HỘI THẢO KHOA HỌC “ĐẦU TƯ VÀ TÀI TRỢ CHO VĂN HÓA: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC GỢI MỞ CHO VIỆT NAM”

Ngày đăng: 09/12/2024 Lượt xem: 827
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 09 tháng 12 năm 2024, Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” đã được tổ chức tại Trụ sở HĐND - UBND quận Hoàn Kiếm, số 126 Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Toàn cảnh Hôi thảo khoa học

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học như: PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Viet Production; TS. Hà Huy Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế Vùng và địa phương, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; ông Jérémy SEGAY, Tuỳ viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Đinh Công Tài, Giám đốc Marketing Hanoia; ThS Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam); ThS Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ; ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Công ty TNHH Lên Ngàn.. cùng đại diện các đơn vị quản lý nhà nước, các Bộ ban ngành, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các nghệ sỹ - người thực hành văn hóa và các cơ quan báo chí truyền thông.

Phát biểu chào mừng và khai mạc tại Hội thảo TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của nền văn hóa với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững thì vẫn cần sự chung tay của nhiều nguồn lực, trong đó đầu tư và tài trợ đóng vai trò then chốt. Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

TS. Nguyễn Thế Hùng phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện nay việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Hơn nữa, những nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này trong thời gian qua vẫn còn những bỏ ngỏ. Do vậy, việc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam sẽ là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng các doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, hội thảo cũng tạo cơ hội để thảo luận về các chính sách hiệu quả, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan trong việc phát triển bền vững văn hóa Việt Nam nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng, từ đó rút ra bài học và đề xuất giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong việc phát triển mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu đề dẫn Hội thảo

Chủ trì Hội thảo gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN, Bộ VHTTDL và TS.KTS Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan, đơn vị, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các công ty, doanh nghiệp và tổ chức sáng tạo tại Việt Nam cũng như các tổ chức nước ngoài như Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Cơ quan hơp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam...

Nội dung chính của hội thảo được chia làm 03 nhóm chủ đề sau:

1. Đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam - Góc nhìn đa chiều

2. Đầu tư và tài trợ cho văn hóa -Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra

3. Đầu tư và tài trợ cho văn hoá - Mục tiêu, công cụ chính sách cùng những sáng kiến định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”.

Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên 1 là Phiên trình bày tham luận. Phiên 2 là phiên là phiên thảo luận bàn tròn. Có thể kể đến một số tham luận tiêu biểu như: Đầu tư và tài trợ cho văn hóa - Nhìn từ mục tiêu và công cụ chính sách của ThS Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL; Trình bày các cơ chế hỗ trợ công cộng chính cho điện ảnh ở Pháp của Ông Jérémy SEGAY, Tuỳ viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Chính sách đầu tư cho văn hóa sáng tạo: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và bài học cho thành phố Hà Nội của TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Đầu tư và hỗ trợ để nâng cao năng lực sáng tạo, hội nhập quốc tế của các dự án âm nhạc quốc tế - Trường hợp MMF của Nhạc sĩ, Nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Viet Production; Công nghiệp văn hóa, du lịch và di sản. Chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị cho Hà Nội của Ông Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam…

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện ảnh Pháp, ông Jeremy Segay cho biết, về mặt bối cảnh, sau Thế chiến thứ II nền kinh tế và điện ảnh Pháp có nhiều nét tương đồng với thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay: Khi đó, do các thỏa thuận thương mại kí kết với Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Pháp buộc phải dỡ bỏ các hạn chế nhập phim điện ảnh Hoa Kỳ, dẫn đến thị trường nước này tràn ngập phim điện ảnh Hoa Kỳ với khoảng hơn 2.000 phim đang tồn đọng từ thời Đức Quốc xã. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Pháp đã tiến hành một loạt biện pháp tổng thể để hỗ trợ nền sản xuất phim nội địa. Tháng 10/1946, Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh Pháp (CNC) được thành lập. Trong năm 2019, Quỹ đã hỗ trợ điện ảnh 311 triệu euro, sản xuất truyền hình 270 triệu euro, các sản phẩm kỹ thuật số 4 triệu euro dành cho các hoạt động sáng tạo và phát triển kịch bản, sản xuất phim ngắn, phân phối phim, tổ chức triển lãm phim, tiến hành công tác bảo tồn, dỉ sản và số hóa phim cũ, cung cấp tín dụng thuế cho sản xuất quốc tế (lên tới 40%)…Ông Jeremy Segay còn nhấn mạnh những đặc điểm mang tính hệ thống như bất kỳ thực thể nào tạo ra hoạt động kinh tế tại Pháp từ nội dung điện ảnh và nghe nhìn phải đóng góp vào việc tài trợ cho việc sáng tạo điện ảnh và nghe nhìn của Pháp.

Theo nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào văn hóa nhưng việc đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ, đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan, do vậy vẫn chưa xây dựng được chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư. Kết quả là những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó.

Sau phần trình bày tham luận, trong phiên thảo luận bàn tròn các đại biểu cùng các diễn giả đã đề cập đến những vấn đề hết sức cụ thể, đó là các nhu cầu thực tiễn về tiếp cận nguồn lực đầu tư và tài trợ công của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và những nỗ lực chủ động của họ trong việc vượt qua các rào cản về mặt cơ chế chính sách, về hạn chế nguồn lực...

Các nhà khoa học, đại biểu thảo luận bàn tròn

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, các giải pháp nên tập trung vào các vấn đề đầu tư xây dựng và nâng cao cơ sở hạ tầng, năng lực của đội ngũ sáng tạo. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cả cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước để có thể đồng cảm hơn, hợp tác hiệu quả, cùng tạo ra được môi trường thúc đẩy sáng tạo.

Từ các mô hình quốc tế về đầu tư cho văn hóa một cách hiệu quả của Nhật Bản, Hàn Quốc, TS Hà Huy Ngọc cho rằng, Thủ đô Hà Nội cần tập trung xây dựng các “điểm nhấn văn hóa” để phát huy “sức mạnh mềm” của nền văn hiến nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, phải có chiến lược đầu tư xứng tầm cho văn hoá gắn với sự hành động thật sự của cả hệ thống chính trị; có các cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cụ thể để phát triển văn hóa sáng tạo.

Tương tự, từ bài học kinh nghiệm Hy Lạp, nghệ sỹ Nguyễn Quốc Hoàng Anh còn đề xuất, Việt Nam có thể học hỏi cách Hy Lạp khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động văn hóa, đó là không chỉ tài trợ mà còn đóng góp vào việc phát triển các sáng kiến văn hóa sáng tạo bằng cách tạo nên các cơ chế đặc thù như: giảm thuế cho các ngành được bảo trợ cụ thể, các dự án phối hợp công tư PPP, giao địa điểm công cho doanh nghiệp vận hành...

Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cần dựa trên sự hợp tác hiệu quả cả từ nhà nước và cộng đồng tư nhân. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách bảo tồn kết hợp thương mại hóa, bảo vệ di sản đi đôi với khai thác hiệu quả tiềm năng từ du lịch văn hóa, và cuối cùng là tạo ra các mô hình bảo trợ bền vững bền vững, giúp các tổ chức văn hóa duy trì hoạt động lâu dài mà không phải phụ thuộc vào các khoản tài trợ ngắn hạn.

Phát biểu tổng kết, bế mạc tại Hội thảo TS.KTS Phạm Tuấn Long xin ghi nhận tất cả các ý kiến trao đổi từ các góc độ tiếp cận khác nhau của các đại biểu tham dự, đồng thời hy vọng rằng những vấn đề đặt ra từ Hội thảo sẽ không chỉ dừng lại ở diễn đàn này, mà sẽ trở thành một phần của quá trình vận động và xây dựng, thực thi có hiệu quả các chính sách về đầu tư công cho văn hóa, cũng như đối với việc khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia, đóng góp, chung tay đầu tư cho ngành văn hóa từ khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế và các cá nhân trong thời gian tới.

Buổi Hội thảo kết thúc vào lúc 12h15 phút

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Tin, ảnh: Phương Lan

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục