Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Lê Thị Bạch Vân

Ngày đăng: 11/01/2023 Lượt xem: 353
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 11/01/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lê Thị Bạch Vân với đề tài: Biến đổi của ca trù trong đời sống đương đại tại Hà Nội, chuyên ngành: Văn hóa dân gian, mã số 9229041, do PGS.TS Bùi Huyền Nga hướng dẫn.

Quang cảnh hội đồng đánh giá Luận án

Ca trù - một loại hình nghệ thuật độc đáo, có nguồn gốc từ rất lâu đời của người Việtcó ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng của dân tộc. Ca trù vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học, đã tạo nên bản sắc riêng biệt cho văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đất “Kinh kỳ ngàn năm văn hiến” vẫn được coi là nơi ghi dấu ấn rất rõ về sự phát triển rực rỡ của ca trù. Trải qua nhiều thăng trầm, Hà Nội vẫn là địa phương phát triển nhiều đào hát, nhiều tác giả nổi danh cùng nhiều tác phẩm để đời, lưu truyền cho hậu thế.

Sau vài chục năm ca trù chìm lắng bởi nhiều lý do. Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), xã hội đã có nhiều thay đổi tích cực, các giá trị truyền thống bắt đầu dần được coi trọng. Năm 1990 -1991 với việc ra mắt của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội và sự kiện Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng năm 2000 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã đánh dấu sự phục hưng, trở lại của ca trù - một di sản quý báu, cổ truyền dân tộc.

Tháng 10 năm 2009, UNESCO ghi danh Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, cùng với sự phục hồi ca trù tiếp tục có những sự biến đổi cả về chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, những biến đổi về chiều sâu vẫn còn chưa thể hiện rõ nét. Thậm chí, ca trù đang dần có những biểu hiện bị “phổ cập hóa” và “đại chúng hóa” theo hướng không giữ được những chuẩn mực để tôn vinh nét đặc sắc hiếm có của ca trù về cả nghệ thuật diễn xướng và môi trường diễn xướng. Hiện nay ca trù ca trù vẫn nằm trong danh sách “di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” theo quan điểm của UNESCO. Việc thực hiện nghiên cứu này về sự biến đổi một thành tố dân gian và thực tiễn về sự tồn tại, phát triển của nó cần đặt ra. Vì vậy NCS đã chọn đề tài Biến đổi của ca trù trong đời sống đương đại tại Hà Nội làm luận án tiến sĩ, thuộc chuyên ngành văn hóa dân gian.

NCS Lê Thị Bạch Vân trình bày tóm tắt Luận án

Bằng việc khảo sát về ca trù truyền thống và đương đại tại Hà Nội, đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng biến đổi của ca trù trong đời sống đương đại tại Hà Nội thông qua các cuộc liên hoan ca trù và các câu lạc bộ, giáo phường/ nhóm ca trù diễn ra trên địa bàn, luận án đã nhận diện, đánh giá những biến đổi của ca trù trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, từ đó có những hướng ứng xử với di sản ở cả trong hiện tại và lâu dài.

Bố cục của luận án, ngoài phần Mở đầu (7 tr.), Kết luận (2 tr.), Tài liệu tham khảo (10 tr.), phụ lục (81 tr.) luận án bao gồm 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về ca trù (27tr.).

Chương 2 : Nghệ thuật ca trù truyền thống Hà Nội (43 tr.).

Chương 3 : Thực trạng ca trù trong đời sống đương đại tại Hà Nội (34 tr.).

Chương 4: Đánh giá, bàn luận về biến đi của ca trù Hà Nội (40 tr.).

Hội đồng đánh giá, phản biện Luận án

PGS. TS Bùi Huyền Nga hướng dẫn khoa học

Có thể nói, luận án của NCS đã góp phần hệ thống hóa về những vấn đề lý luận, các yếu tố cấu thành trong diễn xướng ca trù, làm sáng tỏ quy luật vận động và biến đổi không ngừng của diễn xướng ca trù Hà Nội nhằm thích nghi và tồn tại trong từng giai đoạn. Luận án đã phác hoạ lên bức tranh tổng thể về thực tiễn hoạt động của ca trù ở tất cả mọi mặt trong giai đoạn phục hồi diễn xướng ca trù Hà Nội 30 năm qua, góp phần làm sáng tỏ những biến đổi của ca trù đương đại. Kết quả của luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa và những người quan tâm vấn đề này. Trên phương diện văn hóa dân gian, luận án cung cấp một cách nhìn về diễn xướng ca trù Hà Nội với tư cách là một hiện tượng văn hóa mang tính chỉnh thể nguyên hợp.

NCS Lê Thị Bạch Vân đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung của luận án, NCS Lê Thị Bạch Vân đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt trong Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa dân gian của NCS Lê Thị Bạch Vân./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thày cô

Tin, ảnh: Phạm Dung

Bình luận