Sáng ngày 25/11/2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức tọa đàm: "Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo theo cấu trúc ngành" do GS.TS. Yong Xiang trình bày. TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN dự và chủ trì tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cùng với sự có mặt của các nghiên cứu viên và các nghiên cứu sinh của Viện VHNTQGVN.
GS.TS. Yong Xiang, diễn giả chính của Tọa đàm hiện nay là Viện trưởng Viện Công nghiệp văn hóa, Đại học Bắc Kinh. Đoàn công tác của GS.TS. Yong Xiang còn có các cộng sự là các thầy giáo, cô giáo cùng các nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học.
Quang cảnh tọa đàm
Phát biểu khai mạc, TS.Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN chia sẻ, Tọa đàm “Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo theo cấu trúc ngành" là một trong những sinh hoạt khoa học của Viện VHNTQGVN dành cho nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh của Viện. Đây là cơ hội để các thành viên tham dự có thể lĩnh hội, cập nhật được những thông tin, kiến thức mới, qua đó sẽ có thêm các góc nhìn đa chiều mang tính quốc tế về sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Trung Quốc, từ đó nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.
TS.Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN
Do đó, phần chính chương trình tọa đàm, GS.TS. Yong Xiang trình bày, chia sẻ các kinh nghiệm, chính sách và chiến lược thành công của Trung Quốc trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, tầm quan trọng của sự tích hợp giữa văn hóa và công nghệ tại Trung Quốc; những tác động của xu hướng toàn cầu hóa; ứng dụng của công nghệ thực tế ảo; số hóa và văn hóa truyền thống… GS.TS. Yong Xiang đã đưa ra các mô hình, ví dụ cụ thể thực tế, trong đó có Dự án bảo tàng kỹ thuật số; Trò chơi Hắc Thần Thoại Ngộ Không… Ngoài ra, ông còn chia sẻ các nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều học giả và chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo: Quản trị chính sách trong tích hợp đổi mới sáng tạo. Ông cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều biện pháp thúc đẩy sự tích hợp và đổi mới sáng tạo giữa văn hóa và công nghệ, tăng cường đầu tư tài chính, cung cấp quỹ hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp văn hóa và công nghệ…; Bên cạnh đó là những thách thức và cơ hội của đổi mới tích hợp; Tầm nhìn tương lai về sự đổi mới tích hợp: giá trị văn hóa và năng lực bổ sung của công nghệ, văn hóa đổi mới và đổi mới khoa học công nghệ, số hóa văn hóa và xây dựng quốc gia văn hóa mạnh … cũng đã được ông trình bày tại tọa đàm.
GS.TS. Yong Xiang diễn giả chính tại tọa đàm
Phần tiếp theo của chương trình là phần trao đổi thảo luận với sự điều phối của TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại và sự hỗ trợ phiên dịch của TS. Trần Thị Thủy đến từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXHVN.
Tọa đàm “Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo theo cấu trúc ngành" do GS.TS. Yong Xiang trình bày đã mang đến những thông tin, kiến thức mới rất hữu ích. Từ đó các thành viên tham dự có thêm các góc nhìn đa chiều mang tính quốc tế về sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Trung Quốc, trên cơ sở đó nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Lã Lương
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục