Từ ngày 10 đến 13.4.2025, tại thành phố Dangjin (tỉnh Chungcheongnam-do, Hàn Quốc), hội nghị quốc tế kỷ niệm 10 năm “Nghi lễ và trò chơi kéo co” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chính thức diễn ra,do chính quyền thành phố Dangjin đăng cai và Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản Văn hóa Phi vật thể tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dưới sự bảo trợ của UNESCO (viết tắt là ICHCAP) phối hợp tổ chức. Sự kiện đã quy tụ đại diện bốn quốc gia đồng sở hữu di sản là Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam, cùng các chuyên gia di sản văn hóa phi vật thể ở các nước và đại diện của UNESCO.
Nghi lễ và trò chơi kéo co - biểu tượng của sự gắn kết, đa dạng văn hóa và khát vọng về một thế giới hòa hợp
Phát biểu khai mạc, ông Kim Jisung – Tổng Giám đốc ICHCAP – nhấn mạnh ý nghĩa của nghi lễ và trò chơi kéo co như một biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, niềm tin, sự sáng tạo và khát vọng về cuộc sống hoà bình, thịnh vượng. Ông bày tỏ sự trân trọng đối với nỗ lực chung của bốn quốc gia trong hơn một thập kỷ qua, từ khi hồ sơ di sản được bắt đầu chuẩn bị và hy vọng hội nghị quốc tế này sẽ đánh dấu một bước khởi đầu mới cho những hợp tác tiếp theo về bảo vệ, phát huy bền vững di sản.
Ảnh 1: ông Kim Jisung -Tổng giám đốc ICHCAP (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm chung với các đại biểu Campuchia, Philippines, Việt Nam và cán bộ của ICHCAP
Ông Oh Seong-hwan - Thị trưởng thành phố Dangjin cũng gửi lời chào đón nồng nhiệt tới các vị khách quốc tế đến tham gia hội thảo và lễ hội Kéo co Gijisi – một trong những thực hành tiêu biểu của di sản Nghi lễ và Trò chơi Kéo co tại Hàn Quốc. Ông cho rằng việc ghi danh chung và nỗ lực bảo vệ di sản trong suốt một thập kỷ qua đã làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết văn hoá trong khu vực, làm cho sự kiện không chỉ là tâm điểm của đời sống văn hoá địa phương, mà còn trở thành một diễn đàn thiết thực và ý nghĩa về giao lưu văn hoá quốc tế.
Ảnh 2: Ông Oh Seong-hwan - Thị trưởng thành phố Dangjin phát biểu trong nghi lễ khai mạc Lễ hội Kéo co Gijisi
Ảnh 3: Đại diện của bốn quốc gia tham gia vào nghi thức kết nối
hai sợi dây trong Lễ khai mạc của Lễ hội Kéo co Gijisi
Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều phiên thảo luận chuyên sâu đã được tổ chức, tập trung vào việc nhìn nhận lại chặng đường 10 năm di sản chung được bảo tồn, phát huy, lan toả giá trị, cũng như thảo luận về ý nghĩa của việc ghi danh di sản đa quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thuỷ, Viện Văn hoá Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tham gia vào phiên họp với chủ đề: “Nhìn lại một thập kỷ nỗ lực ghi danh chung”, chia sẻ những trải nghiệm và những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình kết nối làm việc, tham gia vào quá trình biên soạn hồ sơ đa quốc gia, thảo luận về ý nghĩa của việc ghi danh chung này, cũng như những động lực và thách thức đặt ra trong các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản ở Việt Nam sau khi được UNESCO công nhận.
Ảnh 4: Các đại biểu trong phiên thảo luận thứ nhất: “Nhìn lại một thập kỷ nỗ lực ghi danh chung” dưới sự điều phối của bà Hwang Jihae, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Di sản Văn hóa Hàn Quốc
Ảnh 5: Một số hình ảnh về phiên thảo luận “Ý nghĩa của di sản chung và sự ghi danh đa quốc gia như một sáng kiến của UNESCO” do ông Kwon Huh - nguyên Tổng Giám đốc ICHCAP điều phối
Với sáng kiến tiên phong của Hàn Quốc về đệ trình di sản Nghi lễ và Trò chơi Kéo co và sự nỗ lực, đồng thuận của các quốc gia, nhiều công trình nghiên cứu và hoạt động giao lưu, hợp tác về di sản đã được triển khai hiệu quả trong một thập kỷ qua. Một số ví dụ điển hình như: các bài viết về di sản được công bố trên tạp chí hàng quý của ICHCAP (*) hay cuốn sách chuyên khảo về “Nghi lễ và trò chơi kéo co - một di sản chung, nhiều cách tiếp cận” (Tugging rituals and games - A common element, diverse approach) đã được ICHCAP và Thành phố Dangjin, Jeonju, Hàn Quốc xuất bản vào năm 2019 (**). Ngoài ra, nhiều hội thảo, toạ đàm, sự kiện giao lưu, trình diễn đã được các hiệp hội di sản và các cộng đồng cùng chung tay tổ chức, trong sự phối hợp với ICHCAP và chính quyền địa phương, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về Nghi lễ và Trò chơi Kéo co như một di sản văn hoá phi vật thể độc đáo ở châu Á. Đây là một biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng và những ước nguyện chung về sự thịnh vượng, phản ánh sinh động bối cảnh sinh thái, lịch sử, văn hoá của mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng. Với những nét tương đồng và những sắc thái riêng phong phú, những tầng ý nghĩa sâu sắc và sự phổ biến trong thực hành, Nghi lễ và Trò chơi Kéo co là một minh chứng sống động cho bức tranh văn hoá thống nhất trong đa dạng của khu vực Đông Á và Đông Nam Á ***.
Ảnh 6. Di chuyển dây kéo đến khu vực tiến hành kéo co tại Lễ hội kéo co Gijisi
Ảnh 7. Nghi lễ tế thần, cầu an diễn ra vào ngày đầu tiên của lễ hội kéo co Gijisi. Theo các nghiên cứu, nghi lễ và trò chơi kéo co gắn chặt với bối cảnh văn hóa, xã hội của các khu vực trồng lúa ở Đông Á và Đông Nam Á, nơi người dân sống gần gũi với nhau và sự hợp tác hài hòa đóng vai trò then chốt trong việc duy trì cuộc sống
Gìn giữ sức sống của di sản
Lễ hội kéo co Gijisi, Hàn Quốc là một trong những hoạt động trọng điểm trong chuỗi sự kiện này. Với lịch sử hàng trăm năm, lễ hội tái hiện sinh động những nghi thức dân gian truyền thống, đồng thời mang hơi thở đương đại qua nhiều hoạt động đa dạng như: Lễ tế thần, nghi thức luồn dây, cho đến các trò chơi dân gian, trình diễn nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc, vườn công nghệ ánh sáng, hội chợ ẩm thực - hàng hoá và các màn trình diễn máy bay trên không... Hàng nghìn người dân tham gia vào Lễ hội được tiếp thêm nguồn năng lượng vừa linh thiêng vừa thế tục của di sản có bề dày lịch sử hàng trăm năm này ****. Dây kéo khổng lồ của Gijisi Juldarigi được tết từ khoảng 30.000 bó rơm, nặng gần 40 tấn, với đường kính 1 mét và dài tới 200 mét. Đặc biệt, trong không gian của lễ hội, Bảo tàng kéo co Gijisi Juldarigi đem đến một “ống kính vạn hoa” về nghi lễ và trò chơi kéo co của các nước trong khu vực Châu Á, cũng như giúp công chúng du hành ngược thời gian tìm hiểu về truyền thống kéo co cổ xưa của Hàn Quốc*****.
Ảnh 8: Các đại biểu Việt Nam chụp ảnh trong khu trưng bày về kéo co Việt Nam tại bảo tàng Kéo co Gijisi Juldarigi
Ảnh 9. Một trò chơi và trình diễn dân gian trong Lễ hội
Ảnh 10. Hành động kết nối dây đực với dây cái được tiến hành trang trọng như một biểu tượng phồn thực, với mong ước về mùa màng bội thu, người an vật thịnh, mọi vật đều sinh sôi, nảy nở
Ảnh 11. Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong hội thảo
Di sản văn hóa Nghi lễ và Trò chơi Kéo co - cầu nối của sự hợp tác quốc tế
Hội nghị quốc tế kỷ niệm 10 năm di sản Nghi lễ và Trò chơi Kéo co được ghi danh là dịp quan trọng để thúc đẩy đối thoại và nâng cao nhận thức về giá trị di sản này. Đây không chỉ là cơ hội để ôn lại hành trình đầy tự hào của bốn quốc gia tham gia vào hồ sơ chung, mà còn là cam kết mạnh mẽ của các quốc gia đồng sở hữu trong việc gìn giữ, phát huy và trao truyền lại di sản cho thế hệ mai sau. Với những điểm tương đồng sâu sắc và sự phong phú trong sắc thái văn hóa, hội nghị khơi dậy tầm nhìn và khát vọng chung về bảo tồn và phát huy di sản này trong khu vực, trở thành biểu tượng sống động của sự thống nhất trong đa dạng, hòa bình và thịnh vượng. Đồng thời, hội nghị tiếp tục mở ra những cơ hội mới cho hợp tác đa quốc gia trong bảo vệ và phát huy di sản này trong tương lai.
Ghi chú:
** https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000389347
***https://dsvh.gov.vn/Upload/files/5526_Tuong%20dong%20va%20di%20biet%20trong%20nghi%20le%20va%20tro%20choi%20keo%20co%20o%20Han%20Quoc%20Philippin%20va%20Campuchia.pdf
**** http://giji.sangsangis.co.kr; https://www.dangjin.go.kr/en/sub03_02_03.do
Tin: Đỗ Thị Thanh Thuỷ
Ảnh: ICHCAP và đồng nghiệp cung cấp
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục