Phát triển nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp: “Mỏ vàng” để phát triển công nghiệp văn hóa

Ngày đăng: 20/02/2025 Lượt xem: 37
Mặc định Cỡ chữ

Không chỉ là một trong những ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) chủ lực, đem lại lợi ích lớn về kinh tế, nghệ thuật biểu diễn còn được coi là “kênh truyền thông” hiệu quả, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật để lan tỏa bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, từ đó xây dựng và khẳng định thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Từng bước chuyển mình

Năm 2024 được xem là thời điểm ngành nghệ thuật biểu diễn nước nhà tỏa sáng rực rỡ. Trong bức tranh đa sắc của nghệ thuật biểu diễn năm qua, không thể không nhắc đến thành công vang dội của các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai.

Sau khi phát sóng, chương trình đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, khiến khán giả và giới truyền thông không khỏi bất ngờ. Báo chí cũng đã tốn không ít giấy mực để bàn luận, mổ xẻ, và các concert được tổ chức từ những chương trình trên đều nhanh chóng “cháy vé”. Theo ước tính, mỗi đêm concert có thể thu về doanh thu lên đến hàng trăm tỉ đồng.

“Mỏ vàng” để phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 1

Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, các nhà hát cần phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn lực, cơ chế cho các đoàn nghệ thuật, công ty tổ chức sự kiện tư nhân có năng lực tham gia vào quá trình nghiên cứu, tổ chức chương trình chất lượng và hướng tới xuất khẩu văn hóa.

Những chương trình nghệ thuật khi biểu diễn phải mang đậm bản sắc, có sự tính toán kỹ về thị trường. Với thị trường nước ngoài, phải tập trung vào những nơi có đông người Việt Nam sinh sống, tổ chức ở các quốc gia Việt Nam đã ký kết văn kiện hợp tác về văn hóa; tổ chức đàm phán với các nước trên tinh thần có qua có lại, hài hòa về lợi ích. Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam phải đi đôi với bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua các chương trình nghệ thuật chất lượng.

(Bộ trưởng Bộ VHTTDL NGUYỄN VĂN HÙNG)

Giới chuyên gia đánh giá, con số khổng lồ về người mua vé trên các nền tảng trực tuyến, doanh thu của các buổi concert, hòa nhạc… là những cú hích lớn, “phá băng” ngành công nghiệp biểu diễn trong nước; minh chứng cho sức tiêu thụ lớn của thị trường nội địa cho các sản phẩm CNVH do chính người Việt đầu tư và sản xuất.

Bên cạnh đó, điều này còn cho thấy năng lực thực hiện chương trình của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay đã đáp ứng được với yêu cầu trong tổ chức các sự kiện lớn, tiệm cận với quy trình và chất lượng của thế giới.

Tuy nhiên, trước khi có được thành công này, công chúng từng mất niềm tin vào khâu tổ chức sự kiện khi không ít concert, chương trình cứ tổ chức bán vé xong là hủy, khiến người mua cứ mòn mỏi chờ hoàn tiền.

Thiệt hại về kinh tế cho cả BTC và khán giả là điều thấy rõ nhưng sau đó còn là thiệt hại đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phải đến khi 2 đêm concert của nhóm nhạc BlackPink tổ chức thành công tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào năm 2023, định kiến về tổ chức show diễn tại Việt Nam mới được gỡ bỏ, kéo theo sự đổi mới về tư duy tổ chức chương trình.

Có thể nói, một trong những lý do làm nên thành công của ngành nghệ thuật biểu diễn thời gian qua là sự chuyên nghiệp và hiện đại hóa. Không khó để nhận thấy, nghệ thuật biểu diễn đã có những bước tiến dài trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm thay đổi gần như hoàn toàn cách dàn dựng sân khấu trước đây, hiện thực hóa được những ý tưởng táo bạo và mang đến cho công chúng cảm nhận mới mẻ.

Sự đón nhận hào hứng của người xem cho thấy, khán giả giờ đây đã đặt niềm tin vào năng lực thực hiện chương trình của đội ngũ sản xuất nước nhà. Tuy nhiên, thực tế này cũng phản ánh, công chúng ngày nay đã có sự đòi hỏi cao hơn trong thưởng thức các sản phẩm nghe nhìn, nếu “đã mắt, sướng tai” thì họ cũng sẵn sàng “tất tay” trong việc chi tiền để thưởng thức nghệ thuật.

“Mỏ vàng” để phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 2
Ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình chưa từng có với những chương trình doanh thu tiền tỉ, thậm chí trăm tỉ. Ảnh: “Anh trai say hi”

Đồng bộ các khâu

Bên cạnh phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả, các nhà quản lý nhận định, phải có định hướng cụ thể để phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật trở thành sản phẩm đặc sắc, từng bước tiến đến xuất khẩu văn hóa; đưa nghệ thuật biểu diễn trở thành “mỏ vàng” trong phát triển CNVH, đem lại lợi ích về kinh tế - văn hóa - xã hội cho đất nước.

Để hiện thực hóa những mong muốn đó, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, ngành nghệ thuật biểu diễn phải giải quyết một số bài toán về “đứt gãy” các khâu, trong đó có vấn đề thiếu đội ngũ nhân lực trẻ, đội ngũ sáng tạo, kỹ thuật; thiếu “vốn mồi” cũng khiến việc tăng chất lượng trong khâu dàn dựng gặp khó khăn.

Do đó, Thứ trưởng nhận định, phải tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực để nâng tầm các chương trình nghệ thuật, phục vụ khán giả và du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Còn theo NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), để có thêm nguồn lực tổ chức các chương trình quy mô, tạo ra sản phẩm văn hóa chất lượng, thậm chí là mang danh Bộ VHTTDL, cần huy động nhiều nguồn lực, trong đó có sự hỗ trợ từ các địa phương. Cục Nghệ thuật biểu diễn rất mong muốn các địa phương tích cực hỗ trợ về mọi mặt khi các chương trình nghệ thuật, concert diễn ra.

Đối với tiếp cận thị trường quốc tế, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa cho biết, trong phát triển CNVH, khi có sản phẩm chất lượng, phải dần hướng đến xuất khẩu văn hóa. “Muốn vậy, chúng ta phải có giải pháp tiếp cận thị trường.

Trước mắt, cần duy trì sự hiện diện của văn hóa Việt Nam tại các hoạt động giao lưu quốc tế, thông qua các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao. Từ đó, chủ động giới thiệu các sản phẩm của mình. Tại các sự kiện, chúng ta sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà sản xuất quốc tế để phối hợp tổ chức những chương trình nghệ thuật quy mô, chất lượng hơn; phát triển hoạt động nghệ thuật biểu diễn và CNVH”, bà Nguyễn Phương Hòa cho hay.

Cùng với đó, theo đại diện nhiều đơn vị tổ chức sự kiện, khó khăn nhất Việt Nam đang gặp phải trong phát triển du lịch âm nhạc là cơ sở vật chất, nhất là hệ thống âm thanh chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Điều này khiến các đơn vị tổ chức phải vận chuyển trang thiết bị từ nước ngoài, chi phí tổ chức bị đội lên cao, dẫn đến giá vé cũng cao theo, khó thu hút khán giả.

Đơn cử như show diễn BlackPink tại Mỹ Đình, 80% trang thiết bị phục vụ cho concert này là nhập khẩu. Đây là bài toán cần có sự hợp tác để giải quyết, giúp các đơn vị tối ưu hóa chi phí tổ chức sự kiện, thu hút thêm khán giả đến với mỗi sự kiện. 

Nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận