Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Trung

Ngày đăng: 28/11/2023 Lượt xem: 474
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 28/11/2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Trung với đề tài: Yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1976 - 2015, chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Lê Văn Sửu và TS Nguyễn Thị Thu Hà đồng hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Tranh lụa Việt Nam (TLVN) hiện đại được hình thành từ những năm 30 của thế kỷ XX, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập và đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi vẻ đẹp riêng khác với tranh lụa của các nước trong khu vực như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản... Trong quá trình phát triển và tiếp biến, ngôn ngữ tạo hình của TLVN luôn thể hiện tinh thần Á Đông, chứa đựng mỹ cảm trang trí ở hình thức biểu đạt tác phẩm. Đặc tính ước lệ - tượng trưng riêng có cùng với vẻ hấp dẫn, độc đáo sẵn có từ những họa tiết trang trí như: hoa văn trang trí cổ, họa tiết trang trí dân tộc Mường, Ba Na, Ê đê, Thái, Tày, Nùng, Dao, H’Mong, Sán Chay… của YTTT đã góp phần quan trọng tạo nên những tác phẩm TLVN mang đậm giá trị truyền thống dân tộc.

Qua khảo sát các tác phẩm TLVN giai đoạn 1976 - 2015 có thể thấy, hình thức thể hiện trong tranh phong phú, đa dạng và có nhiều điểm khác biệt so với các giai đoạn trước đó. Đây là giai đoạn sự xâm nhập của trang trí vào hội hoạ tranh lụa rõ nét để trở thành một thành tố của tác phẩm, góp phần tạo nên bước phát triển quan trọng của TLVN với những phong cách nghệ thuật mới, thể hiện đặc trưng thẩm mỹ của Việt Nam. Hệ thống tư liệu và thực tiễn cho thấy, việc sử dụng YTTT trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là TLVN giai đoạn 1976 - 2015 chiếm tỉ lệ lớn. Do đó, nghiên cứu hiện tượng nghệ thuật này một cách hệ thống, toàn diện, chuyên sâu là yêu cầu cần thiết.

Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, khi xu thế toàn cầu hóa đã trở nên phổ biến, mức độ sử dụng YTTT trong nghệ thuật tạo hình đang có xu hướng trở lại mạnh mẽ trong thiết kế, kiến trúc và hội họa, việc nghiên cứu, đánh giá giá trị thẩm mĩ của YTTT trong TLVN giai đoạn 1976 - 2015 đang trở nên cấp thiết.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của YTTT đã góp phần cho TLVN giai đoạn này đạt được những thành tựu đáng kể qua các giải thưởng ở trong nước và quốc tế, từng bước khẳng định đặc điểm, giá trị nghệ thuật riêng biệt, là phương tiện nổi trội trong việc đem lại hiệu quả biểu đạt thẩm mỹ cho tác phẩm, phản chiếu kịp thời những thay đổi và biến động của xã hội đương đại. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu, hệ thống, tập trung làm rõ YTTT được thể hiện như thế nào và nó giúp gì cho người vẽ trong quá trình sáng tác, đó là khoảng trống nghiên cứu còn bỏ ngỏ. Vì vậy, đặt vấn đề nghiên cứu YTTT trong TLVN giai đoạn 1976 - 2015 là cần thiết để đưa ra những nhìn nhận, đánh giá khoa học về sự biểu hiện, khẳng định đặc trưng và giá trị nghệ thuật của YTTT trong TLVN giai đoạn này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Chính vì vậy, NCS Nguyễn Trung đã lựa chọn đề tài: Yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1976 – 2015 làm luận án tiến sỹ.

NCS Nguyễn Trung

Đề tài luận án là công trình nghiên cứu mới, lý luận chuyên sâu, đánh giá các vấn đề khoa học về YTTT trong TLVN giai đoạn 1976 - 2015 qua góc nhìn mỹ thuật học. Kết quả nghiên cứu hướng trọng tâm làm sáng tỏ những câu hỏi và luận điểm khoa học đặt ra: Xác lập khái niệm, giới thuyết YTTT trong tranh lụa, qua đó chỉ ra các YTTT nổi bật, chưa được nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện, biểu hiện thông qua hình thức nghệ thuật của TLVN giai đoạn 1976 – 2015.

Luận án chứng minh sự biểu hiện của YTTT trong TLVN giai đoạn 1976 - 2015 ở hình thức nghệ thuật của tác phẩm, thông qua các yếu tố tạo hình có thể nhận diện như: không gian, màu sắc, hình thể, họa tiết trang trí. Qua đó chỉ ra ba đặc trưng nghệ thuật nổi bật của YTTT trong TLVN giai đoạn 1976 - 2015 như: tính ước lệ - tượng trưng trong màu sắc và không gian; khái quát và cách điệu hóa hình thể; kết hợp họa tiết trang trí trong mảng hình; với các giá trị nghệ thuật điển hình như: tăng hiệu quả tạo hình và đa dạng hình thức biểu hiện nghệ thuật.

Luận án góp phần hình thành một cơ sở lý luận chuyên sâu về YTTT trong TLVN Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần khẳng định, làm rõ những nhân tố hình thành và việc phát huy giá trị nghệ thuật của YTTT trong sáng tác TLVN giai đoạn 1976 - 2015 trong bối cảnh giao lưu hội nhập quốc tế. Đồng thời kết quả nghiên cứu mới của luận án bổ sung cơ sở dữ liệu về TLVN.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Lê Văn Sửu đại diện hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (7 trang), Kết luận (3 trang), Tài liệu tham khảo (11 trang), Phụ lục (54 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1976 - 2015 (38 trang);

Chương 2: Biểu hiện của yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1976 - 2015 (58 trang);

Chương 3: Đặc trưng, giá trị nghệ thuật và bàn luận về yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1976 - 2015 (50 trang).

NCS Nguyễn Trung đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Trung đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Trung./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận