Chương trình đối thoại “Sức mạnh mềm văn hóa” tại Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam

Ngày đăng: 09/04/2025 Lượt xem: 191
Mặc định Cỡ chữ

Chiều 8.4, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) phối hợp với Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa". Diễn giả của chương trình là PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam và TS. Frédéric Martel, Nhà văn và giảng viên đại học ZHdK, Zurich.

Tham dự chương trình đối thoại còn có Ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cùng các cán bộ và đại diện của Viện Pháp; đại diện Cục Hợp tác quốc tế; Nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên, cán bộ của Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các học giả thảo luận về tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời là cơ hội để các chuyên gia đưa ra các giải pháp và chính sách cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, từ đó góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.


Quang cảnh chương trình đối thoại

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTTTDL Việt Nam (VICAST) chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp và ngay cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành công trong sử dụng sức mạnh mềm để gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, Việt Nam không chỉ có nhu cầu tìm hiểu mà còn xác định phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong khu vực và mở rộng khả năng quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam ra thế giới. Để làm được điều đó, Việt Nam cần phải tìm ra các giải pháp có khả năng phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa. Trong quá trình “tìm tòi, đổi mới” này, việc tiếp thu những gợi mở hữu ích đến từ các cường quốc văn hóa lớn, đồng thời chú trọng các kinh nghiệm từ các quốc gia đã vươn lên mạnh mẽ trở thành cường quốc sức mạnh mềm văn hóa là cần thiết.

Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới sâu rộng, những vấn đề về giao lưu, hội nhập, tiếp nhận văn hóa, hay xâm lăng, chống đỡ, hóa giải các yếu tố văn hóa ngoại lai có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với sự phát triển của nền văn hóa cũng đòi hỏi các nhà hoạch định chiến lược phải có những thay đổi về tư duy, tầm nhìn, đường lối, chính sách để phát huy sức mạnh mềm văn hóa cho thích ứng với tình hình mới.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của truyền thông trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang có những tác động đa chiều, đặc biệt là đối với các công cụ truyền thông mới đã làm biến đổi thế giới, khiến cho quá trình toàn cầu hóa văn hóa diễn ra nhanh chóng hơn. Song cũng phát sinh nhiều vấn đề khiến Việt Nam không thể nắm bắt, kiểm soát và thích ứng được nhất là trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Chính vì vậy, những thay đổi không ngừng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết và góp phần tạo nên sự thay đổi về nhận thức và quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc xác định phát huy sức mạnh mềm văn hóa như là một giải pháp tiên quyết nhằm định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới từ đó nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, khả năng hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương hy vọng rằng tại chương trình đối thoại này, toàn thể đại biểu tham dự sẽ không chỉ dừng lại ở việc thảo luận mà tiếp theo sẽ có những hành động cụ thể, thiết thực, đề ra những giải pháp mới mẻ, giúp phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập quốc tế

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNTTTDL Việt Nam (VICAST)

Về phía Viện Pháp, đơn vị đồng tổ chức, ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội phát biểu rằng, sức mạnh mềm là một “tài sản chiến lược” mà bất kỳ quốc gia nào cũng cần quan tâm, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư khai thác. Tuy nhiên các quốc gia không thể áp dụng, sao chép từ mô hình của nước khác sang nước mình mà phải phát triển bằng chính bản sắc riêng của dân tộc. ông Franck Bolgiani chia sẻ, Viện Pháp mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, cụ thể trong các hoạt động như hội họa, hoạt hình, truyện tranh, sách, các chương trình biểu diễn nghệ thuật...

ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội

Trong bài tham luận của TS. Frédéric Martel, Nhà văn và giảng viên đại học ZHdK, Zurich đã đi sâu về lợi ích và giới hạn của khái niệm sức mạnh mềm trong bối cảnh toàn cầu. Theo ông, văn hóa không chỉ là sản phẩm truyền thống mà còn có thể lan tỏa mạnh mẽ trêng mạng Internet sang các quốc gia khác qua những sản phẩm đương đại như món ăn, âm nhạc, điện ảnh. Với sự phát triển không ngừng của mạng interrnet, các từ “toàn cầu” và “số hoá” đang được thúc đẩy mạnh mẽ, thế giới trên mạng internet là một thế giới không giới hạn, không phân chia khoảng cách, địa lý, văn hoá giữa các quốc gia sẽ được giao lưu, du nhập… sức mạnh mềm có thể ở bất cứ đâu. Việt Nam đã có những sản phẩm thể hiện sức mạnh mềm văn hóa, tạo ảnh hưởng trên trường quốc tế như các món phở, bún chả. Hay gần đây có thể kể đến như MV ca nhạc Bắc Bling, bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đang tạo sức hút lớn.

TS. Frédéric Martel đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Pháp trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Đối với Việt Nam phát triển văn hóa và CNVH thì các thành tố tham gia đều cần nhận thức rõ vai trò của mình. Nhà nước và các cấp quản lý, bằng các công cụ chính sách cần phải làm tốt vai trò điều tiết và hỗ trợ để làm đa dạng hóa các thực thể của nền văn hóa. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần hiểu rõ và nắm bắt được những tiềm ẩn, nguy cơ trên mạng xã hội để bảo mật an toàn thông tin khi cần thiết. Quá trình hình thành các trào lưu và sản phẩm văn hóa, đội ngũ nghệ sỹ, tổ chức thực hiện cần được tư vấn, làm đúng hướng, tận dụng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của mình để tạo ra những sản phẩm văn hóa hấp dẫn, có sức lan tỏa, tạo ảnh hưởng trên thế giớinhưng luôn đảm bảo lưu ý văn hóa là một sản phẩm đặc thù cần có sự bảo vệ, điều tiết để chống lại những tác động bất lợi của quy luật thị trường.

Diễn giả, TS. Frédéric Martel, Nhà văn và giảng viên đại học ZHdK, Zurich

Tại buổi đối thoại, giao lưu, trao đổi ý kiến, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng học giả trong nước và quốc tế đã thảo luận về vai trò, vị trí của văn hóa và CNVH trong sự phát triển của quốc gia, cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế.

Các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi hữu ích như: Đánh giá về chiến lược phát triển CNVH tại Việt Nam hay Vai trò của Internet, tầm quan trọng, cách thức áp dụng trong việc lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa.v.v...

Diễn giả, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - chuyên gia về sức mạnh mềm văn hóa đã giải đáp về 12 ngành công nghiệp văn hóa; với 8 trụ cột bao gồm: danh nhân và giá trị văn hóa, tổ chức văn hóa cộng đồng, không gian và nền tảng văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên, lễ hội và sự kiện, nhân lực và sản phẩm văn hóa. Năm 2019 và 2022, công nghiệp văn hóa sáng tạo ước đạt 4,04% GDP. Con số này chưa phản ánh hết tiềm năng sức mạnh mềm và muốn tăng trưởng thành 2 con số đòi hỏi các thành phố lớn tại Việt Nam cùng vào cuộc. Hiện nay thị trường văn hóa trong nước vẫn bị lấn át bởi sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Công nghiệp văn hóa thiếu kết hợp sáng tạo, công nghệ, bản quyền, chưa tạo thương hiệu mạnh vươn ra quốc tế

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng gợi mở một số giải pháp góp phần hiệu quả hơn trong việc chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa bản địa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế như: thực hiện cam kết với địa phương, cam kết quốc tế; Chính phủ sớm có sự điều chỉnh chính sách bởi Việt Nam đối mặt nhiều thách thức và cần xây dựng khung lý thuyết chuyển hóa tài nguyên thành sức mạnh mềm…

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương còn đưa ra một số sản phẩm CNVH Việt Nam gần đây đang có ảnh hưởng mạnh mẽ tới công chúng như MV Bắc Bling của ca sỹ Hòa Minzy, Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh… đã được những người nổi tiếng nước ngoài tái hiện rộng rãi; Những bộ phim nổi tiếng của Việt nam được phát trên các chuyến bay Vietnamairline như: Bao giờ cho đến tháng 10, Mùa lúa chín, Mùa ổi… hoặc những sản phẩm tranh Đông hồ được vẽ, thêu trên nền áo dài dân tộc… Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, những sản phẩm cực kì sáng tạo và thu hút này đã góp phần khiến hình ảnh Việt Nam trở nên cuốn hút và hấp dẫn hơn trong mặt bạn bè quốc tế, và cũng là ví dụ sinh động cho phát huy giá trị sức mạnh mềm Việt Nam.

Giải đáp một số câu hỏi của học giả, TS. Frédéric Martel chia sẻ, trong thế giới toàn cầu hóa, các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có dư địa để phát huy sức mạnh mềm văn hóa của mình. Tại Việt Nam ông thực sự ấn tượng với bề dày văn hóa của Việt Nam. TS. Frédéric Martel đã đưa dẫn chứng, hình ảnh như phở bò, bún chả - là những ẩm thực nổi tiếng Việt Nam hay dẫn chứng về sự phát triển của điện ảnh, âm nhạc và nghệ thuật thị giác với những gương mặt mới đầy triển vọng, đây chính là biểu hiện sức mạnh mềm tiềm ẩn của Việt Nam. Ông gợi ý thêm, Việt Nam cũng cần tham gia một cách tích cực vào các tổ chức và công ước quốc tế để bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Vừa cần bảo vệ nền văn hóa trước các tác động bên ngoài, vừa phải thúc đẩy sức mạnh nội sinh từ bên trong của nền văn hóa bản địa.

TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam

Phát biểu bế mạc chương trình đối thoại “Sức mạnh mềm văn hóa”, TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định, qua buổi đối thoại, với những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các diễn giả cùng các thảo luận vô cùng hữu ích của các học giả… chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về cách thức mà các quốc gia khác đã thành công trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Trên cơ sở đó, học hỏi, vận dụng đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và phát huy sức mạnh văn hóa nhằm định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới từ đó nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, khả năng hội nhập quốc tế.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Tin; Ảnh: Lã Lương

Bình luận