Trò chuyện cùng người biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày đăng: 24/07/2024 Lượt xem: 363
Mặc định Cỡ chữ

Bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật - may mắn được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004. Niềm vinh dự đó cũng là cơ hội để bà học hỏi ở Tổng Bí thư cách làm báo, viết sách đồng thời cảm nhận được một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo gần gũi, yêu thương Nhân dân.

Là người biên tập nhiều sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà có thể chia sẻ đã đồng hành với việc làm sách của Tổng Bí thư bao nhiêu cuốn sách? Tổng Bí thư có yêu cầu đặc biệt gì khi làm sách không?

- Tôi may mắn và vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004, khi đó tôi là một biên tập viên trẻ, còn Tổng Bí thư khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ đó đến nay, tôi đã trực tiếp tham gia biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sách viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuốn sách đều có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng, sứ mệnh riêng và đều để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai với tác giả cuốn sách.

Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư làm hành trang cho mình để những cuốn sách sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn.

Trò chuyện cùng người biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh 1.

Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm hành trang cho mình để những cuốn sách sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn

Với tôi, được biên tập sách của Tổng Bí thư là niềm vinh dự và trách nhiệm, do đó, tôi đã cố gắng đặt trách nhiệm lên cao nhất đối với từng cuốn sách. Tổng Bí thư luôn luôn dặn chúng tôi, sách là văn bia để đời, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải; khi biên tập cần "cẩn trọng trong từng câu, từng chữ", luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút để "văn phong đĩnh đạc, trong sáng; lập luận chặt chẽ, rõ ràng; dẫn chứng sắc sảo, chính xác, có sức thuyết phục cao"…

Vì thế, sau mỗi cuốn sách, tôi thường học được rất nhiều điều, đó là: tôi học được nhiều kiến thức trong cuốn sách; tôi học được tư duy làm sách của Tổng Bí thư; tôi học được cách thức sửa bài, đặt tiêu đề bài của Tổng Bí thư, về sự chỉn chu trong công việc, về sự nhạy cảm chính trị trong việc làm sách và viết báo. Tôi cũng học được từ Tổng Bí thư về tư cách đạo đức, đối nhân xử thế, quan tâm đến mọi người, thương yêu cán bộ cấp dưới; về lối sống giản dị, chuẩn mực, suy nghĩ sâu sắc, cặn kẽ; về sự tự học của Tổng Bí thư khi đã giữ cương vị cao nhất trong Đảng và Nhà nước.

+ Là người trực tiếp tham gia biên tập nhiều bộ sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, bà có thể chia sẻ những cảm nhận, kỷ niệm, những câu chuyện ấn tượng, sâu sắc nhất của mình về Tổng Bí thư?

- Trong quá trình biên tập sách của Tổng Bí thư, tôi may mắn được gặp Tổng Bí thư nhiều lần và rất nhiều lần được nhận những lời căn dặn của Tổng Bí thư qua các đồng chí thư ký, trợ lý. Những lần gặp trực tiếp Tổng Bí thư hay những lần được nhận những lời căn dặn của bác trong việc làm sách đều là những lần chúng tôi luôn luôn ghi nhớ, khắc cốt ghi tâm, là hành trang đối với tôi để mỗi ngày thêm cố gắng và trưởng thành trong công việc. Có những lần Tổng Bí thư rút kinh nghiệm cho tôi về việc truyền thông sách đã khiến tôi phải thật cẩn trọng trong từng việc làm, phải có tư duy sâu rộng, suy nghĩ thấu đáo, trước sau. Và mỗi cuốn sách ra mắt bạn đọc là tôi lại thêm kinh nghiệm. Mỗi lần được gặp Tổng Bí thư là mỗi lần tôi lại học hỏi được ở Tổng Bí thư rất nhiều điều.

Tôi còn nhớ, sau thời gian gián đoạn 5 năm tôi thực hiện thiên chức của người phụ nữ, không tham gia biên tập bản thảo sách của bác. Tháng 2/2010, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bác đến thăm và chúc Tết Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Thật bất ngờ, khi bác đi xuống phía dưới hội trường, bắt tay từng cán bộ, viên chức và người lao động, bác vẫn nhận ra tôi và ân cần hỏi thăm các con tôi, hỏi tôi đã mua được nhà chưa, đã chuyển được chồng tôi ra Hà Nội chưa? (Chả là cuối năm 2004, tôi được phân công biên tập bản thảo sách của bác, khi đó, bác đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi vừa lấy chồng, đang mang bầu đứa con đầu lòng, vẫn còn đi thuê nhà ở và nuôi các em ăn học, chồng tôi vẫn đang công tác ở trong miền Nam, rất khó khăn về kinh tế). Tôi cảm động vô cùng với những lời thăm hỏi đó của một vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, vẫn quan tâm đến một cô biên tập viên hết sức bình thường sau một thời gian không trực tiếp biên tập bản thảo sách của bác.

Tổng Bí thư luôn luôn dặn chúng tôi, sách là văn bia để đời, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải; khi biên tập cần "cẩn trọng trong từng câu, từng chữ", luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút để "văn phong đĩnh đạc, trong sáng; lập luận chặt chẽ, rõ ràng; dẫn chứng sắc sảo, chính xác, có sức thuyết phục cao" …

Một điều cũng rất đáng nhớ đối với tôi khi biên tập cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đối với bài "Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đây là bài phát biểu rất nổi tiếng của Tổng Bí thư chỉ đạo toàn diện những vấn đề về văn hóa Việt Nam, các báo, tạp chí đã đăng từ tháng 11/2021, nhưng có một câu: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Câu nói này đã quá quen thuộc với nhiều người, báo chí cũng nhắc nhiều và đều cho rằng câu nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng bấy lâu nay, chúng tôi tìm trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đều không có câu nói này. Có người nói, câu nói đó của Tổng Bí thư Trường Chinh nhưng đều không có nguồn dẫn. Nhưng khi in trong sách của Tổng Bí thư, mà lại là Tổng Bí thư nói thì chúng tôi phải tìm cho bằng được nguồn gốc câu nói đó. Tôi đã dày công mất gần một tuần, tra lại hết các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh thì đều không có. Tôi đã đọc lại 10 tập Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử cũng không thấy có câu này. Nhưng qua bộ Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, tôi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946. Tôi đã vào trang của Thư viện Quốc gia Việt Nam tìm đọc báo Cứu quốc và đã tìm ra câu nói này. Nhưng câu nói nguyên văn của Bác Hồ là: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

Trò chuyện cùng người biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh 3.

Tổng Bí thư luôn luôn dặn chúng tôi, sách là văn bia để đời

Tôi đã mạnh dạn thêm chữ "phải" vào câu nói đó trong cuốn sách này. Chỉ với một chữ thêm vào đã làm thay đổi hẳn tính chất của câu nói đó. Khi trình bản thảo, Tổng Bí thư bất ngờ với việc sửa đó của tôi và đề nghị tôi giải thích vì sao lại thêm như vậy. Tôi đã báo cáo đầy đủ với Tổng Bí thư thông qua Thư ký quá trình dày công tìm tòi của tôi, và xin được chú thích chân trang câu nói đó là: "Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946. Xem báo Cứu quốc số 416, ngày 25/11/1946 (B.T)". Bác đã đồng ý sửa và nói: "Làm xuất bản là phải kỹ càng và chuẩn chỉ như thế". Và từ đó đến nay, trong tất cả các sách của Nhà xuất bản chúng tôi đều đã sửa câu này.

Còn rất nhiều lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với chúng tôi trong quá trình biên tập, xuất bản sách của bác. Mỗi lời căn dặn của bác, với tôi thật thấm thía để cố gắng làm tốt hơn công việc của mình.

+ Những câu chuyện, lời căn dặn, hình ảnh nào của Tổng Bí thư thể hiện rõ Tổng Bí thư vừa là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng giản dị, gần gũi, thương dân, gần dân…?

- Khi khảo sát tư liệu để thực hiện cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi nhận thấy, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ Nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo; hay trong các chuyến công tác nước ngoài, ông cũng đều dành thời gian gặp gỡ bà con ta ở nước ngoài, hoặc gặp gỡ Nhân dân nước sở tại rất thân tình. Trong nhiều cuốn sách xuất bản gần đây đã in rất nhiều bức ảnh Tổng Bí thư gặp gỡ nhân dân trong và ngoài nước và bạn bè quốc tế.

Có những hình ảnh lần đầu tiên công bố trong cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", như bức ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng (và Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng gói bánh chưng); hay bức ảnh đọc sách báo hằng ngày của Tổng Bí thư trong bệnh viện… đã gây xúc động mạnh với độc giả, bởi nó nói lên cốt cách, con người Tổng Bí thư lúc sinh thời.

Trò chuyện cùng người biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh 4.

Ngày 27 Tết Nguyên đán 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng. Đây là một trong những bức ảnh lần đầu tiên được công bố trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra mắt ngày 21/6/2024.

Trong nhiều cuốn sách, nhiều bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm, có những lời căn dặn đối với cán bộ, đảng viên, trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như: Đối với cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư nói: "Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ để tay không nhúng chàm".

Với các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư căn dặn: "Là đại biểu của Nhân dân, đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tin tưởng, giao phó". Đối với cán bộ làm công tác kiểm tra "phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực, và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác".

Đối với cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ thì: "Mỗi cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ, bên cạnh việc học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và kinh nghiệm công tác, phải thường xuyên rèn luyện về phẩm chất đạo đức, trong sáng, công tâm, khách quan; mạnh dạn đề xuất, dám can ngăn những việc làm không đúng; dũng cảm bảo vệ chân lý, lẽ phải; không chịu bất cứ sức ép nào không lành mạnh; không bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất; không bị chi phối bởi quan hệ tình cảm cá nhân thân quen, riêng tư không trong sáng". Tổng Bí thư cũng nói: "Người cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn. Có cẩn trọng, khiêm tốn mới đủ tỉnh táo để nhận thức chân lý đúng đắn và mới có được sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân".

Rồi, "Cán bộ, công chức ngành nội chính Đảng phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đặc biệt phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương, nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân".

Trò chuyện cùng người biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh 5.

Bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật (thứ 2 từ phải sang) trong Lễ ra mắt sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư gọi đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại là một đội ngũ đặc biệt: tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, khôn khéo trong đàm phán và tinh tế trong ứng xử. Do vậy, "cần phải rèn luyện phong cách: suy nghĩ kỹ càng, hành động linh hoạt, kỹ năng thành thạo; về năng lực phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giỏi. Cán bộ làm công tác đối ngoại phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị và tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, cám dỗ, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vướng vào tham nhũng, tiêu cực. Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Nhà nước, là đất nước và Nhân dân".

Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, Tổng Bí thư căn dặn: "Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải gương mẫu, phải tự soi mình, chống chủ nghĩa cá nhân; giáo dục gia đình, vợ con, người thân giữ gìn phẩm chất, không làm điều gì trái đạo đức, vi phạm pháp luật". Đối với cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư dặn dò: "Cán bộ mặt trận phải luôn luôn ghi nhớ rằng, Nhân dân chỉ nghe theo, tin theo mình khi nhân dân thật sự tin tưởng mình, khi cán bộ mặt trận thật sự là những tấm gương thuyết phục nhất. Do đó, mỗi cán bộ mặt trận phải thường xuyên rèn luyện mình, tu dưỡng đạo đức, phải trở thành những tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng và dân được nhờ".

Đối với các văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư mong muốn, mỗi người nghệ sĩ phải luôn luôn "tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật"; phải nuôi dưỡng "khát vọng lớn lao", "lý tưởng cao cả", "hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống Nhân dân" để cống hiến những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội"; "Người nghệ sĩ sân khấu phải thường xuyên bồi dưỡng cả về phẩm chất và tài năng để đóng góp cho Nhân dân, cho đất nước những tác phẩm hay".

Đối với các phóng viên, biên tập viên, Tổng Bí thư căn dặn: "Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhà báo phải có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, chịu khó học tập, kiên trì rèn luyện "để vừa có phẩm chất chính trị vững, có đạo đức nghề nghiệp tốt, vừa có đủ trình độ, năng lực nghiên cứu và biên tập được, viết bài được"; cần "cẩn trọng trong từng câu, từng chữ", luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút để "văn phong đĩnh đạc, trong sáng; lập luận chặt chẽ, rõ ràng; dẫn chứng sắc sảo, chính xác, có sức thuyết phục cao".

Tôi nghĩ rằng, những lời căn dặn đó rất thấm thía đối với chúng ta.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: toquoc.vn

Bình luận