UNESCO: NGHỆ THUẬT LÀM GỐM CỦA NGƯỜI CHĂM LÀ DI SẢN VĂN HÓA CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP

Ngày đăng: 30/11/2022 Lượt xem: 141
Mặc định Cỡ chữ

Vào hồi 16:12 ngày 29-11-2022 (giờ địa phương, 22:12 giờ Hà Nội), Kỳ họp thứ 17 tại thủ đô Rabat, vương quốc Maroc, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã Quyết định (số 01574) ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Quang cảnh Kỳ họp 17

Năm 2018, Bộ VHTTDL đã đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận và Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia VN tại TP.HCM (đơn vị được UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị phối hợp xây dựng hồ sơ) khảo sát, nghiên cứu xây dựng hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. 

Công chúa Vương quốc Maroc chào mừng nghệ nhân Đàng Thị Tám

Gốm Chăm được xem là biểu hiện của sự khéo léo, uyển chuyển, mềm mại của đôi tay và cơ thể, của sự sáng tạo cá nhân người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển quanh khối nguyên liệu để tạo hình. Gốm không tráng men và được nung ở ngoài trời bằng củi và rơm. Nguyên liệu làm gốm gồm có đất sét, cát, nước, củi và rơm. Đất sét được khai thác tại chỗ trên cánh đồng Hamu Tanu Halan của làng Bàu Trúc, cát dưới sông Quao và cây cối xanh tươi đôi bờ uốn quanh cánh đồng Hamu Tanu Halan cùng rơm rạ sau mỗi mùa vụ là nguồn nhiên liệu dồi dào tại chỗ cho việc nung gốm. 

Nghề gốm không chỉ tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho con cái, mà còn góp phần nâng cao vai trò của họ trong xã hội, cũng như giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến Ông Tổ nghề làm gốm của người Chăm, do vậy còn góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

Ông Samir Addahre, chủ trì cuộc họp thường niên gõ búa ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm

Việc UNESCO Quyết định ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là vinh danh một nghề truyền thống (được gọi là Nghệ Thuật) và cũng là nỗ lực bảo vệ nghề gốm của người Chăm trước nguy cơ mai một. Đây là di sản văn hóa làng nghề đầu tiên của Việt Nam, và cũng là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO

Tại phiên họp, thay mặt Quốc gia thành viên có di sản được ghi danh, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đại diện Bộ VHTTDL đã phát biểu, cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ các giá trị của nghề làm gốm của người Chăm, đồng thời cám ơn Hội đồng thẩm định, các thành viên của Uỷ ban Liên Chính phủ, Ban thư ký đã làm việc tận tình để di sản nghề làm gốm của người Chăm của Việt Nam được ghi danh.

Xin chúc mừng dân làng - nghệ nhân gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận) - chủ thể của di sản văn hóa cùng với chính quyền đã nỗ lực để bảo tồn và phát triển một nghề truyền thống lâu đời cũng như đã đồng lòng xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh. Xin gửi lời cảm ơn chân thành và chúc mừng những người đã bỏ nhiều công sức, trí tuệ để sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và nhiều năm trông đợi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO vình danh.

Tin, ảnh TH

Bình luận