Diễn đàn phát triển địa phương 2022: Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương

Ngày đăng: 26/11/2022 Lượt xem: 181
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 26/11, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức Diễn đàn Đối thoại phát triển địa phương 2022 với chủ đề “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương”.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng đại diện lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia trong nước và ngoài nước, lãnh đạo doanh nghiệp đầu ngành và hiệp hội.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Ban TCHT

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Du lịch văn hóa là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, do đó, tính kết nối giữa du lịch văn hóa và các ngành còn lại trong phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, phát triển địa phương, vùng và quốc gia là vô cùng quan trọng. Với tham luận Chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn với sự phát triển của các địa phương. Nội dung được trao đổi tập trung vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch được thể hiện qua Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 1909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch năm 2017, Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch, mối quan hệ của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch đối với sự phát triển của địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp về mặt nhận thức, về nhân lực, về thu hút xã hội hóa... nhằm phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch đối với sự phát triển của địa phương.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đức Hoàng

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ: Để tạo chuyển biến về chất đối với sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và du lịch tại các địa phương, trong thời gian tới, trên cơ sở tài nguyên văn hóa của cộng đồng cư dân, các địa phương cần coi trọng và lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm trong ngành công nghiệp văn hóa để từ đó xây dựng định hướng, chính sách nhằm thu hút nguồn lực trong đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa, du lịch. Ngoài ra, cần xây dựng tính liên ngành, liên vùng trong phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch sẽ giúp các địa phương vừa phát huy được lợi thế so sánh vừa xây dựng bức tranh định hướng mang tính tổng thể trong liên kết vùng, quốc gia.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Ban TCHT

Diễn đàn phát triển địa phương năm là sự kiện quốc gia có quy mô lớn được tổ chức thường niên. Diễn đàn quy tụ các chuyên gia đến từ các học viện, trường đại học trong và ngoài nước, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Bộ ngành trung ương, lãnh đạo doanh nghiệp đầu ngành và hiệp hội để thảo luận các vấn đề, giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn với phát triển địa phương. Diễn đàn tạo kết nối giữa Trung ương và địa phương vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Diễn đàn phát triển địa phương 2022 diễn ra trong bối cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chuẩn bị cho lộ trình tiếp theo mang tính chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm góp phần tạo nên những chuyển động mang tính đột phá của 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tính kết nối vùng, địa phương theo hướng bền vững./.

Tin: Phạm Dung

 

 

 

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục