CHÍNH SÁCH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CỦA PHÁP: KHÁM PHÁ MỘT SỐ ĐIỀU THÚ VỊ

Ngày đăng: 27/11/2024 Lượt xem: 76
Mặc định Cỡ chữ

Trong chuyến đi học tập, nghiên cứu, khảo sát thuộc đề án khoa học cấp quốc gia “Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” từ ngày 20 -25/11, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - VICAS đã đến thăm, làm việc với một số cơ quan văn hóa tại Paris như: Viện Pháp INSTITUT FRANÇAIS, Cơ quan Điện ảnh quốc gia Pháp CNC - Centre national du cinéma et de l'image animée, Trung tâm Pompidou Paris Centre Pompidou, Trung tâm Văn hóa 19 104 CENTQUATRE, Nhạc viện Versailles Versailles Grand Parc... Chuyến khảo sát đã giúp đoàn khám phá một số điểm thú vị về chính sâch văn hóa Pháp trong việc thúc đấy một đời sống nghệ thuật đa dạng, hài hòa và bền vững.

Pháp là quê hương của rất nhiều nghệ sĩ và phong trào nghệ thuật lừng danh, cũng như đã đóng vai trò trung tâm trong lịch sử hội họa, điêu khắc, kiến trúc, văn học và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Có được điều đó là nhờ cơ chế, chính sách, mô hình quản trị văn hóa độc đáo của quốc gia này.

"Nghệ thuật Pháp có sự phát triển rất đặc biệt bởi từ nhiều thế kỷ trước, nghệ thuật đã là một lĩnh vực luôn được chính phủ quan tâm bảo trợ. Văn hoá và nghệ thuật Pháp được coi như ADN và ở trong gen, trong máu của người Pháp. Không có một lĩnh vực nào là không có sự nhận diện của văn hoá nghệ thuật, thậm chí là trong chính trị. Sở thích này đã giúp cho văn hoá nghệ thuật Pháp có độ nhận diện cao trong nước cũng như quốc tế" - Bà Eva Nguyên Bình, Chủ tịch Viện Pháp nói.

Pháp cố gắng gìn giữ sự đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật, hạn chế tính thương mại quá cao và sự đồng nhất, độc quyền trong thị trường nghệ thuật. Ví dụ nhiều tác phẩm có thể khó tiêu thụ trên thị trường nhưng chính phủ vẫn luôn bền bỉ ủng hộ, chính vì vậy nghệ thuật Pháp đã phát triển một cách hài hòa, đa dạng và bền vững.

Căn nguyên của sự phát triển bền vững

Sự thăng hoa, bùng nổ của các loại hình nghệ thuật Pháp là nhờ vào tình yêu và tầm nhìn của những người đứng đầu đất nước. Trong lịch sử Pháp, từ thời vua Louis XIV đã nổi tiếng với niềm đam mê và sự bảo trợ cho văn hoá nghệ thuật, điều đã giúp cho nghệ thuật Pháp phát triển căn cốt và bền vững từ nhiều thế kỷ.

Theo đại diện CNC, Luật về đầu tư và tái đầu tư cho điện ảnh từ thuế cũng như các ưu đãi thuế đã góp phần tạo nên bình đẳng và hạn chế độc quyền trong điện ảnh, cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra lợi nhuận cho địa phương, đặc biệt là về du lịch. Ngay ở từng công đoạn của chuỗi chu trình sản xuất, ví dụ thời hạn phát hành phim kèm theo các ưu đãi tài chính và thuế tương ứng được tính toán một câch khoa học, căn cơ, cho từng đối tượng cụ thể: từ rạp chiếu phim, đến các kênh truyền hình trả tiền, kênh truyền hình miễn phí và các dịch vụ chiếu phim trên nền tảng số, nhờ đó đảm bảo được sự phù hợp về trách nhiệm và quyền lợi của từng chủ thể, cũng như khuyến khích được sự đa dạng của các loại hình điện ảnh khác nhau.

Nhằm khuyến khích hơn nữa đầu tư tư nhân và tài trợ cho nghệ thuật, vào năm 2003 Luật Loi Jean-Jacques Aillagon của Pháp đã được ban hành. Một trong những điều khoản chính của luật này là cho phép giảm thuế 60% đối với các cá nhân và doanh nghiệp khi đóng góp, đầu tư, hiến tặng cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật.

Vai trò điều tiết của nhà nước

Nhìn chung, quản trị văn hóa tại Pháp được xây dựng trên nền tảng truyền thống lâu đời với sự can thiệp của nhà nước trong thúc đẩy, điều tiết và bảo vệ văn hóa. Chính phủ cung cấp nguồn tài trợ lớn cho các dự án văn hóa, bảo tàng, nhà hát và các tổ chức nghệ thuật, thể hiện quan điểm coi văn hóa như hàng hóa công cần được nhà nước hỗ trợ. Mặc dù chính quyền trung ương đóng vai trò quan trọng trong quản lý văn hóa, từ thập niên 1980 các cải cách về phân quyền và trao quyền cho chính quyền vùng và địa phương được thúc đẩy, khuyến khích sự năng động hơn trong quản trị văn hóa.

Đoàn công tác Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - VICAS đã đến thăm, làm việc với một số cơ quan văn hóa tại Paris

Chính phủ Pháp đề cao việc giúp cho mọi người dân đều có quyền tiếp cận và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, ví dụ như miễn phí hoặc giảm giá vé cho các sự kiện và các địa điểm văn hóa dành cho giới trẻ và các nhóm thiệt thòi, mà trường hợp Trung tâm Văn hóa 19 (Cent Quatre-Paris) là một ví dụ sống động. Trung tâm được tài trợ và vận hành như một tổ chức văn hóa công, tập trung vào khả năng tiếp cận, tính bao hàm và thúc đẩy một hệ sinh thái văn hóa cởi mở, sôi động cho tất cả mọi tầng lớp, bao gồm cư dân ở khu vực ngoại ô và người nhập cư.

Mặc dù nhà nước Pháp đóng vai trò động lực chính, ngày càng có sự gia tăng trong hợp tác giữa các cơ quan công quyền với các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân về đầu tư, tài trợ cho văn hóa nghệ thuật, qua đó thúc đẩy sự cân bằng giữa nguồn ngân sách nhà nước cấp với đầu tư tư nhân, cũng như huy động thêm các nguồn lực từ xã hội, được hiện thực hóa thông qua những công cụ chính sách cụ thể và toàn diện.

Quản trị văn hóa của Pháp là mô hình sống động về sự kết hợp giữa can thiệp của nhà nước, cùng với phân quyền, trao quyền từ cơ sở và cam kết cởi mở, bao hàm với mọi tầng lớp xã hội. Những chính sách, mô hình quản trị này đã giúp cho nước Pháp đạt được nhiều thành tựu trong gìn giữ, bảo vệ, phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật cho nhân loại, cũng như tiếp tục khuyến khích những sáng tạo nghệ thuật hiện đại và tiên phong của nước Pháp./.

Đỗ Thị Thanh Thuỷ (tổng hợp)

Bình luận