Sáng ngày 24/12/2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Đỗ Quang Minh với đề tài: Chính sách đầu tư và tài trợ của nhà nước cho văn hóa tại Việt Nam, chuyên ngành: Quản lý văn hóa, mã số: 9229042, do PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy hướng dẫn.
Quang cảnh Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS Đỗ Quang Minh
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để định hướng phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường sản phẩm văn hóa.Trong đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 đóng góp khoảng 7% GDP cả nước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong phát triển văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa còn gặp nhiều thách thức, cách xa các mục tiêu chi đầu tư cho văn hóa của Đảng và Nhà nước, dẫn đến việc văn hóa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thậm chí trong nhiều trường hợp, không theo kịp được tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hút, huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật một cách hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đề ra là bài toán khó đối với những nhà hoạch định chính sách.
Với mong muốn đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về thu hút, huy động và phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật một cách hiệu quả, NCS Đỗ Quang Minh đã lựa chọn đề tài nghiên cứu Chính sách đầu tư và tài trợ của nhà nước cho văn hóa tại Việt Nam làm luận án tiến sĩ của mình.
NCS Đỗ Quang Minh.
Để thực hiện đề tài nghiên cứu của luận án, NCS đã tiến hành hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và cơ sở lý luận về chính sách đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hóa, xây dựng khung phân tích về chính sách đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hoá tại Việt Nam, phân tích các mô hình đầu tư, tài trợ cho văn hóa của các nước trên thế giới và đánh giá thực trạng đầu tư, tài trợ của nhà nước cho văn hóa ở Việt Nam, trên cơ sở đó luận án đã đưa ra các giải pháp tổng thể và các khuyến nghị cụ thể nhằm đổi mới chính sách đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hóa tại Việt Nam theo hướng bền vững và toàn diện hơn.
Về mặt lý luận, luận án đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống lý luận về chính sách đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hóa, xét trong bối cảnh các yếu tố đặc thù về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của Việt Nam.
Mặc dù, từ đầu thế kỷ XX, ngành quản lý văn hóa đã được xác định là ngành khoa học liên ngành, sử dụng cách tiếp cận của nhiều ngành khoa học khác nhau như kinh tế học, tâm lý học, khoa học quản lý, văn hóa học, dân tộc học, xã hội học và mang tính ứng dụng,… Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học như kinh tế học, khoa học quản lý, quản lý chính sách công cho các nghiên cứu thuộc ngành quản lý văn hóa vẫn còn tương đối mới. Do đó, luận án được xem là một công trình nghiên cứu tiên phong trong sử dụng cách tiếp cận liên ngành, đa chiều, áp dụng các lý thuyết về kinh tế học văn hóa, kinh tế học thể chế… trong nghiên cứu các chính sách nhằm đáp ứng các mục tiêu đa chiều về văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam.
Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu của Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác xây dựng và hoạch định chính sách văn hóa, việc học tập, giảng dạy, phổ biến kiến thức, thông tin về chính sách văn hoá.
Về mặt thực tiễn, luận án đã phân tích, đánh giá thực trạng chính sách hỗ trợ tài chính công cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam, chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của cơ chế vận hành hiện tại. Luận án cũng đã mang đến những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia tiêu biểu cho các mô hình chính sách văn hóa, các khu vực khác nhau trên thế giới. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất những giải pháp ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, nhằm hỗ trợ các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thụ hưởng, nhà tài trợ,…) nâng cao hiệu quả trong hoạt động hiện tại, góp phần cải cách cơ chế chính sách đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hóa ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Hội đồng phản biện, đánh giá luận án
PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, người hướng dẫn khoa học
Ngoài phần Mở đầu (20 trang), Kết luận (05 trang), Tài liệu tham khảo (25 trang) và Phụ lục (124 trang), nội dung chính của luận án được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và những vấn đề lý luận cơ bản (40 trang).
Chương 2. Mô hình chính sách đầu tư và tài trợ củ Nhà nước cho văn hóa tại một số quốc gia trên thế giới (49 trang).
Chương 3. Thực trạng chính sách đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hoá tại Việt Nam (47 trang).
Chương 4. Các giải pháp và khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chính sách đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hóa ở Việt Nam (36 trang).
Nghiên cứu sinh Đỗ Quang Minh đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Đỗ Quang Minh đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Quản lý văn hóa cho NCS Đỗ Quang Minh./.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô
Tin, ảnh: Lã Lương
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục