Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Phan Mạnh Dương

Ngày đăng: 27/12/2022 Lượt xem: 278
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 26/12/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Phan Mạnh Dương với đề tài: Nghi lễ vòng đời của người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chuyên ngành: Văn hóa dân gian, mã số: 9229041, do PGS.TS Trần Văn Bình hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Nghi lễ vòng đời là một thành tố văn hóa dân gian quan trọng trong tổng thể hệ thống văn hóa của một tộc người. Nó không chỉ góp phần tạo ra những chuẩn mực xã hội, mà còn phản ánh thế giới quan và đóng góp vào việc khẳng định bản sắc văn hóa của tộc người. Nghiên cứu nghi lễ nói chung và nghi lễ vòng đời nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam là đối tượng quen thuộc, được nhiều bộ môn khoa học quan tâm. Trong đó đáng chú ý là những công trình nghiên cứu của Dân tộc học, Nhân học văn hóa, Tôn giáo học và Văn hóa học...

NCS Phan Mạnh Dương đã tiếp xúc với cộng đồng người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu trong thời gian dài, trải qua quá trình quan sát, nghiên cứu các nghi lễ vòng đời: cúng đặt tên cho trẻ mới sinh, cúng ma nhập họ cho cô dâu trong đám cưới, cúng dẫn đường cho người chết trong đám tang... NCS nhận thức rằng, người Si La không đơn thuần tổ chức những nghi lễ vòng đời như là một tục lệ, một tập quán truyền thống còn lại đến nay, mà thấm đẫm trong đó là những vấn đề về con người, xã hội và bản sắc văn hóa tộc người của cộng đồng này.

Người Si La ở Việt Nam có hoàn cảnh sinh sống khá đặc biệt so với đồng bào các tộc thiểu số cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Sống xen cư trong địa bàn mà cư dân ở đó chủ yếu là người Hà Nhì, người Thái và người Kinh… hoàn cảnh đặc biệt này đã tác động không nhỏ đến toàn bộ đời sống của người Si La trong đó có văn hóa truyền thống và nghi lễ vòng đời. Chính vì vậy, đối với cộng đồng người Si La có nhiều vấn đề mang tính bản sắc cần được nghiên cứu, làm sáng tỏ nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người trong xu thế hội nhập và phát triển. Vì vậy, sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn nghi lễ vòng đời của người Si La đã và đang đặt ra một cách cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, vừa thực hiện đúng đường lối phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước. Với những lý do trên, NCS Phan Mạnh Dương đã lựa chọn đề tài Nghi lễ vòng đời của người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu làm đề tài Luận án tiến sĩ ngành Văn hóa dân gian.

NCS Phan Mạnh Dương

Luận án của NCS Phan Mạnh Dương về Nghi lễ vòng đời của người Si La ở huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu là một đề tài mới, cơ bản không trùng lặp với các luận án đã bảo vệ và các công trình khoa học đã công bố cho đến thời điểm hiện nay. Luận án đã nghiên cứu, phân tích một số nghi lễ vòng đời tiêu biểu của người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội tộc người như: nghi lễ sinh con, nuôi con, nghi lễ cưới, nghi lễ tang của người Si La. Nghiên cứu này ứng dụng lý thuyết chức năng, nghi lễ chuyển đổi và quan điểm về bản sắc văn hóa để làm rõ những mối quan hệ phức hợp giữa nghi lễ vòng đời, các quan hệ gia đình, xã hội của người Si La là một sự đóng góp mới cho khoa học.

Thông qua nghiên cứu vai trò, đặc điểm, chức năng nghi lễ vòng đời của người Si La, luận án đã cung cấp những nhận thức mới về sự vận động, tạo dựng không ngừng nghỉ trong quá trình phát triển của văn hóa tộc người, nhưng vẫn giữ được hồn cốt, bản sắc người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần cung cấp nguồn tư liệu phong phú, có hệ thống về nghi lễ vòng đời của người Si La ở Việt Nam, góp phần trong nghiên cứu và đào tạo về văn hóa tộc người, đồng thời đóng góp vào hệ thống tri thức về văn hóa của tộc người Si La ở Việt Nam nói riêng và tri thức về văn hóa dân gian các dân tộc ở Việt Nam nói chung. Luận án hoàn thiện có thể trở thành tài liệu tham khảo hữu ích giúp các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chiến lược, chính sách về văn hóa tộc người nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Si La cũng như các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Trần Văn Bình, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (11 trang), Phụ lục (52 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (45 trang).

Chương 2: Nghi lễ vòng đời truyền thống của người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (48 trang).

Chương 3: Nghi lễ vòng đời của người Si La: Biến đổi, nhận thức và bản sắc tộc người trong bối cảnh đương đại (48 trang).

NCS Phan Mạnh Dương đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Phan Mạnh Dương đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa dân gian cho NCS Phan Mạnh Dương./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

 

Bình luận