Hội thảo chuyên gia “Những vấn đề chung về lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng ở Việt Nam”

Ngày đăng: 24/09/2024 Lượt xem: 212
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 23/9/2024, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra Hội thảo chuyên gia “Những vấn đề chung về lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng ở Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia “Lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng ở Việt nam”, mã số ĐTĐLXH.07/23 do GS.TS Từ Thị Loan làm chủ nhiệm, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị chủ trì.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN); PGS.TS. Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN; TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN, TS. Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN cùng các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật, các thành viên đề tài và các nhà khoa học.

Hội thảo được diễn ra dưới sự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN; GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện VHNTQGVN, chủ nhiệm đề tài.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: Việt Nam tuy mới được hòa mạng Internet toàn cầu hơn 25 năm nay, nhưng hiện đã thuộc Top các nước “có tương tác cao với Internet” với khoảng 73,3% dân số sử dụng Internet. Việt Nam cũng thuộc các quốc gia có số người sử dụng mạng xã hội (như Facebook, YouTube, TikTok,...) rất cao, trên cả các nước có công nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...

Trong bối cảnh đời sống số, xã hội số, văn hóa số, công dân số hiện nay, việc lưu hành, phổ biến, tiêu dùng các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng đang diễn ra vô cùng sôi động. Các văn nghệ sĩ và người dân có điều kiện tự do sáng tạo, thể nghiệm và công bố các tác phẩm của mình trên không gian mạng; công chúng cũng được đáp ứng tối đa các nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của không gian mạng, việc kiểm soát, quản lý, định hướng sự phát triển của văn hóa nghệ thuật trên môi trường này đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Chính vì vậy, việc thực hiện một nghiên cứu nhằm khảo sát, đánh giá thực trạng lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng, từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu để quản lý và phát triển các loại hình nghệ thuật đi đúng hướng đang đặt ra vô cùng cấp thiết.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương mong muốn, thông qua Hội thảo chuyên gia Những vấn đề chung về lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng ở Việt Nam với sự tư vấn, đóng góp ý kiến nghiêm túc, tận tình của các chuyên gia ngày hôm nay, nhóm thực hiện đề tài sẽ thu nhận được nhiều gợi mở, góp ý thiết thực, hữu ích để triển khai đề tài.

                                    PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo tập trung chủ yếu vào những vấn đề: Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và cách thức triển khai đề tài; góp ý về mẫu phiếu điều tra xã hội học của đề tài; Những nội dung, vấn đề chính cần quan tâm, lưu ý khi nghiên cứu thực trạng lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng (tập trung vào 5 loại hình: điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh); Những vấn đề đặt ra và một số giải pháp quản lý và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, khi Internet vào Việt Nam len lỏi vào từng  gia đình thì giao tiếp xã hội đã được mở rộng. Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền thông trên không gian số một mặt đem lại những tiện ích lớn đối với các cá nhân và tổ chức, tuy nhiên mặt khác cũng có không ít tiêu cực và mặt trái, cần có những giải pháp quản lý, điều chỉnh, nhằm duy trì, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.

TS. Trần Thị Minh Thu, Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng đã đề cập đến  những ưu thế của không gian mạng, coi không gian mạng là cách thức hiệu quả, tiết kiệm để các nghệ sĩ sân khấu quảng cáo tác phẩm và hình ảnh cá nhân, đơn vị của mình, đồng thời dùng không gian mạng để dẫn dắt dư luận theo ý kiến mình, tạo nên cả những chiều hướng tích cực và cả tiêu cực... 

PGS.TS Đinh Thị Vân Chi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; ThS. Nguyễn Tuấn Anh còn đưa ra một số góp ý về thiết kế bảng hỏi trong nghiên cứu về lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng. Ngoài ra là các ý kiến của các chuyên gia xoay quanh vấn đề phát triển các loại hình trên không gian mạng hiện nay.

 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Từ Thị Loan đã tóm lược các trình bày và ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo. Những ý kiến phát biểu xác đáng, sâu sắc và đầy tâm huyết nói trên sẽ giúp nhóm thực hiện đề tài hoàn thiện và làm rõ hơn các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay./.

Tin, ảnh: Phương Lan

Bình luận