Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Bích Liễu

Ngày đăng: 29/12/2022 Lượt xem: 270
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 28/12/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thị Bích Liễu với đề tài: Nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Nguyễn Lan Hương và PGS.TS Phạm Lan Oanh hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Tranh kính xuất hiện từ sớm trên thế giới, là công cụ phản ánh lịch sử, văn hóa, xã hội của con người. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tranh kính du nhập vào Việt Nam, quá trình phát triển, tiếp biến về văn hóa, xã hội, các họa sĩ, nghệ nhân người Việt dần có nhiều sáng kiến, tiếp thu và biến đổi, để tranh kính trở thành thể loại tranh nghệ thuật, phục vụ cho thị hiếu của người dân, nhu cầu của xã hội.

Tranh kính ở Việt Nam hiện nay đa dạng về nội dung, ngôn ngữ tạo hình, mang trong mình bản sắc riêng về văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, hơi thở của thời đại, tạo ra nét riêng với các dòng tranh kính trong khu vực và trên thế giới. Thời điểm hiện tại, nghiên cứu về nghệ thuật của tranh kính ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Nhằm xác định nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam là một thành tố trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, thể hiện sáng rõ yếu tố nghệ thuật, đặc trưng nổi trội nghệ thuật tranh kính và sự tiếp truyền tranh kính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, NCS Nguyễn Thị Bích Liễu đã lựa chọn đề tài Nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam làm Luận án tiến sĩ ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật.

NCS Nguyễn Thị Bích Liễu

Qua quá trình nghiên cứu, với một số kết quả nghiên cứu thu được, bước đầu đề tài đã đóng góp về cơ sở lý luận, bổ sung thông tin một cách tổng quan về tranh kính, nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam, trong đó cụ thể phân tích các tác phẩm, sản phẩm tranh kính do người Việt sáng tác và thể hiện. Từ đó góp phần bảo tồn thể loại nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như hiện nay.

Bên cạnh đó, Luận án cũng có những đóng góp về đối tượng nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam cho chuyên ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này góp phần vào việc xây dựng hệ thống dữ liệu, tư liệu về quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam nói riêng và tư liệu chuyên ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của luận án cũng góp phần gia tăng nhận thức chung của xã hội về thể loại nghệ thuật tranh kính, các sản phẩm, tác phẩm tranh kính - một công cụ giới thiệu hình ảnh, quảng bá văn hóa và thẩm mỹ tới xã hội. Bổ sung nguồn tài liệu hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho người nghiên cứu, giảng viên, sinh viên chuyên ngành mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Nguyễn Lan Hương và PGS.TS Phạm Lan Oanh đồng hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (4 trang), Danh mục các công trình khoa học tác giả đã công bố (2 trang), Tài liệu tham khảo (9 trang) và Phụ lục (96 trang), nội dung của luận án được chia thành 4 chương.

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về tranh kính ở Việt Nam (29 trang).

Chương 2. Chủ đề nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam (29 trang).

Chương 3. Hình thức nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam (44 trang).

Chương 4. Đặc trưng, sự chuyển biến và giá trị của nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam (31 trang).

NCS Nguyễn Thị Bích Liễu đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Thị Bích Liễu đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Thị Bích Liễu./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận