Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Phương Việt

Ngày đăng: 23/12/2023 Lượt xem: 1.854
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 23/12/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Phương Việt với đề tài: Mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam, chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS. Nguyễn Văn Dương; TS. Trần Hữu Sơn đồng hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Từ thực tiễn cấp thiết trong nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, xem văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu về việc nghiên cứu giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong đời sống đương đại là rất cụ thể. NCS Nguyễn Phương Việt lựa chọn nghiên cứu trường hợp mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong các trang phục của dân tộc vì những lý do sau:

Thứ nhất, trang phục truyền thống nữ dân tộc Pà Thẻn là trang phục có đặc điểm tạo hình độc đáo, không đơn thuần là trang trí trên bề mặt trang phục như những dân tộc cùng ngữ hệ, ở đó chứa đựng những giá trị trang trí ở cả phần tạo phom dáng trang phục. Cách ghép các mảng hình không đơn giản mà có tính tạo hình kết cấu và trang trí không giống với các dân tộc khác.

Thứ hai, có phương pháp sử dụng màu với những đặc điểm thủ pháp mang lại hiệu quả riêng, có nét tương đồng với phương pháp sử dụng màu hiện đại.

Thứ ba, các mảng hoa văn trang trí có những đặc trưng riêng về chủ đề, mô tuýp. Mảng hoa văn kết nối tổng thể bố cục chung của trang phục.

Thứ tư, mỗi hình mảng, màu sắc, hoa văn, chi tiết chứa đựng những câu chuyện riêng mang đặc điểm văn hóa tộc người.

Thứ năm, trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn được xem là trang phục còn nguyên vẹn so với trang phục của nam và thầy cúng. Nó ẩn chứa giá trị mỹ thuật tạo hình đặc sắc, giàu tính biểu cảm, cần được nghiên cứu, làm rõ và bảo tồn.

Xuất phát từ cơ sở lí luận và thực tiễn trên, NCS lựa chọn đề tài nghiên cứu Mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam làm luận án Tiến sĩ ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật.

NCS Nguyễn Phương Việt

Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu, trình bày một cách có hệ thống khoa học về mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn dưới góc nhìn lý luận và lịch sử mỹ thuật. Luận án nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh dựa trên cơ sở nguyên lý nghệ thuật tạo hình, lý thuyết biểu tượng. Luận giải làm rõ đặc điểm không thể lẫn với những dân tộc khác, đặc biệt là những dân tộc cùng, ngữ hệ. Luận án đóng góp bổ sung tư liệu vào kho tàng mỹ thuật dân gian Việt Nam.

Bên cạnh đó, luận án phân tích những giá trị mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống tộc người, biểu hiện sức sống lâu bền ở giá trị mỹ thuật. Nét tương đồng với mỹ thuật hiện đại cũng như gợi mở vận dụng trong đời sống mỹ thuật hôm nay. Trên cơ sở đó, luận án góp phần nhận diện những đặc điểm mỹ thuật và giá trị nghệ thuật truyền thống. Giáo dục thẩm mỹ, bồi đắp kiến thức về cái đẹp thông qua các đặc điểm mỹ thuật. Khơi dậy niểm đam mê, yêu thích mỹ thuật trang phục truyền thống dân tộc.

Luận án là tư liệu giúp các cơ quan văn hóa trong quản lý, định hướng giáo dục truyền thống, xây dựng bảo tồn giá trị văn hoá nghệ thuật nói chung và văn hóa mặc của mỗi dân tộc nói riêng trong dòng chảy chung của thời đại mới. Góp phần thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Luận án hệ thống hóa tư liệu trực quan về mỹ thuật trang phục, cấu trúc hình mảng, màu sắc, hoa văn họa tiết trang trí.

Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo, gợi ý đối với những người làm nghệ thuật nói chung, những nhà thiết kế thời trang nói riêng và những người quan tâm tới giá trị mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên các trường chuyên ngành mỹ thuật, thiết kế thời trang.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

TS. Trần Hữu Sơn đại diện người hướng dẫn.

Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (13 trang), Phụ lục (80 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (45 trang).

Chương 2: Biểu hiện mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn (60 trang).

Chương 3: Đặc điểm, giá trị mỹ thuật trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn (43 trang).

NCS Nguyễn Phương Việt đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Phương Việt đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Phương Việt./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận