày đăng: 21/10/2022 Lượt xem: 150
Mặc định Cỡ chữ

Do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT&DL) tổ chức với sự hỗ trợ của Xưởng thứ Bảy và Hanoi Grapevine.

Địa diểm:    XƯỞNG THỨ BẢY | THE 7th ATELIER 121 phố 8/3, C23, phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Xin xem trang 6 cho Hướng dẫn di chuyển)

Thời gian: 09:00 – 12:00

Ngày: 24.10.2022

Ngày 24 tháng 10 năm 2022 (09.00-12.00), tại Xưởng thứ Bảy, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ tổ chức Hội thảo chuyên đề Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam”.

Hội thảo nhằm mục đích công bố các kết quả nghiên cứu do đội ngũ các chuyên gia quốc tế và quốc gia của Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam (SIPE) thực hiện trong năm 2022 về tổng quan khuôn khổ pháp lý hiện hành và thực trạng việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, không gian sáng tạo và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam cùng trao đổi và bàn luận về thực trạng việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các ngành văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam, từ đó đề những gợi mở, giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo và nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các cán bộ quản lý nhà nước, nghệ sĩ, người thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam.

Hội thảo dự kiến tập trung thảo luận về những nội dung chính sau:

- Đánh giá tổng quan khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo.

- Đánh giá thực trạng nhận thức, hiểu biết chung và hiện trạng của việc thực thi quyền sở hữu trong  các ngành văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian qua

- Đánh giá vai trò của việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam

- Cơ hội và thách thức của việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh phát triển của các nền tảng công nghệ số (Blockchain, Metarverse, NFT, in 3D,…)

- Giải pháp thúc đẩy việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam

Các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 8,081 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019. Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới, tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sỹ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khỏe mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Văn bản chính sách quan trọng này đã thúc đẩy những mục tiêu đầy lạc quan về sư tăng trưởng cần đạt của các ngành công nghiệp này tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả mục tiêu khắc phục được những hạn chế hiện nay về việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam. Những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực của việc vi phạm các khuôn khổ pháp lý hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền có thể gây ra cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá đó, Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề xuất và nhận được sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa của UNESCO. Dự án hiện đang được thực hiện bởi Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT&DL) từ tháng 3.2022 – 3.2023, triển khai một loạt các hoạt động gồm nghiên cứu đánh giá, tổ chức hội thảo và các đợt tập huấn, công bố các ấn phẩm hướng dẫn cơ bản về SHTT nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Dự án SIPE có ba mục tiêu cụ thể:

  • Đánh giá được tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo.
  • Nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các nghành liên quan.
  • Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Thông tin về Dự án: Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

GHI CHÚ CHO BÁO CHÍ:

Xin vui lòng sử dụng ảnh trong đường dẫn này và ghi rõ thông tin bản quyền hình ảnh như được cung cấp.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

TS. Nguyễn Thị Thu Hà,

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, 32 Hào Nam, Hà Nội

F +84 (0) 24 3511 6415

M +84 (0) 916 011 980

E sipe.ifcdprojectinvietnam@gmail.com

Thông tin về VICAS:

Được thành lập từ năm 1971, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) là đơn vị sự nghiệp khoa học, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược, triển khai hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật, gia đình, văn hóa trong du lịch, văn hóa trong thể thao, đào tạo sau đại học về văn hóa, nghệ thuật và văn hóa du lịch. Sau hơn 50 năm phát triển (1971-2022) với tầm nhìn góp phần hình thành nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội và là nội lực quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, VICAS đã trở thành một viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam và đang dần vươn lên trở thành một tổ chức nghiên cứu có vị trí vững vàng trong khu vực với nhiều chương trình hợp tác quốc tế. http://new.vicas.org.vn/

Thông tin về Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT&DL):

Cục Bản quyền tác giả là tổ chức thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa trong cả nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. http://www.cov.gov.vn/

Thông tin về Quỹ Đa dạng Văn hóa Quốc tế của UNESCO:

Quỹ quốc tế về đa dạng văn hóa (IFCD) là một trong những công cụ cơ bản để thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ quốc tế của Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Được thành lập theo Điều 18 của Công ước 2005, Quỹ là tập hợp đóng góp của nhiều bên tài trợ, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển bền vững và giảm nghèo ở các nước đang phát triển là các Bên tham gia Công ước 2005. Quỹ thực hiện điều này thông qua việc hỗ trợ cho các dự án nhằm thúc đẩy sự xuất hiện của ngành văn hóa năng động, chủ yếu thông qua các hoạt động tạo điều kiện cho việc giới thiệu và / hoặc xây dựng các chính sách và chiến lược bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa cũng như củng cố nền tảng thể chế hỗ trợ tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa. Đáng chú ý, IFCD được vận hành để thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và Bắc-Nam-Nam, đồng thời góp phần đạt được kết quả cụ thể và bền vững cũng như các tác động về mặt cấu trúc, khi thích hợp, trong lĩnh vực văn hóa.

Từ năm 2010, Quỹ Quốc tế về Đa dạng Văn hóa đã đầu tư hơn 8 triệu đô Mỹ để tài trợ cho 114 dự án ở 58 quốc gia đang phát triển, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ phát triển và thực thi chính sách văn hóa, đến xây dựng năng lực cho các doanh nhân văn hóa, lập bản đồ các ngành công nghiệp văn hóa và tạo ra các mô hình kinh doanh mới trong ngành công nghiệp văn hóa. https://en.unesco.org/creativity/ifcd

Về Hanoi Grapevine: 

Hanoi Grapevine là một kênh thông tin quảng bá quan trọng cho nghệ thuật và văn hóa tại Việt Nam. Hanoi Grapevine cung cấp thông tin song ngữ có chất lượng về các sự kiện nghệ thuật và văn hóa diễn ra trên cả nước, đồng thời chia sẻ những nhận xét từ các nhà bình luận có chính kiến và kiến thức chuyên môn cao. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật và âm nhạc mà trọng tâm là sự kiện bình chọn nghệ thuật Hanoi Grapevine’s Finest.

Về Xưởng thứ Bảy

Xưởng Thứ Bảy tọa lạc tại số 121, phố 8/3, P. Quỳnh Mai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội là trung tâm văn hóa sáng tạo mới của Thủ đô, bao gồm không gian nghệ thuật của họa sĩ Tạ Huy Long, địa điểm vệ tinh của Salon Văn hóa Cà phê thứ bảy. Không chỉ là một không gian nghệ thuật, Xưởng thứ Bảy còn là một thư viện với hàng ngàn cuốn sách về văn học, nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc…; một khu vườn nhỏ, một không gian làm việc chung, một phòng thí nghiệm ẩm thực… tất cả được xây dựng và chăm chút một cách tỉ mỉ, bởi chủ nhân của không gian mong muốn đưa Xưởng thứ Bảy trở thành một trong những trung tâm sáng tạo năng động của Thủ đô, là nơi tập trung nghiên cứu các sản phẩm đẹp và đa dạng từ nền tảng văn hóa và tri thức, phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhằm tạo ra những giá trị bền vững từ sở hữu trí tuệ và di sản văn hóa Việt. Xưởng thứ Bảy cũng là nơi diễn ra những hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm công nghiệp văn hóa, xúc tiến đầu tư, hội thảo, triển lãm, tổ chức các sự kiện trải nghiệm ẩm thực Việt Nam và thế giới cùng các hoạt động văn hóa khác, nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng nghệ sỹ, trí thức và doanh nghiệp văn hóa năng động, phát triển mạnh mẽ. Fanpage Xưởng thứ Bảy: https://www.facebook.com/the7thatelier

Bình luận