Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Mạnh Cường

Ngày đăng: 31/12/2022 Lượt xem: 194
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 31/12/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Mạnh Cường với đề tài: Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, chuyên ngành: Quản lý văn hóa, mã số 9229042, do PGS.TS Trịnh Thị Minh Đức và PGS.TS Nguyễn Thị Huệ hướng dẫn.

Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn có tổng diện tích là 3958,13ha, trong đó có 21 điểm di tích tôn giáo, tín ngưỡng, cùng với hệ thống sông suối, thảm thực vật đặc thù nằm rải rác ở các thôn Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Điều này đã tạo cho quần thể Hương Sơn sự đa dạng về di sản văn hóa và thiên nhiên có thể xếp vào loại di sản hỗn hợp.

Theo Luật Di sản văn hóa của Việt Nam, di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn hội tụ các tiêu chí: Về di sản văn hóa, đó là các giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Về di sản thiên nhiên, các di tích được xây dựng trong hang, động thiên tạo và cảnh quan thiên nhiên; các di tích và hệ thống hang động, sông suối, núi non kỳ vĩ tạo thành một quần thể di tích và danh thắng độc đáo, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và khoa học. Với những giá trị tiêu biểu về di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ tướng Chính phủ lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới.

 

Quang cảnh Hội đồng bảo vệ Luận án

Trong thời gian qua, di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội trong việc hỗ trợ ngân sách tu bổ, chống xuống cấp. Bên cạnh đó còn những khó khăn do chưa có quy hoạch nên còn xảy ra tình trạng các hàng quán dịch vụ xâm hại hành lang di tích; công tác quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích còn thiếu sự kiểm tra, giám sát, cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan còn nhiều bất cập… chính vì vậy NCS lựa chọn đề tài Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội làm luận án tiến sĩ chuyên ngành quản lý văn hóa.

NCS Nguyễn Mạnh Cường trình bày tóm tắt kết quả Luận án

Luận án nghiên cứu thực trạng quản lý di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn và một số di tích quốc gia đặc biệt có sự tương đồng về loại hình di tích, danh thắng nhằm tìm ra những mặt ưu điểm, hạn chế từ phía các cơ quan trong hệ thống quản lý nhà nước. Đồng thời, kế thừa và tìm ra những khoảng trống đề thực hiện trong nội dung của luận án, cũng như đề xuất các nhóm giải pháp quản lý di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn trước bối cảnh hiện nay.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Trịnh Thị Minh Đức và PGS.TS Nguyễn Thị Huệ đồng hướng dẫn khoa học

Luận án đã hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về lý luận hệ thống và các bên liên quan tham gia quản lý di tích quốc gia đặc biệt; làm rõ một số khái niệm về di tích và danh thắng, di tích quốc gia đặc biệt, quản lý di tích quốc gia đặc biệt. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kinh nghiệm quản lý di tích quốc gia đặc biệt tại một số địa phương. Luận án xác định quan điểm, định hướng phát huy vai trò các tổ chức trong hệ thống và phát huy sự phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn gắn với phát triển bền vững. Từ đó đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn của các chủ thể quản lý gián tiếp và các chủ thể quản lý trực tiếp.

Bố cục của Luận án, ngoài phần Mở đầu (08 trang), Kết luận (04 trang), Tài liệu tham khảo (09 trang), Phụ lục (41 trang), Luận án có kết cấu gồm 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (65 trang).

Chương 2: Thực trạng quản lý Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (55 trang).

Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn trong bối cảnh hiện nay (57 trang).

Luận án là công trình nghiên cứu toàn diện về thực trạng quản lý di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn. Kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo để áp dụng vào mô hình quản lý di tích quốc gia đặc biệt tại các địa phương, góp phần nâng cao nhận thức trong hoạt động thực tiễn đối với các cấp chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân có liên quan tham gia quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn.

NCS Nguyễn Mạnh Cường đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung của luận án, NCS Nguyễn Mạnh Cường đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt trong Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Quản lý Văn hóa của NCS Nguyễn Mạnh Cường./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thày cô

Tin, ảnh: Phạm Dung

Bình luận