Sáng ngày 16/12, Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Viện Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa” nhằm thảo luận, tổng hợp các ý kiến về hợp tác công tư trong văn hóa; một số mô hình, kinh nghiệm tham khảo trên thế giới; điển hình hợp tác công - tư trên một số lĩnh vực và việc thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trên lĩnh vực văn hóa được thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM; TS. Tom Fleming, Giám đốc Công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế sáng tạo và văn hóa; Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM; ThS Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; ThS Trần Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ; các Sở, ban, ngành tại TP.HCM; các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp, các nghệ sĩ, cộng đồng thực hành sáng tạo và đại diện các cơ quan báo chí truyền thông…
Quang cảnh Hội thảo.
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTQGVN đã chỉ rõ, Hợp tác công - tư hiểu theo nghĩa rộng là hình thức thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia vào phát triển lĩnh vực, ngành phù hợp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của địa phương. Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi nguồn lực công còn hạn chế thì việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển các lĩnh vực quan trọng như lĩnh vực hạ tầng giao thông, dịch vụ công ích và dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục… là rất cần thiết. Trong phương thức hợp tác này, hai bên công - tư bình đẳng tham gia đóng góp tài nguyên, tư liệu sản xuất và cùng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro để hướng đến phục vụ lợi ích cho cộng đồng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá luôn giữ vị trí quan trọng, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển bền vững đất nước. Đảng và Nhà nước đặt ra chủ trương, chính sách phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện quan điểm “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ chế, chính sách và sự đầu tư cho lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, một mặt do nguồn lực công còn hạn chế, mặt khác do chưa khai thác và tận dụng khu vực tư nhân để đầu tư phát triển văn hoá có hiệu quả. Việc thúc đẩy hợp tác công - tư được kỳ vọng sẽ tạo ra những giá trị văn hóa mới, phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hoá, sản phẩm văn hoá, đồng thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quốc gia.
Hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hoá” do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Sau gần 2 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 30 tham luận từ phía các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là doanh nghiệp và những chủ thể sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn để hợp tác công - tư trên lĩnh vực văn hóa đồng thời đưa ra những giải pháp để hoàn thiện và đồng bộ khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi triển khai có hiệu quả đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, cụ thể gồm:
+ Những vấn đề mang tính lý luận về hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hoá, với những đặc thù riêng.
+ Phân tích, đánh giá về khung khổ pháp lý và hình thức triển khai thực hiện hợp tác công - tư ở Việt Nam hiện nay.
+ Đánh giá thực trạng hợp tác công - tư đối với từng lĩnh vực văn hoá cụ thể và những kết quả đạt được.
+ Những mô hình, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về triển khai hình thức hợp tác công - tư và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
+ Các giải pháp đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn về khung khổ pháp lý và những điểm nghẽn trong hợp tác công - tư về văn hóa.
Tại Hội thảo, ThS Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tham luận Hợp tác công - tư trong văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp cấp địa phương trong bối cảnh Việt Nam; TS. Tom Fleming, Giám đốc Công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế sáng tạo và văn hóa với chủ đề Public private partnerships in culture (Hợp tác công - tư trong văn hóa); PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long, Đại học quốc tế RMIT Việt Nam trình bày Hợp tác công tư trong phát triển văn hoá: Một số mô hình tham khảo trên thế giới; ThS Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng với góc nhìn Chính sách và vấn đề hợp tác công - tư trên lĩnh vực phim ảnh; GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ ChíMinh với tham luận Hợp tác công- tư trong lĩnh vực mỹ thuật TP.HCM (Thực trạngvà giải pháp) và Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM trình bày tham luận Hỗ trợ vốn đầu tư phát triển vănhóa theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của quốc hội về thí điểm cơ chế,chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh…
Đại diện đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.
Các ý kiến của các đại biểu đóng góp tại hội thảo khẳng định, Hợp tác công - tư trong văn hoá không chỉ là thu hút nguồn đầu tư tư nhân phát triển cơ sở vật chất, mà cần nhìn nhận sự hợp tác trên nhiều khía cạnh khác nhau cả về nguồn nhân lực, trí tuệ, sản phẩm dịch vụ tạo ra và sự sáng tạo. Giá trị mang lại của hợp tác công - tư không chỉ là lợi ích về kinh tế, mà giá trị tinh thần, sự phát triển văn hoá của cộng đồng trong dài hạn. Bên cạnh đó, việc thực hiện hợp tác công - tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, tổ chức doanh nghiệp tham gia đầu tư và phát triển văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào hành lang pháp lý. Đây là lĩnh vực được thực hiện và điều chỉnh trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, đánh giá thực trạng hợp tác công - tư đối với từng lĩnh vực văn hoá cụ thể và những kết quả đạt được là chủ đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và trực tiếp là những chủ thể hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa quan tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, chưa khai thác có hiệu quả các nguồn lực hợp tác và phát triển công - tư, cụ thể như nguồn nhân lực, quảng cáo, điện ảnh, bảo tồn di sản, công nghệ, mỹ thuật, bảo tàng, nghệ thuật biểu diễn, thư viện...
Về những kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển đã triển khai và thực hiện thành công về hợp tác công - tư, xem hợp tác công tư là một thành tố của sự phát triển văn hóa. Các ý kiến của các chuyên gia như TS Tom Fleming, PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long và các trao đổi về mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ.. và một trong những bài học nổi bật mà Tom Fleming chia sẻ là các dự án quốc tế như Tate Moderm (Anh), La Villette (Pháp) và West Kowloon (Hồng Kông) về sự kết hợp hiệu quả giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa. Tác giả còn nhấn mạnh, hợp tác công - tư không chỉ tăng cường nguồn lực mà còn tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa.
Ban tổ chức Hội thảo cũng nhận được nhiều giải pháp đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn về khung khổ pháp lý và những điểm nghẽn trong hợp tác công - tư về văn hóa. Trong đó đề ra các giải pháp để hoàn thiện, đồng bộ hóa về khung khổ pháp lý, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với từng lĩnh vực và đảm bảo tính đặc thù của lĩnh vực văn hóa. Đó là hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa không chỉ huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước, mà còn là việc trao quyền cho khu vực tư nhân và công chúng trong việc thực hiện, lựa chọn các hoạt động văn hóa.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đã chia sẻ, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để nhà nghiên cứu, cơ quan thực thi chính sách và các chủ thể là doanh nghiệp, nhà sáng tạo văn hóa… trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp có liên quan. Thông qua đó, đơn vị chủ trì hội thảo có cơ sở tham mưu từ cấp độ địa phương và trung ương chính sách phù hợp, để chính sách đi vào thực tiễn và góp phần thích đẩy ngành văn hóa phát triển bền vững.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương mong rằng những đóng góp bổ ích thu được từ Hội thảo sẽ là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp đưa vào vận hành trong Hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa. Với những đóng góp quý báu của các đại biểu, đại diện các sở, ban, ngành; các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp, các nghệ sĩ, cộng đồng thực hành sáng tạo và đại diện các cơ quan báo chí truyền thông đã dành sự quan tâm viết bài tham luận; sự phối hợp tổ chức Hội thảo của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nên sự thành công của Hội thảo khoa học “Hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa”.
Tin: Lã Lương
Ảnh: Anh Tuấn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục