PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội: Cú hích để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Ngày đăng: 22/03/2025 Lượt xem: 27
Mặc định Cỡ chữ

Ca khúc đương đại sử dụng chất liệu dân gian vừa tôn vinh bản sắc, vừa tìm cách để dân ca không bị đóng khung trong những không gian bảo tồn mang tính nghi lễ. Nhìn sang thế giới, những dòng nhạc dân gian của nhiều nước cũng đã có sự kết hợp tương tự với hip hop, pop hay EDM, giúp chúng có sức sống bền bỉ hơn mà không mất đi gốc rễ văn hóa.

“Càng địa phương, càng thế giới” là một yếu tố quan trọng để các tác phẩm nghệ thuật vươn tầm quốc tế. Nghĩa là, trong nghệ thuật, cần có bản sắc, mang được những nét riêng của quốc gia, dân tộc. Điều đó đã được thấy rõ trong MV “Bắc Bling”. Âm nhạc đậm chất dân ca với ca từ vần điệu, giàu hình ảnh văn học, gần gũi người nghe; hình ảnh đẹp với những góc quay tái hiện, giới thiệu các di sản vật thể và phi vật thể của Bắc Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung; trang phục được đầu tư kỹ lưỡng, bắt mắt với những thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục dân tộc như: Nón quai thao, khăn mỏ quạ, yếm đào, áo tứ thân... Sự kết hợp một cách khéo léo, trúng thị hiếu đã khiến tác phẩm chinh phục được cùng lúc nhiều đối tượng khán giả.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nếu một MV có thể khiến hàng triệu người chú ý, khiến khán giả trẻ bắt đầu tò mò về quan họ, tìm nghe lại những câu hát cổ, đó chẳng phải cũng là một cách bảo tồn hay? Đôi khi, để di sản sống mãi, nó không chỉ cần được lưu giữ mà còn cần được tiếp tục thở trong nhịp sống hiện đại, hiện tượng “Bắc Bling” chính là một nhịp thở đầy năng lượng như thế. MV không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của quan họ Bắc Ninh-một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh-mà còn cho thấy rằng di sản có thể phát triển theo thời gian, thay vì chỉ đóng khung trong những khuôn mẫu nghiêm cẩn. Quan trọng hơn, “Bắc Bling” cho thấy nghệ sĩ ngày nay không chỉ là người biểu diễn mà còn có thể trở thành những sứ giả văn hóa. Họ có thể dùng âm nhạc để kể những câu chuyện về quê hương, làm sống dậy những nét đẹp tưởng chừng đã phai nhạt.

Năm 2025 là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chương trình đặt ra những mục tiêu rất cụ thể như phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước. Để thực hiện thành công mục tiêu trên chắc chắn rất cần sự đồng lòng và nỗ lực từ cả nghệ sĩ lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự đổi mới tư duy, sáng tạo mạnh mẽ và cách tiếp cận toàn diện. Vì thế, vai trò của nghệ sĩ rất quan trọng, họ đóng vai trò như những người kể chuyện, người mang bản sắc văn hóa của dân tộc ra thế giới. Họ không chỉ cần sáng tạo mà phải thể hiện rõ tinh thần dân tộc trong từng tác phẩm, từ đó tạo nên giá trị riêng biệt mà văn hóa Việt Nam có thể tự hào. Tuy nhiên, để những giá trị này có thể thuyết phục được công chúng toàn cầu, nghệ sĩ cần không ngừng nâng cao chuyên môn, nhạy bén với công nghệ mới và các xu hướng sáng tạo trên thế giới.

 Nguồn: qdnd.vn

Bình luận