Chiều 8.4, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) phối hợp với Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa".
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VHNTTTDL Việt Nam (VICAST) cho rằng: sức mạnh mềm văn hóa không chỉ là một khái niệm đơn thuần, mà còn là yếu tố cốt lõi trong việc định hình hình ảnh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp và ngay cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành công trong sử dụng sức mạnh mềm để gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Việt Nam, với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh này nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.
Chương trình tập trung thảo luận về khái niệm “sức mạnh mềm” (soft power) do Giáo sư Joseph Nye (Mỹ) đưa ra, nhấn mạnh khả năng gây ảnh hưởng thông qua văn hóa, tư tưởng, truyền thông và công nghệ số. Hai diễn giả chính là TS. Frédéric Martel - nhà văn và giảng viên đại học ZHdK, Zurich và PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện VHNTTTDL Việt Nam.
TS. Frédéric Martel: Chính sách văn hóa tốt sẽ tạo ra những sản phẩm văn hóa tốt, những nghệ sỹ có tài, góp phần hình thành sức mạnh mềm văn hóa
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Frédéric Martel nhận xét, bối cảnh của Việt Nam hiện tại và Pháp những năm sau Thế chiến thứ II có nhiều điểm tương đồng. Thị trường văn hóa 2 nước phát triển trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh của những cường quốc về văn hóa như Mỹ. “Trong Thế chiến thứ II, đất nước của chúng tôi bị tàn phá. Người Mỹ đến và nói rằng sẽ giúp chúng tôi tái thiết đất nước, nhưng với điều kiện phải để phim Mỹ (khi đó đang là kỷ nguyên vàng của Hollywood) xâm nhập tự do vào thị trường Pháp. Điều đó khiến có thời gian ở Pháp tràn ngập phim Mỹ, khiến nền sản xuất phim ảnh nội địa của chúng tôi chịu sự cạnh tranh lớn”.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã đề ra những chính sách để điều chỉnh thị trường. Chẳng hạn như mỗi vé bán ra phải chịu mức thuế 13%. Tiền thuế thu được từ phim điện ảnh được tái đầu tư giúp điện ảnh Pháp phát triển. Thị trường càng có nhiều phim thì quỹ hỗ trợ cho nền sản xuất nội địa càng có nhiều tiền để tái phân bổ cho các dự án phim Pháp. Nhờ đó mà hiện nay chúng tôi có được tỉ lệ: 40 - 45% phim chiếu rạp hiện nay là phim Pháp. Có thể nói, điện ảnh Pháp phát triển là nhờ nguồn thuế có được từ phim Mỹ nhập khẩu” - TS Martel cho biết.
Ông Martel cũng nhấn mạnh rằng, văn hóa không giống các sản phẩm nông nghiệp như hạt tiêu, đậu phụ... văn hóa cần được bảo hộ để chống lại các tác hại của quy luật kinh tế thị trường. Vị chuyên gia Pháp cho biết, ông từng tới Trung Quốc, Hàn Quốc… có dịp nghe các vị lãnh đạo và nhà làm chính sách của họ kể chuyện, và nhận ra quốc gia nào cũng phải đối mặt với những vấn đề giống nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa: sự xâm lăng về văn hóa.
“Khi tôi sang Trung Quốc, tôi có dịp gặp gỡ một vị nữ chủ tịch đứng đầu cơ quan Hiệp hội điện ảnh quốc gia. Bà ấy chia sẻ về những chính sách giúp bảo hộ nền điện ảnh nội địa trước sự tràn lan của văn hóa ngoại nhập. Tôi thấy những chia sẻ của bà ấy hoàn toàn giống những điều tôi từng được nghe từ một vị giám đốc Disney, hãng phim hàng đầu thế giới. Điều đó có nghĩa là, quốc gia nào - dù là phương Đông hay phương Tây - cũng đều cần vận dụng những chính sách linh hoạt để bảo hộ cho các sản phẩm văn hóa bản địa”.
TS Frédéric Martel cũng nhấn mạnh, đối với việc phát triển văn hóa và CNVH ở mỗi quốc gia thì các thành tố tham gia đều cần nhận thức rõ vai trò của mình. Nhà nước, bằng các công cụ chính sách cần phải làm tốt vai trò điều tiết và hỗ trợ (trực tiếp hoặc gián tiếp) để làm đa dạng hóa các thực thể của nền văn hóa. Có những lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm như múa, opera, thư viện, bảo tàng... nếu nhà nước không hỗ trợ thì rất khó tồn tại. Các tổ chức xã hội dân sự và các cơ sở giáo dục cũng cần làm tốt vai trò của mình, trong đó các cơ sở giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng để đào tạo ra đội ngũ nghệ sỹ, cho phép diễn ra những phép thử sai liên tục trong quá trình hình thành các trào lưu và sản phẩm văn hóa. Tất cả các yếu tố đó đều có đóng góp lớn để hình thành sức mạnh mềm văn hóa của một quốc gia.
Ông Martel gợi ý, để Việt Nam trở thành một nhân tố chủ đạo trong sức mạnh mềm toàn cầu cần phát triển mạnh mẽ thị trường văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Việt Nam cũng cần tham gia một cách tích cực vào các tổ chức và công ước quốc tế để bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Vừa cần bảo vệ nền văn hóa trước các tác động bên ngoài, vừa phải thúc đẩy sức mạnh nội sinh từ bên trong của nền văn hóa bản địa.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Cần có chiến lược phát triển văn hóa đồng bộ và linh hoạt để nâng cao vị thế văn hóa quốc gia trên trường quốc tế
Cũng tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, chuyên gia về sức mạnh mềm văn hóa nhận định rằng, trong những năm qua Đảng và Nhà nước Việt Nam đề cao và có nhiều chính sách phát triển văn hóa. Xét về tiềm năng, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia giàu có về văn hóa với 8 trụ cột bao gồm: danh nhân và giá trị văn hóa; tổ chức văn hóa cộng đồng; không gian và nền tảng văn hóa; di sản văn hóa phi vật thể; di sản văn hóa vật thể; di sản thiên nhiên; lễ hội và sự kiện; nhân lực và sản phẩm văn hóa.
Nhận diện hiệu quả chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam, Bà Phương nhận xét, sự phối hợp giữa các kênh truyền thông, ngoại giao văn hóa và một số ngành công nghiệp văn hóa đã từng bước tạo nên sức lan tỏa của hình ảnh quốc gia, thương hiệu địa phương và bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) chưa phát huy được hết khả năng chuyển đổi từ các nguồn tài nguyên và thành tố thành sức mạnh mềm văn hóa.
“Thời gian qua, dù du lịch văn hóa và điện ảnh có nhiều tiến bộ, nhưng các ngành CNVH Việt Nam nhìn chung chưa khai thác hết các tài nguyên văn hóa để chuyển hóa thành sức mạnh mềm. Năm 2019 và 2022, công nghiệp văn hóa sáng tạo đóng góp lần lượt 3,61% và 4,04% GDP, chưa phản ánh hết tiềm năng sức mạnh mềm. Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng (68% lao động năm 2023), trong đó tầng lớp trung lưu chiếm số lượng lớn, là thị trường tiềm năng, nhưng sản phẩm văn hóa nội địa thua kém hàng ngoại. Thị trường văn hóa trong nước cũng bị lấn át bởi sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Công nghiệp văn hóa thiếu kết hợp sáng tạo, công nghệ, bản quyền, chưa tạo thương hiệu mạnh vươn ra quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
Để góp phần hiệu quả hơn trong việc chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa bản địa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương gợi mở một số giải pháp như: Cần lựa chọn những kênh truyền dẫn phù hợp tạo sức hấp dẫn, thu hút trong quan hệ quốc tế. Cần xác định sức mạnh mềm văn hóa là công cụ chính sách đối ngoại quan trọng trong địa chính trị. Việt Nam đối mặt thách thức nhưng có động lực xây dựng khung lý thuyết chuyển hóa tài nguyên thành sức mạnh mềm. Việt Nam cần tính toán nguồn lực mềm, ưu tiên kênh truyền dẫn phù hợp để đạt mục tiêu ngắn và dài hạn.
Dẫn một vài ví dụ sản phẩm CNVH Việt Nam gần đây như MV Bắc Bling (Hòa Minzy), Gieo quẻ (Hoàng Thùy Linh) đã được những người nổi tiếng nước ngoài tái hiện một cách thích thú, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng những sản phẩm cực kì sáng tạo và thu hút của các nghệ sỹ trẻ góp phần khiến hình ảnh Việt Nam trở nên cuốn hút và hấp dẫn hơn trong mặt bạn bè quốc tế, là ví dụ sinh động cho phát huy giá trị sức mạnh mềm Việt Nam./.
Bài: Anh Tuấn. Ảnh: AnhTuấn, Lã Lương, Trần Đình Huy.
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục