Ngày 5/4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị - Những vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Bình hiện nay”.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo là cơ hội để tỉnh tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư về “Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị - Những vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Bình hiện nay”, xác định tầm nhìn, thu hút nguồn lực để giữ được bản sắc, không xung đột với những giá trị của di sản cố đô trong quá trình hiện đại hóa; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tham dự Hội thảo có Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình và đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản dự, chỉ đạo Hội thảo;
Cùng dự có Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh…; Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện một số tổ chức quốc tế; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tham dự Hội thảo này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh: Kinh đô Hoa Lư trải qua hơn 1.000 năm, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, là niềm tự hào, in sâu vào tiềm thức của người dân Ninh Bình. Để hiện thực hóa mục tiêu này, những năm qua Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã kiên trì thực hiện định hướng phát triển “Xanh, bền vững và hài hòa”, lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá - lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố Đô và giá trị đặc sắc, nổi trội riêng có của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An làm nguồn lực và động lực phát triển…
Trong bài phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam mong rằng, trong khuôn khổ của Hội thảo lần này, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế sẽ tập trung thảo luận vào những vấn đề chung về xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế. Công tác quản lý và phát triển vùng đất Cố đô Hoa Lư và xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển…
Phát biểu chỉ đạo, định hướng tại Hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh: Theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí, đến năm 2035 đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đồng chí cũng làm rõ nội hàm đô thị di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình đang hướng đến. Không đơn thuần là một đô thị di sản Cố đô nghìn năm tuổi, Đế đô đầu tiên của quốc gia, dân tộc mà còn là đô thị hướng tới các giá trị thiên niên kỷ, ứng phó hiệu quả với các thách thức của đô thị “nén” đang đe dọa, thôn tính di sản, cản trở quá trình phát triển, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu...
Hội thảo đã diễn ra hai phiên tham luận chuyên đề và các phiên tọa đàm, trao đổi trực tiếp.
Các đại biểu tại phiên trao đổi, tọa đàm: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình điều hành hai phiên tham luận, tọa đàm chuyên đề.
Các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tham luận, phân tích làm rõ những vấn đề chung về nguồn lực, về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư để xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế. Đồng thời các nhà khoa học cũng đã đưa ra các nghiên cứu nhận diện sâu hơn những giá trị bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại. Các diễn giả cũng mong muốn đặt ra được các tiêu chí để bảo tồn, tạo dựng đô thị di sản cho các thế hệ tương lai, các tiêu chí ấy phải đảm bảo mối tương tác giữa cảnh quan, con người, văn hóa một cách hòa quyện chứ không phải các yếu tố trên rời rạc, chắp vá, từ đó tạo ra một cảm xúc thân thiện với con người. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra định hướng, chiến lược và các giải pháp để nối tiếp các giá trị của Di sản Thiên nhiên - Văn hóa - Định cư liên tục, nhiều thế kỷ vào phát triển đô thị đương đại, điều này cũng như một giải pháp để bảo tồn di sản thiên niên kỷ độc đáo có một không hai, nơi hội tụ tinh hoa thế giới, là niềm tự hào của Việt Nam.
Với bài phát biểu “Ninh Bình phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế cạnh tranh, gắn với đô thị di sản, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã chia sẻ: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là xu thế đang diễn ra mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại hơn 350 thành phố thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Thực tế mở rộng mạng lưới UCCN tại khu vực châu Á còn cho thấy, các đô thị cổ có hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng thường rất thành công trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nhằm chuyển hóa hiệu quả các tài nguyên di sản thành các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có sức hút mạnh mẽ người tiêu dùng. Bắt kịp nhanh xu hướng chung của thế giới, trong thời gian qua, Ninh Bình đã sớm xác định phát triển cố đô Hoa Lư và hai đô thị trực thuộc Ninh Bình, Tam Điệp trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa mới của khu vực đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, tỉnh cũng tích xây dựng lộ trình gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN giai đoạn tiếp theo dựa trên các lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững...
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng đã chỉ ra những nguyên nhân hạn chế mà Ninh Bình, mặc dù đã có nhiều thành công trong quá trình phát huy lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng không thể phủ nhận, những bước chuyển của Ninh Bình chưa phát huy hết sức mạnh của “vùng đất địa linh, là nơi chứa những vật báu của trời, nơi nổi tiếng có nhiều thắng cảnh” đã từng được cha ông ta nhấn mạnh trong sử sách.
Để hiện thực hóa lộ trình này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất một số biện pháp cho việc xây dựng triển khai các kế hoạch, đề án, nhiệm vụ, cụ thể cần dựa trên các kết quả nghiên cứu tiền khả thi đã được thực hiện trong giai đoạn trước đó như: Đề án nghiên cứu đánh giá tiền khả thi về khả năng gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Ninh Bình (2024). Mặt khác, thành phố Hoa Lư cũng cần tiếp tục cập nhật các tiêu chí chi tiết theo từng năm của mạng lưới UCCN ở lĩnh vực có thế mạnh nhằm xây dựng, triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực xác định là lựa chọn tiên quyết của thành phố ví dụ như nghệ thuật truyền thông hay điện ảnh, hoặc thủ công và nghệ thuật dân gian. Việc xây dựng Nghị quyết về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025 - 2035, định hướng đến năm 2050 cũng cần kiên định quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa ở Ninh Bình là phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên, thành lập Ủy ban Tư vấn sáng tạo, hình thành cơ chế hợp tác công – tư, thu hút đầu tư – tài trợ cho văn hóa, xây dựng, vận hành quỹ sáng tạo, thí điểm đầu tư mạo hiểm cho các dự án tiềm năng có tính đột phá tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại các cụm đô thị di sản, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các ngành công nghiệp văn hóa, từ đó nâng cao sức mạnh mềm văn hóa của toàn tỉnh Ninh Bình nói chung và định vị thương hiệu thành phố sáng tạo của thành phố Hoa Lư trong kết nối mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN trong tương lai không xa...
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịchViệt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.
Tổng kết tham luận trao đổi tại Hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu rõ: Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực đô thị, văn hóa với nội dung tham luận phong phú, đa dạng, nêu lên các quan điểm phát triển khác nhau nhưng đều hướng vào mục tiêu xây dựng đô thị Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ; các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc Cố đô Hoa Lư; khẳng định vị trí chiến lược rất quan trọng của đô thị Hoa Lư - Ninh Bình với giá trị nổi bật toàn cầu là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư nghìn năm tuổi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, các nhà khoa học đã nêu lên những quan điểm, đề xuất về cơ chế, chính sách cho sự phát triển đô thị Di sản dựa trên cơ chế, chính sách từ Trung ương đến cấp cơ sở; phải có chiến lược quy hoạch đồng bộ, kế hoạch hành động cụ thể, hướng đến xây dựng đô thị du lịch mang tầm quốc tế, đô thị sáng tạo. Trên cơ sở những bài tham luận, các ý kiến trình bày tại hội thảo, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh, Tạp chí Cộng sản đánh giá làm rõ nội dung tham luận, trao đổi để ban hành kết luận Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Hội thảo thực sự là một chủ đề chuyên sâu, các chuyên gia đã dành nhiều tình cảm, trách nhiệm cao để phân tích làm rõ những vấn đề chung về xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.
Các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học đã nhận diện sâu sắc hơn giá trị bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư: Từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại. Đưa ra định hướng trong quản lý và phát triển vùng đất Cố đô Hoa Lư - đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế, đô thị công nghiệp văn hóa và xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, văn hóa tự nhiên và phát triển đô thị. Đề ra các chiến lược, các giải pháp xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư trở thành một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.
Với kết quả đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tạp chí Cộng sản cùng với tỉnh Ninh Bình tổng hợp những nội dung, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để xây dựng báo cáo tổng hợp Hội thảo để tiếp tục áp dụng, nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn.
Về phía các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, đồng chí đề nghị cần nghiên cứu, ứng dụng trong xây dựng chính sách, cơ chế thực hiện nhằm đưa những mục tiêu xây dựng, phát triển vùng đất Cố đô trở thành hiện thực, đó là: Xây dựng một đô thị “Xanh, bền vững và hài hòa”, phát triển công nghiệp văn hoá, đô thị sáng tạo; lấy di sản làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, lấy đô thị di sản làm cơ sở tạo sự kết nối cộng đồng, kết nối vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế. Từ đó phát triển ngành du lịch, công nghiệp văn hóa và tạo ra giá trị cho sự phát triển toàn diện, bền vững đột phá cho địa phương trong thời gian tới.
VICAST Tổng hợp theo baoninhbinh.org.vn và baophapluat.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục