Tháo gỡ điểm nghẽn để văn hóa vươn mình trong kỷ nguyên mới (Bài 2): Khơi thông nguồn lực

Ngày đăng: 07/11/2024 Lượt xem: 105
Mặc định Cỡ chữ

Nhằm từng bước thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc bằng sự khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, đổi mới để khơi thông dòng chảy cho văn hóa phát triển. Những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đang dần được tháo gỡ…

Khơi thông nguồn lực - ảnh 1

Quốc hội đã vào cuộc bằng sự khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, đổi mới để khơi thông dòng chảy cho văn hóa phát triển Ảnh: QUỐC HỘI

Biến di sản thành tài sản, nguồn lực phát triển đất nước

Với lĩnh vực Di sản, qua mỗi lần Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật là một lần mở ra dòng chảy mạnh mẽ, tiếp thêm sức sống cho các giá trị văn hóa dân tộc, để những di sản quý báu ấy được gìn giữ và lan tỏa, trường tồn cùng tiến trình phát triển của đất nước.

Luật Di sản văn hóa (DSVH) được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29.6.2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn DSVH của Việt Nam. Sau 8 năm thi hành, Luật DSVH đã được sửa đổi, bổ sung một số điều và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18.6.2009), nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập khi thực thi Luật trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Một bước tiến mới quan trọng trong Luật DSVH sửa đổi năm 2009 là bên cạnh vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể, Luật đã đề cao và quy định các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Việt Nam; các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian của 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S; các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; tri thức về y học cổ truyền; văn hóa ẩm thực; trang phục, lễ hội truyền thống…

Sau 23 năm thực hiện Luật DSVH 2001 và 15 năm thực hiện Luật DSVH 2009, đến nay nhiều quy định đã lỗi thời, không phù hợp và theo kịp thực tiễn. Vì thế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật DSVH đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 và vừa thảo luận cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Việc sửa đổi Luật lần này, như Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, là “nhằm khắc phục những bất cập, trên tinh thần kiến tạo, biến di sản thành tài sản và động lực phát triển đất nước”. Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cũng đánh giá Dự thảo Luật DSVH (sửa đổi) 2024 là “bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy DSVH nước nhà”.

Có thể nói, thông qua các quy định, Luật DSVH đã khẳng định quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy đa dạng DSVH dân tộc, nhằm đảm bảo quyền được hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời quảng bá giá trị DSVH Việt Nam ra quốc tế. Qua các lần sửa đổi, bổ sung, Luật đã duy trì và phát triển thêm một bước quan điểm của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vừa phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo tiếp cận những tri thức mới về khoa học bảo tồn DSVH của quốc tế cũng như các biện pháp cần thiết trong việc bảo tồn phát triển và phổ biến khoa học, văn hóa...

Khơi thông nguồn lực - ảnh 2

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa đã tiếp thêm sức mạnh để những di sản ngàn đời của dân tộc được gìn giữ và lan tỏa. Ảnh: Nhà hát Múa rối Việt Nam

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Giữ vai trò tiên phong và được xem là trụ cột trong công cuộc xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước, Luật Điện ảnh đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.11.2023, mở ra hành lang pháp lý thông thoáng để ngành “Nghệ thuật thứ 7” bứt phá, phát triển mạnh mẽ.

"Việc phát triển văn hóa phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực. Chính phủ phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để kiến tạo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Thể chế, chính sách trình Quốc hội thông qua phải tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc, tồn tại lâu nay trong thực tiễn của ngành Văn hóa."

(Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)

Nhìn từ góc độ công nghiệp văn hóa, bằng cách tiếp cận mới, điện ảnh không chỉ đơn thuần là hình thức nghệ thuật giải trí mà còn là phương tiện quảng bá văn hóa và bản sắc dân tộc, kiến tạo giá trị kinh tế thông qua du lịch, lan tỏa và thương mại hóa hình ảnh quốc gia. Thành công của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ… là minh chứng cho vai trò của điện ảnh trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thu hút du khách và thúc đẩy đầu tư quốc tế.

Sửa đổi Luật Điện ảnh vào năm 2022 cũng phản ánh nỗ lực của Quốc hội nhằm thích nghi với sự thay đổi của thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập, ngành Điện ảnh Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn, từ nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất cho đến khả năng cạnh tranh với “bom tấn” nước ngoài. Những quy định pháp lý cũ, nhiều khi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành, đã gây ra các điểm nghẽn cản bước doanh nghiệp sản xuất và phân phối phim. Do đó, việc cập nhật Luật Điện ảnh nhằm khơi thông dòng chảy, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ mới và thúc đẩy hợp tác quốc tế là vô cùng cần thiết.

Một khía cạnh quan trọng của Luật Điện ảnh sau khi được sửa đổi là tạo điều kiện tốt hơn cho nhà sản xuất, quảng bá và phát hành, mở ra những chân trời mới, giúp điện ảnh Việt Nam “vươn ra biển lớn”. Đồng thời, Luật còn khuyến khích sáng tạo trong sản xuất nội dung, thu hút các nhà làm phim trẻ, mở rộng đối tượng khán giả và tăng cường sự đa dạng trong thể loại, đề tài; không chỉ hỗ trợ kinh tế mà còn góp phần xây dựng và bảo vệ bản sắc Việt Nam trước sức ảnh hưởng như vũ bão của văn hóa ngoại lai.

Luật Điện ảnh mới khẳng định mạnh mẽ cam kết của Nhà nước trong việc nâng tầm điện ảnh thành một “ngành công nghiệp chiến lược”. Những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách giờ đây đã được khơi thông, tạo điều kiện để điện ảnh nước nhà “cất cánh”, đưa văn hóa và bản sắc Việt Nam bay xa, lan tỏa tới bạn bè khắp năm châu.

Đánh giá cao Luật Điện ảnh được sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Việc bổ sung các chính sách mới và đặc thù sẽ là nền tảng thuận lợi nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành Điện ảnh cũng như công nghiệp văn hóa. Bên cạnh chính sách đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước, việc bổ sung các quy định khuyến khích xã hội hóa, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động điện ảnh cũng rất quan trọng.

Khơi thông nguồn lực - ảnh 3

Điện ảnh Việt Nam được kỳ vọng sẽ “cất cánh” sau khi Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung năm 2022

Mở ra kỳ vọng mới

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sửa đổi Luật Quảng cáo không chỉ là động thái điều chỉnh pháp luật theo hướng “tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà còn mở ra những kỳ vọng lớn về một thị trường sôi động và đầy tiềm năng cho Việt Nam.

Quảng cáo, với sức mạnh của mình, chính là cây cầu nối những ý tưởng sáng tạo với công chúng, là phương tiện đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và cũng là tiếng nói khẳng định bản sắc văn hóa của một quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành quảng cáo tại Việt Nam không ít lần đối mặt với những rào cản từ các quy định chưa kịp bắt nhịp với làn sóng công nghệ số và sự đa dạng của các phương thức quảng bá.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội chiếm ưu thế áp đảo, những “khuôn khổ” cũ kỹ đã kìm hãm nhiều doanh nghiệp, khiến họ loay hoay tìm cách thích ứng. Luật sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ mở lối giúp doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo để tiếp cận người tiêu dùng; giảm thiểu các thủ tục rườm rà. Một hành lang pháp lý rõ ràng và thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế bằng chính giá trị và bản sắc của riêng mình.

Không chỉ dừng lại ở đó, Luật sửa đổi còn thể hiện sự trân trọng đối với thuần phong mỹ tục và giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời bảo vệ công chúng khỏi những nội dung không phù hợp; đưa ra tiêu chuẩn cao hơn trong việc kiểm soát và quản lý quảng cáo. Mỗi thông điệp quảng cáo không chỉ là cách giới thiệu sản phẩm, mà còn là một phần của câu chuyện văn hóa, phản ánh chân thực những giá trị và cốt cách của con người Việt Nam. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật cũng là để bảo vệ và duy trì những nét đẹp văn hóa trong từng chiến dịch quảng bá sản phẩm.

Với việc giải phóng rào cản, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục và mở rộng cánh cửa sáng tạo, Luật mới đã thực sự hỗ trợ doanh nghiệp, khơi dậy sức sống mới cho toàn ngành công nghiệp quảng cáo. Đó là khát vọng về một môi trường lành mạnh, nơi sáng tạo được tôn vinh, cạnh tranh trở nên công bằng; mỗi doanh nghiệp, mỗi thương hiệu có thể tự tin đưa những ý tưởng mới mẻ ra thị trường mà không phải lo ngại về sự hạn chế của pháp lý.

Sự thay đổi lần này không chỉ mang đến lợi ích kinh tế mà còn là hành động tích cực trong việc bảo vệ người tiêu dùng, để mọi thông điệp đến với công chúng đều minh bạch, trung thực và đáng tin cậy. Có thể khẳng định, không đơn thuần chỉ là việc điều chỉnh các điều khoản pháp lý, sửa đổi Luật chính là khởi đầu mới của hành trình phát triển bền vững và đầy cảm hứng cho ngành Quảng cáo tại Việt Nam.

Ngày 21.10.2024, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Chúng ta tin rằng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được xem xét tại kỳ họp 8 và thông qua tại kỳ họp 9, sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như việc sửa đổi Luật Điện ảnh và Luật DSVH vừa qua.

"Trong loạt bài trước, chúng tôi đã đề cập đến việc hàng loạt thiết chế văn hóa, thể thao “oằn mình” vì những bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tin vui là ngày 15.9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 151. Theo đó, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được tháo gỡ; mở ra cơ hội để các thiết chế văn hóa, thể thao như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hay Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình phát triển như kỳ vọng…"

(Còn tiếp)

THU SÂM - BÙI HOÀI SƠN

Nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận