79 năm kể từ dấu mốc Ngày thành lập Ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2024), 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên và ba năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng hành cùng những chặng đường quan trọng của lịch sử dân tộc, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa về sứ mệnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” đã luôn trở thành ngọn đuốc cho đội ngũ làm văn hóa nước nhà.
Ngày 22.12.2023, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Hun đúc niềm tin để tạo nên sức mạnh, văn hóa ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nhắc đến nhiều hơn và có được những thành tựu lớn hơn.
Những mạch nước về nguồn
“Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông”, câu nói của Bác Hồ năm xưa cũng là thông điệp gửi gắm trong thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi ngành VHTTDL nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống (1945-2023). Một lần nữa, đội ngũ làm văn hóa nước nhà cảm nhận được sự ghi nhận, đánh giá vai trò quan trọng của văn hóa mà từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”…
Ngày 28.8.1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) được thành lập. Ông Trần Huy Liệu là Bộ trưởng đầu tiên, giai đoạn năm 1945-1946, đặt nền móng ý nghĩa cho chặng đường phát triển sau này của ngành Văn hóa.
Di tích lịch sử cách mạng Nha Thông tin tại thôn Mới (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn, phát huy truyền thống, tạo động lực thúc đẩy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng, phát triển nền văn hóa nước nhà.
Xuyên suốt năm qua, những thông điệp tâm huyết và nhiều mong chờ ấy chính là nguồn động lực thôi thúc toàn ngành tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, tạo nên dấu ấn bước ngoặt, phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, như trong bức thư gửi đến những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa văn nghệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trông chờ. Những ngày đến hẹn lại lên này, kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống, những cán bộ ngành văn hóa đã có nhiều chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa. Di tích lịch sử cách mạng Nha Thông tin tại thôn Mới (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) là địa chỉ đỏ trong hành trình ấy, để thế hệ hôm nay tiếp nối, phát huy truyền thống, tạo động lực thúc đẩy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng, phát triển nền văn hóa nước nhà.
Trong hành trình “về nguồn” năm nay, dòng tâm tưởng của đội ngũ làm văn hóa nước nhà còn ấp ủ, mang theo những cảm xúc đặc biệt. Đó là những quyết tâm, những hành động nhằm hiện thực hóa điều trông chờ, kỳ vọng của những vị lãnh tụ, nhà văn hóa lớn, luôn hết lòng vì sự nghiệp văn hóa nước nhà. Trong bài viết tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, từ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành văn hóa, toàn ngành VHTTDL đã đón nhận một luồng sinh khí mới, động lực cho sự phát triển toàn diện, với nhiều điểm nhấn và bước ngoặt để dần hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt của Đảng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Di tích lịch sử cách mạng Nha Thông tin
“Có thể nói, chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay. Chưa bao giờ văn hóa có được nhiều thành tựu như hiện nay. Toàn ngành đã nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ. Theo người đứng đầu Bộ VHTTDL, thấm thía điều căn cốt “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, chúng ta thấy được rằng, khi “đánh mất” những giá trị văn hóa truyền thống, đánh mất bản sắc của mình, thì chúng ta sẽ trở thành một “bản sao mờ” của văn hóa dân tộc khác. Tinh thần ấy đã xuyên suốt mạch nguồn 79 năm truyền thống, đặc biệt trong quãng thời gian toàn ngành đồng tâm, đồng sức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, lan tỏa thông điệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những quan điểm, tư tưởng như những dòng mạch khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, con người đã luôn được thấm nhuần và mang theo trong hành trang phát triển. Phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” trở thành sợi dây kết nối, tạo nên động lực, sức mạnh tổng hợp để vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức, toàn ngành cùng nhau đoàn kết, nỗ lực để khẳng định những dấu ấn đột phá.
Những dấu ấn ấy đã tạo bước chuyển căn bản, toàn diện trong phát triển của toàn ngành; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận; Ban, Bộ, ngành đánh giá cao; được nhân dân tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng. Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã tạo nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa
Hiện thực hóa mục tiêu “văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”
Nhìn lại chặng đường kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lĩnh vực văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa đã trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được hiện thực hóa và đi vào thực tế cuộc sống. Mục tiêu xuyên suốt qua các Nghị quyết Đại hội Đảng: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” từng bước hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng là sự kiện lớn nhất về quy mô, tầm vóc và ý nghĩa khi Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao trọng trách, đặt niềm tin lớn lao vào đội ngũ những người làm công tác VHTTDL hôm nay, trong công cuộc chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Sau Hội nghị, mạch ngầm xuyên suốt trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam thực sự đã được khơi thông mạnh mẽ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, chúng ta đang ở một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được toàn ngành triển khai quyết liệt, thể chế hóa thành những chủ trương, chính sách lớn, tạo động lực và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Cũng từ sau Hội nghị, nhiều địa phương đã triển khai các Hội nghị văn hóa toàn tỉnh như Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hưng Yên… Tăng cường đầu tư để phát triển văn hóa, con người trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu tại các tỉnh, thành, với những chỉ số năm sau cao hơn năm trước, hoàn toàn thay đổi những quan điểm cho rằng văn hóa chỉ là “cờ, đèn, kèn, trống”.
Bức tranh tươi sáng với nhiều dấu ấn nổi bật, lan tỏa tinh thần, thông điệp giữ gìn và phát huy những giá trị hồn cốt dân tộc tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đã nhanh chóng được các địa phương đưa vào các Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nâng mức đầu tư cho văn hóa, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; lĩnh vực du lịch phục hồi nhanh”. Ghi nhận “chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay” một lần nữa tiếp tục được khẳng định qua nhận định của người đứng đầu Chính phủ.
Một tiết mục nghệ thuật đặc biệt tại Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa Ảnh: TR.HUẤN
Tích tụ những năng lượng mới, sinh khí mới
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của Đảng trong giai đoạn vừa qua đã từng bước thực sự đưa văn hóa trở thành “sức mạnh mềm”, là nền tảng để phát triển đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Qua đó, thôi thúc mãnh liệt toàn ngành VHTTDL không quản ngại khó khăn, thách thức để gánh vác và làm tròn sứ mệnh xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, toàn ngành đã quyết liệt, tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; kiên trì và đồng bộ thực hiện đổi mới tư duy từ “làm văn hóa, sang quản lý Nhà nước về văn hóa”; quản lý văn hóa thông qua công cụ pháp luật và bằng pháp luật. “Toàn ngành đã tập trung những vấn đề lớn như hoàn thiện thể chế, tập trung bổ sung, rà soát, phát huy các nguồn lực cho phát triển. Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, Bộ VHTTDL đã tham mưu, đề xuất và được Quốc hội, Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết. Trong những điểm nhấn về tham mưu thể chế, Bộ VHTTDL đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” tại kỳ họp thứ 7 và sẽ được Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Để tạo nên những thành công, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển văn hóa, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa trong những năm qua đã tiếp tục phát huy vai trò xung kích, đóng góp nhiều công sức, tâm huyết nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cùng với chủ đề xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, công tác tổ chức cán bộ được xác định là nhân tố then chốt để toàn ngành phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo nên những phát triển đột phá. Toàn ngành đã nỗ lực cố gắng, chăm lo, kiến tạo và xây dựng đội ngũ gồm những người làm văn hóa giàu kinh nghiệm, am hiểu về văn hóa và cách vận hành, phát huy hiệu quả những giá trị, đặc thù của từng lĩnh vực.
Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Văn hóa 28.8, lời dạy của Bác Hồ về sứ mệnh “soi đường”, những kỳ vọng tâm huyết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với thế hệ làm văn hóa hôm nay luôn là những “kim chỉ nam”, mang tính thời sự nóng bỏng. Những giọt nước nhỏ đang thấm sâu trong lòng đất, tích tụ ngày càng nhiều năng lượng mới, sinh khí mới để tạo nên những dòng nước mát tinh khiết, góp phần bồi đắp sức mạnh nội sinh của dân tộc ngày càng phát triển vững mạnh. Những thập kỷ đã qua và trong những năm tháng sau này, “kim chỉ nam” soi đường chỉ lối ấy mãi mãi là hành trang để toàn ngành thực sự trọn vẹn với sứ mệnh của mình, với trách nhiệm xã hội đúng như lời Bác năm xưa, là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Nguồn: baovanhoa.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục