Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững”

Ngày đăng: 06/01/2023 Lượt xem: 433
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 05/01/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững”. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN, TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân, và các đại biểu đại diện cộng đồng dân tộc Dao...

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững”, tập trung vào 2 địa bàn nghiên cứu là: thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), và bản Tả Phìn (xã Tả Phìn, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai).

Các Đại biểu chủ trì Hội thảo.

Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS.Hoàng Thị Bình nêu rõ, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa từ lâu đã thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà quản lý và ngày nay là cả cộng đồng chủ nhân di sản. Vấn đề là bảo tồn và phát huy thế nào để vừa gìn giữ được nguyên trạng di sản, lại vừa phát huy được giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại? Trong nhiều phương thức phát huy giá trị di sản thì du lịch được coi là một phương thức hữu hiệu mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Những năm gần đây, di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, mang lại nguồn thu đáng kể cho cộng đồng và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, sự phát triển du lịch khu vực miền núi, trong đó có địa bàn sinh sống của cộng đồng người Dao cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập. Đó là các tác động tiêu cực đến môi trường, sự mai một của các yếu tố văn hoá truyền thống, việc hưởng lợi từ hoạt động du lịch của người dân địa phương chưa tương xứng, việc định hướng, quy hoạch sản phẩm du lịch của địa phương chưa kịp thời… Mặc dù di sản văn hóa dân tộc Dao có rất nhiều tiềm năng, nhưng hiệu quả khai thác trong du lịch còn chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch nhìn chung còn mang tính tự phát, hạn chế về chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực làm du lịch còn thiếu và yếu. Nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng người Dao còn phải cạnh tranh với các loại hình du lịch khác đang rất phát triển.

Phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Dao nói riêng để phát triển du lịch cần một sự thận trọng và trách nhiệm, tránh tình trạng thương mại hóa trong hoạt động du lịch, nhàm hóa giá trị văn hóa, phai nhạt bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương. Để có thể tạo dựng một thương hiệu riêng, một sản phẩm độc đáo có lợi thế, việc phát triển các điểm du lịch gắn với cộng đồng người Dao cần tính đến sự cân bằng, hài hoà với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như hệ sinh thái tự nhiên của các bản, làng vùng cao; đồng thời, tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với tiềm năng mà địa phương sở hữu; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng tham gia, làm chủ và được hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch trên địa bàn.

Chính vì vây, nhằm mục đích tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân, cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Việt Nam trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Việt Nam trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững”.

TS. Hoàng Thị Bình phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận từ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, cộng đồng…. và tập trung vào 4 nội dung chính sau:

Thứ nhất: Làm rõ cơ sở lí luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao.

Thứ hai: Nhận diện những di sản văn hóa của người Dao; Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao hiện nay trước sự tác động của kinh tế, chính trị, xã hội.

Thứ ba: Đề xuất mô hình nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững.

Thứ tư: Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch địa phương.

PGS.TS Phạm Trung Lương trình bày tham luận tại Hội thảo

GS.TS Bùi Quang Thanh trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã có cơ hội trình bày tham luận cũng như trao đổi quan điểm học thuật của mình: GS.TS Trương Quốc Bình với tham luận Nhận diện những giá trị đặc sắc của văn hóa người Dao và phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác những di sản của các dân tộc ít người tại Việt Nam; PGS.TS Phạm Trung Lương trình bày tham luận Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số với phát triển du lịch: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam; GS.TS Bùi Quang Thanh thảo luận Về vấn đề tôn trọng tính thiêng trong thực hành tín ngưỡng -  hệ quả  bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc - tộc người ở Việt Nam những chục năm gần đây; PGS.TS Lê Ngọc Thắng trình bày tóm tắt tham luận Về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc thiểu số trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững và TS. Trần Hữu Sơn với tham luận Tài nguyên du lịch với vấn đề phát triển bền vững ở vùng người Dao…

Chị Dương Thị Kim Cảnh, người Dao Đại Từ, Thái Nguyên đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Một số đại biểu trong cộng đồng đã được mời trình bày, đóng góp ý kiến, thảo luận, đặc biệt là của những người hiện đang trực tiếp tham gia vào công tác thực hành, cộng đồng di sản văn hóa dân tộc Dao. Ban tổ chức đã ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu như: Chị Dương Thị Kim Cảnh, người Dao Đại Từ, Thái Nguyên đóng góp ý kiến về việc dễ và khó trong công tác Bảo tồn văn hóa tại vùng chị sống: dễ là vì văn hóa có sẵn rồi còn khó là ở chính chủ thế chưa có ý thức bảo tồn nhiều, cần truyền thông lan tỏa sự tự hào bản sắc tộc người Dao, kết hợp với việc phát triển du lịch cần giữ ngôn ngữ riêng của dân tộc Dao thì mới giữ được văn hóa… TS. Bàn Quỳnh Giao, Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chia sẻ, cần giữ được mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên và hoạt động du lịch, giữ được môi trường sinh thái thì giữ được văn hóa, biến di sản thành tài sản, gắn với sinh kế, gắn với phát triển bền vững, gắn với biểu đạt đa dạng văn hóa; Còn chị Bàn Thị Mai, người Dao Chiêm Hóa, Tuyên Quang có mong muốn cần tuyên truyền cho đồng bào về kế hoạch hóa gia đình, trân trọng văn hóa di sản của người Dao… vì ở quê chị, khu vực ngày nay là thủy điện Na Hang, người ở quê vẫn chưa đủ tự tin để làm du lịch, vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ…

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS.Hoàng Thị Bình cho biết, Hội thảo là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học và có giá trị thực tiễn to lớn. Từ những ý kiến, những đóng góp, những mong muốn của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như toàn thể các vị đại biểu tham dự Hội thảo, Ban tổ chức sẽ cố gắng tổ chức các tọa đàm thu nhận những ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các nghệ nhân, cộng đồng địa phương... Ngoài ra Ban tổ chức còn có ý kiến với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện VHNTQGVN xin tiếp tục đăng ký những đề tài có tính chất tương tự hoặc mang tính tiếp nối để mở rộng nhiều hướng nghiên cứu khác nhau nhằm có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, đầy trách nhiệm, thẳng thắn và cởi mở của các quý vị đại biểu đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao, Hội thảo đã thực sự nhận được những ý kiến đóng góp rất thiết thực, bổ ích. Nhân dịp năm mới 2023, Ban tổ chức xin kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể các đồng chí sức khỏe dồi dào và đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống!

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp./.

Các Đại biểu chụp ảnh kỷ niệm Hội thảo.

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận