Sách hàng năm

Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên

Năm xuất bản: 2010
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Gới thiệu:

Ngày 25-11-2005 tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, mà còn trở thành niềm tự hào chung của toàn thể dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, vinh dự  luôn đi cùng với trách nhiệm và lúc này đây, trách nhiệm của chúng ta trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có lẽ còn nặng nề hơn trước, bởi đây không còn chỉ là di sản văn hóa của riêng Việt Nam mà đã trở thành di sản văn hóa của cả nhân loại. Bên cạnh đó, trong nhiều thập kỷ vừa qua, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã phải “đối mặt” với những thách thức do hoàn cảnh lịch sử và xã hội mang lại (như chiến tranh, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…), nên việc bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong thời điểm hiện nay lại càng đặt ra nhiều vấn đề bức thiết.

Trước thực tế này, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã triển khai nhiều đề tài sưu tầm, nghiên cứu về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên của nhà nghiên cứu Đào Huy Quyền chính là một công trình nằm trong hướng nghiên cứu này. Trong chuyên khảo, tác giả đã giới thiệu hầu hết các bộ cồng chiêng của các dân tộc thuộc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, theo các nội dung sau: hình thức cấu tạo của cồng chiêng; màu âm, tầm âm, thang âm; kỹ thuật diễn tấu; vai trò của cồng chiêng trong đời sống tộc người và quan hệ của nó với các nhạc khí khác. Trước khi đề cập đến từng bộ cồng chiêng của từng dân tộc, tác giả còn nêu lên những nét tổng quan về dân tộc đó để giúp người đọc hiểu thêm về cơ sở văn hóa chung của họ.

Nhận thấy công trình Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên của nhà nghiên cứu Đào Huy Quyền sẽ hữu ích với các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nói chung, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng, đồng thời cũng giúp cho bạn đọc trong và ngoài ngành văn hóa thêm hiểu về di sản quý giá của Tây Nguyên, của Việt Nam và của cả nhân loại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam quyết định xuất bản công trình này.

Nguồn: Vicas