Phát huy sức mạnh của văn học, nghệ thuật trong vai trò quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế

Ngày đăng: 26/10/2024 Lượt xem: 80
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 25/10/2024, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Chương trình Hội thảo Khoa học “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài "Văn học, nghệ thuật với việc quảng bá hình ảnh Đất nước và con người Việt Nam ra thế giới", thuộc Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, do Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.

Phát huy sức mạnh của văn học, nghệ thuật trong vai trò quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế - Ảnh 1.

TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo

Đề dẫn hội thảo, TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ nhiệm đề tài khẳng định: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Đặc biệt, qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, dân tộc Việt Nam vốn được biết đến là một dân tộc anh hùng, mưu trí, sáng tạo, kiên cường, bất khuất trong chiến tranh. Ngày nay, Việt Nam được biết đến như một quốc gia ổn định, an toàn, năng động, đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế; một điểm đến hấp dẫn về du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh và nền văn hóa độc đáo; con người Việt Nam chăm chỉ, ham học hỏi, nắm bắt vấn đề nhanh và có tinh thần vượt khó. Chính văn học, nghệ thuật đã và đang góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Một hình ảnh Việt Nam ổn định, đầy tiềm năng phát triển, tích cực tham gia kiến tạo hòa bình chung cùng thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá đất nước, con người Việt Nam", nhằm huy động sự đóng góp của các nhà khoa học chuyên gia và các nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, đồng thời cung cấp những luận chứng khoa học và thực tiễn phục vụ nghiên cứu đề tài "Văn học, nghệ thuật với việc quảng bá hình ảnh Đất nước và con người Việt Nam ra thế giới". Các tham luận, ý kiến tập trung nghiên cứu nhận diện và làm rõ một số vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn; cung cấp các bài học kinh nghiệm, mô hình thành công; nghiên cứu đánh giá thực trạng phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và đề xuất các giải pháp, kiến nghị cho vấn đề này.

Phát huy sức mạnh của văn học, nghệ thuật trong vai trò quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong quảng bá đất nước, con người Việt Nam và cho rằng, thời gian qua, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đã được quảng bá qua rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh. Tuy nhiên, để đẩy mạnh quảng bá đất nước, con người Việt Nam qua tác phẩm văn học, nghệ thuật thì chúng ta cần phải đổi mới rất nhiều. Thông qua Hội thảo, nhờ những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hội đồng sẽ có thêm cơ sở lý luận, giải pháp để nâng cao vai trò quảng bá hình ảnh đất nước của văn hóa nghệ thuật.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết về thực trạng, giải pháp đẩy mạnh và phát huy hiệu quả vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

Soi chiếu dưới góc độ của các tác phẩm văn học, nhất và dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang ngôn ngữ khác, phát hành quốc tế, nhà phê bình Hoài Nam nhấn mạnh, để "quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam" trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải xây dựng và phát triển được một tổ chức "dịch ngược" văn học Việt Nam tương đương như "Viện dịch thuật văn học thế giới" của Hàn Quốc. Họ chuyên chú vào việc dịch các tác phẩm xuất sắc, đáng chú ý của văn học Hàn Quốc ra các thứ tiếng nước ngoài, nhất là các ngôn ngữ/ chữ viết vào loại "mạnh" trên thế giới. Nếu chúng ta xây dựng và phát triển được một cơ quan/ tổ chức "dịch ngược" như vậy thì việc dịch và giới thiệu các giá trị của văn học Việt Nam – từ trung đại đến hiện đại và đương đại – sẽ thực sự là hoạt động mang tính chủ động cao. Và càng chủ động bao nhiêu, càng đạt hiệu quả cao bấy nhiêu trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bằng văn học.

Chia sẻ dưới góc độ của người có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, bà Phan Thị Cẩm Tú cho rằng cần có nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa dành cho người trẻ, nhất là trong việc định hướng, hỗ trợ, đồng hành cùng người trẻ trong các hoạt động sáng tạo để có nhiều tác phẩm đáp ứng tiêu chí của quốc tế, đồng thời chủ động hơn trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Phát huy sức mạnh của văn học, nghệ thuật trong vai trò quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, cần phải có sự đầu tư thường xuyên, liên tục và xứng đáng cho công tác dịch thuật để các tác phẩm văn học Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận độc giả quốc tế

Khắng định việc chủ động quảng bá đất nước, con người Việt Nam thời gian qua còn khiêm tốn, PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, để thúc đẩy hoạt động này, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn, bài bản, hiệu quả hơn cho hoạt động này và phải xác định đây là hoạt động lâu dài và hữu ích…

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, cần phải có sự đầu tư thường xuyên, liên tục và xứng đáng cho công tác dịch thuật để các tác phẩm văn học Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận độc giả quốc tế. Cùng với đó, bà Nguyễn Phương Hòa cho rằng, các lĩnh vực như hội hoạ, mỹ thuật hay nhiếp ảnh nên hướng đến các giải thưởng lớn, để các tác phẩm Việt Nam được trưng bày ở những bảo tàng, không gian trưng bày quy mô trên thế giới.

Ngoài sự đầu tư từ phía nhà nước, Cục trưởng cũng nêu ý kiến rằng tất cả các loại hình nghệ thuật cần có sự ứng dụng linh hoạt khoa học công nghệ, kỹ thuật số hiện nay để văn học, nghệ thuật Việt Nam được tiếp cận nhiều đối tượng hơn nữa.

Hội thảo ghi nhận nhiều báo cáo với 12 ý kiến trực tiếp từ các đại biểu tham dự. Các báo cáo chủ yếu tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là: Nghiên cứu nhận diện và làm rõ một số vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn; Cung cấp những bài học kinh nghiệm, mô hình thành công; Nghiên cứu đánh giá thực trạng hiện nay và Đề xuất các giải pháp kiến nghị về phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh Đất nước, con người Việt Nam.

Nguồn: toquoc.vn

Bình luận