Sáng ngày 14/02/2025, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lê Thị Hồng Quyên với đề tài: Giao lưu và tiếp biến văn hóa ẩm thực giữa người Việt với các tộc người cộng cư ở tỉnh Sóc Trăng, ngành Văn hóa học, mã số 9229040, do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và TS Đinh Văn Hạnh hướng dẫn.
Toàn cảnh lễ bảo vệ luận án
Sóc Trăng là một trong mười ba tỉnh thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngoài dấu ấn văn hóa của người Việt, lịch sử - văn hóa tỉnh Sóc Trăng còn được bồi đắp bởi văn hóa các tộc người cộng cư như Khmer, Hoa. Giao lưu và tiếp biến văn hoá ẩm thực vì vậy thể hiện sự kết nối, mối quan hệ gắn bó giữa người Việt và những tộc người cùng chung sống, khiến cho văn hoá ẩm thực ở tỉnh Sóc Trăng mang nhiều sắc thái, thể hiện đặc trưng văn hóa và mối quan hệ tương tác đa dạng, nhiều chiều giữa các tộc người ở cả chiều kích không gian và thời gian.
Xuất phát từ những lý do về phương diện lý luận và thực tiễn, với mong muốn góp phần vào việc nhận diện bối cảnh, phương thức, cũng như các khuynh hướng cơ bản trong giao lưu và tiếp biến văn hoá ẩm thực giữa người Việt với các tộc người cộng cư ở tỉnh Sóc Trăng, nghiên cứu sinh (NCS) đã chọn đề tài Giao lưu và tiếp biến văn hóa ẩm thực giữa người Việt với các tộc người cộng cư ở tỉnh Sóc Trăng làm luận án tiến sĩ ngành Văn hoá học.
NCS Lê Thị Hồng Quyên
Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giao lưu và tiếp biến văn hoá, văn hoá ẩm thực giữa người Việt với các tộc người Khmer, Hoa ở tỉnh Sóc Trăng nhằm góp phần nhận diện bản sắc, mối quan hệ giữa người Việt với các tộc người cộng cư qua phương diện văn hoá ẩm thực.
Luận án đã hệ thống hoá cơ sở lý luận về vấn đề giao lưu và tiếp biến văn hoá, văn hoá ẩm thực giữa các tộc người cộng cư ở tỉnh Sóc Trăng. Phân tích, nhận diện những đặc trưng cơ bản của văn hoá ẩm thực các tộc người trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người Việt với người Khmer và người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng và bàn luận về các phương thức, khuynh hướng giao lưu và tiếp biến văn hóa ẩm thực giữa người Việt với người Khmer, người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng.
Hội đồng phản biện đánh giá luận án
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, TS Đinh Văn Hạnh người hướng dẫn khoa học
Luận án góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận về giao lưu và tiếp biến văn hoá nói chung, giao lưu và tiếp biến văn hóa ẩm thực nói riêng giữa người Việt với các tộc người cộng cư ở tỉnh Sóc Trăng, vùng ĐBSCL.
Luận án là cơ sở để nhận diện, lý giải các vấn đề thực tiễn về giao lưu và tiếp biến văn hoá ẩm thực ở tỉnh Sóc Trăng: đặc trưng, giá trị ẩm thực của các cộng đồng người trong quá trình cộng cư; Các phương thức, khuynh hướng giao lưu và tiếp biến văn hoá ẩm thực. Kết quả của luận án cũng góp phần vào công tác quản lý, phát huy giá trị văn hóa nói chung và giá trị văn hóa ẩm thực các tộc người nói riêng ở tỉnh Sóc Trăng; Ngoài ra, các nghiên cứu của luận án còn có thể được sử dụng để làm tư liệu tham khảo trong giảng dạy, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến giao lưu và tiếp biến văn hoá qua phương diện ẩm thực.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung chính của luận án gồm 3 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu (50 trang).
Chương 2: Nhận diện văn hoá ẩm thực đa tộc người trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hoá ở tỉnh Sóc Trăng (51 trang).
Chương 3: Một số phương thức, khuynh hướng giao lưu và tiếp biến văn hoá ẩm thực giữa người Việt với người Khmer, người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng (59 trang).
NCS Lê Thị Hồng Quyên đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung của luận án, NCS Lê Thị Hồng Quyên đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt trong Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa học của NCS Lê Thị Hồng Quyên./.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô
Tin/Ảnh: Phương Lan
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục