Bảo vệ nền văn hóa: Học hỏi thông qua các hoạt động thực tiễn

Ngày đăng: 18/02/2011 Lượt xem: 4.491
Mặc định Cỡ chữ

Bussakorn Binson

GS. Trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan

Bài viết này thảo luận về cách thức thế hệ trẻ Thái Lan ngày nay tìm hiểu và bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc thông qua chương trình giảng dạy âm nhạc của Khoa Âm nhạc Nghệ thuật thuộc trường đại học Chulalongkorn.

Tại trường Đại học Chulalongkorn, những sinh viên tham gia khóa học Quản lý Công tác Biểu diễn Âm nhạc nghệ thuật và các sinh viên năm cuối của chương trình nhạc cổ điển Thái Lan có cơ hội dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc làm bài tập của khóa học. Mục đích của khóa học là tạo cho sinh viên cơ hội học hỏi, không chỉ kiến thức mà cả thực hành tổ chức các liên hoan văn hóa thực sự bao gồm nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhảy múa và âm nhạc. Đây là khóa học nâng cao, chỉ dành cho sinh viên năm thứ ba và thứ tư. Khóa học áp dụng phương pháp dạy học lấy sinh viên làm trung tâm. Sinh viên tự giải quyết mọi vấn đề về lập kế hoạch cho buổi biểu diễn, trong khi thầy cô giáo chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn và giám sát. Sau khi được cung cấp bản nội dung tổng quát có các bước chi tiết về chương trình biểu diễn, sinh viên tự quyết định cách thức tổ chức và tất cả các chi tiết liên quan đến chương trình biểu diễn. Họ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thu xếp nơi biểu diễn, bao gồm đi lại, sắp xếp chỗ, giải khát, âm thanh, ánh sáng và người tài trợ. Hơn nữa, họ cũng phải tự thu xếp quảng bá cho sự kiện, ví dụ như thông qua quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, dán áp phích quảng cáo… để thu hút khán giả.

Bài viết này đề cập đến bốn trường hợp nghiên cứu điển hình, đó là: (1) Chương trình biểu diễn nghệ thuật vinh danh nghệ sĩ nhân dân Boonyong Ketkong, (2) Lễ hội di sản văn hóa vùng miền, (3) Liên hoan ca múa nhạc quốc tế, và (4) Chương trình nghệ thuật mang tên 12 tháng – 4 mùa (được biểu diễn trong vòng 12 tháng và tại bốn vùng miền trong cả nước).

Trước tiên, tôi muốn diễn giải định nghĩa về văn hóa theo phong cách sống của con người, bao gồm phong tục tập quán và các thiết chế xã hội được chấp nhận chung. Văn hóa có thể được xem như tín ngưỡng, truyền thống, quá trình tích lũy kinh nghiệm và những biểu hiện về nó của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm tất cả các hành vi có nhận thức, vừa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác vừa được truyền trong cùng thế hệ và từ nhóm xã hội này sang nhóm xã hội khác. Nói cách khác, văn hóa là tập hợp các giá trị, hành vi được tiếp nhận và những biểu cụ thể của nó. Văn hóa là điều cốt lõi trong bản sắc của một dân tộc và đối với những nước mà đa phần dân số cùng là một dân tộc, văn hóa được chuyển thành bản sắc dân tộc. Văn hóa chính là đặc điểm của một dân tộc và nó tạo ra tính độc nhất vô nhị của dân tộc đó.

Phương pháp bảo tồn các giá trị văn hóa

Chúng ta có thể bảo tồn các giá trị văn hóa theo ba phương pháp chủ yếu. Phương pháp thứ nhất là phương pháp mang tính lịch sử tự nhiên. Đơn giản là các hoạt động, hành động, cách ứng xử của nhóm xã hội cứ thế tiếp tục. Trẻ em học hỏi thông qua các tấm gương là bố mẹ mình. Và bố mẹ các em, đến lượt mình, lại xử sự theo các mong đợi xã hội. Khi lớn lên, trẻ em vẫn sẽ giữ nếp sống đó và rất ít khi thay đổi.

Phương pháp thứ hai để bảo tồn văn hóa là thông qua hệ thống giáo dục chính thức và không chính thức. Chẳng hạn như lập một ban nhạc truyền thống và ban nhạc đó sẽ gặp gỡ ở trung tâm cộng đồng.

Một cách chính thức, hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng của một nước có thể đóng vai trò chủ đạo. Người Thái Lan đã từng nói: “Giáo dục là văn hóa và văn hóa là giáo dục”. Hay nói cách khác, khi giáo dục thay đổi thì văn hóa và những biểu hiện của nó cũng thay đổi. Đó là lý do tại sao chế độ thực dân lại âm mưu tác động vào hệ thống giáo dục ở các nước thuộc địa. Chế độ thực dân đã áp dụng một số thay đổi mang tính bắt buộc, ví dụ như cấm một số môn học nhất định, cấm sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và các truyền thống của người bản địa. Tiếp theo là các hội truyền giáo và các chương trình tôn giáo mà họ áp đặt đối với người bản địa. Các thế lực này đã tạo ra khoảng cách rất lớn giữa cha mẹ và con cái. Theo nhiều cách, bản chất xảo quyệt của chế độ thực dân đã khiến cho mọi bộ phận trong xã hội đều bị ảnh hưởng bởi chiến dịch truyền bá văn hóa của họ.

Nói tóm lại, giáo dục giúp thế hệ trẻ thấm nhuần các giá trị văn hóa nội tại để những biểu tượng văn hóa bề ngoài mà họ nhìn thấy trong cuộc sống đời thường trở thành một phần không tách rời của họ. Ví dụ, một đứa trẻ được giáo dục theo văn hóa Hồi giáo sẽ cảm nhận được giá trị và biểu tượng văn hóa của một nhà thờ Hồi giáo trong khi một người khách du lịch không cảm nhận được điều đó. Những người ngoài luôn bị cản trở, không hiểu được một nền văn hóa cụ thể do họ không có được nền tảng giáo dục chung từ nền văn hóa đó.

Phương pháp thứ ba để gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa là thông qua việc quảng bá có chủ đích và theo kế hoạch của các tổ chức chính thức và không chính thức. Ví dụ, ở Thái Lan có hai tổ chức hỗ trợ trực tiếp cho công tác truyền bá văn hóa. Đó là Bộ Văn Hóa và Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT). Kể từ khi Thái Lan trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, nhiều đơn vị kinh doanh cũng tham gia quảng bá văn hóa một cách trực tiếp. Ở Bangkok, việc ca múa nhạc truyền thống được biểu diễn trong các nhà hàng, khách sạn và khu thương mại là rất phổ biến. Ngoài ra, một số khu chợ ngoài trời cũng là địa điểm quảng bá văn hóa. Chợ đêm Lumpini được thành lập giữa đấu trường quyền anh và một Nhà hát múa rối truyền thống.

Kết hợp giáo dục, quảng bá và lôi cuốn thế hệ trẻ

Với tư cách là người hướng dẫn tại Bộ môn Âm nhạc, Khoa Âm nhạc Nghệ thuật, Trường đại học Chulalongkorn, một trường đại học hàng đầu ở Thái Lan, Khóa học Quản lý công tác biểu diễn âm nhạc nghệ thuật mà tôi tổ chức kết hợp cả các yếu tố giáo dục và các yếu tố quảng bá trong việc bảo tồn văn hóa. Hơn nữa, khóa học còn thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ và giúp họ tự nhận thức được vai trò của mình trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của người Thái. Những sinh viên năm cuối trong Chương trình biểu diễn nhạc cổ điển Thái Lan cũng có cơ hội tương tự khi các em chọn đề tài luận án khóa học.

Bốn trường hợp nghiên cứu điển hình

Trường hợp nghiên cứu thứ nhất tôi muốn giới thiệu sơ qua ở đây là chương trình do các sinh viên năm cuối của Chương trình biểu diễn nhạc cổ điển Thái Lan dàn dựng để vinh danh nghệ sĩ nhân dân Boonyong Ketkong. Cùng với các nghệ sỹ chuyên nghiệp, các em sinh viên đã trình diễn nhạc của nhạc sĩ Boonyong Ketkong, thông qua đó mô tả về cuộc đời của ông. Thông qua việc nghiên cứu, bầu chọn và tìm hiểu về người nghệ sĩ nhân dân, các em sinh viên được đắm mình trong thế giới văn hóa của các thế hệ đi trước. Việc nghiên cứu có chiều sâu này đã giúp họ nhận thức được một cách sâu sắc vai trò của mình trong việc tiếp nối những đóng góp của nhà nghệ sỹ đó vào nền văn hóa Thái Lan.

Trường hợp nghiên cứu thứ hai là Lễ hội Di sản Văn hóa Vùng miền do các em sinh viên trong khóa học Quản lý công tác Biểu diễn âm nhạc nghệ thuật thực hiện. Đối với sinh viên, việc này buộc các em phải đi sâu nghiên cứu những điểm tương đồng và khác biệt giữa các vùng miền trong nền văn hóa Thái Lan. Các em phải lựa chọn những vùng miền đặc trưng cho di sản văn hóa Thái Lan và sau đó tổ chức chương trình trong khuôn khổ không gian và thời gian cho phép. Các em cũng còn phải tìm hiểu và lựa chọn các nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ chuyên nghiệp để họ thực hiện phần trình diễn được lựa chọn về nền văn hóa Thái Lan.

Lễ hội Ca Múa Nhạc Quốc tế là chương trình thứ ba do các em sinh viên tham gia khóa học về Quản lý công tác Biểu diễn Âm nhạc nghệ thuật thực hiện. Chương trình này có một số điểm rất đáng chú ý. Đó là một sự kiện văn hóa nổi bật và dành cho tất cả mọi người . Chương trình nghệ thuật được tổ chức trên sân khấu ngoài trời, ở nơi giáp với trung tâm buôn bán sầm uất ngay tại trung tâm thủ đô Bangkok. Chương trình hoàn toàn miễn phí, được hỗ trợ bởi một số nhà tài trợ hào phóng và dành cho bất cứ ai đi ngang qua đó. Hơn nữa, chủ đề của chương trình mang tính quốc tế nên chương trình đã thu hút được sự quan tâm của các đại sứ quán tại Bangkok. Các nghệ sỹ từ nhiều nước trên thế giới được mời đến thông qua các đại sứ quán. Sự kiện văn hóa này thực sự thành công trên nhiều phương diện. Thứ nhất, khán giả có cơ hội được xem các tiết mục biểu diễn độc nhất vô nhị mà không cần phải lên kế hoạch từ trước cũng như không mất chi phí như khi đi đến một địa điểm trang trọng. Thứ hai, chương trình chính là phương tiện mở rộng nhận thức về văn hóa không chỉ thông qua con mắt của người Thái mà còn thông qua con mắt của nghệ sỹ từ 10 nước tham gia chương trình. Đồng thời, bằng cách tổ chức một sự kiện quốc tế như vậy, nghệ thuật trình diễn âm nhạc Thái cũng được quảng bá rộng rãi.

Trường hợp nghiên cứu cuối cùng là chương trình nghệ thuật mang tên 12 tháng – 4 mùa: Điểm nhấn Lễ hội Truyền thống Thái Lan. Đây là chương trình thành công nhất của các em sinh viên, thành công hơn các sự kiện khác rất nhiều. Giống như sự kiện nói trên, đây là một sự kiện văn hóa miễn phí được tổ chức tại quảng trường Siam nổi tiếng trong khu mua sắm của Bangkok. Tuy nhiên, do quy mô và phạm vi văn hóa của chương trình nghệ thuật này rất lớn, bao trùm cả bốn vùng miền trong nước cũng như 12 lễ hội trong năm nên chương trình đã thu hút được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình từ phía Bộ văn hóa Thái Lan. Các em sinh viên đã thực hiện chương trình nghệ thuật một cách đầy chuyên nghiệp đến mức Khoa Âm nhạc Nghệ thuật của Trường Đại học Chulalongkorn gần đây nhận được thông báo rằng trường sẽ được hỗ trợ cho những chương trình văn hóa tương tự. Sự. kiện văn hóa này bao gồm: Truyền thống ngày đầu năm “Điệu múa Kritsadaphiniharn” (buổi biểu diễn ban lộc) vào tháng Giêng, Ngày của Vua Nairai vào tháng Hai, Festival tự vệ và nghi lễ bày tỏ lòng tôn kính đối với các thầy giáo dạy quyền anh (Ngày của Nai Kanomtom) “Lịch sử của môn nghệ thuật quyền anh” vào tháng Ba, Lễ hội SongKran (Tết của người Thái Lan) “Trình diễn Nang Song Kran” vào tháng Tư, Nghi lễ cày ruộng Hoàng gia “Ngày sinh của Nữ thần Lúa”(điệu múa mùa thu hoạch) vào tháng Năm, Lễ hội cầu mưa vào tháng Sáu, Ngày Asarnha Bucha và ngày ăn chay của Phật giáo “Trình diễn kỷ niệm Đức Phật” vào tháng Bảy, Kỷ niệm ngày sinh của Hoàng hậu hay còn gọi là “Trình diễn điệu múa Pli Thái Lan-Hồi giáo” vào tháng Tám, Lễ Trình diễn Sat Thai hay còn gọi là “Norah bắt thiên nga” vào tháng Chín, Kết thúc lễ hội Pan Saa “Fhon-Phang” vào tháng Mười, Lễ kỷ niệm Loi Kra Thong, Lễ kỷ niệm Sinh nhật Đức vua. 11 buổi lễ hội trong số 12 buổi nói trên hoàn toàn mang tính truyền thống của Thái Lan.

Mục tiêu của khóa học này là để thế hệ mới học hỏi thông qua việc thực hành trực tiếp và để họ có thể hiện thực hóa giá trị của nền văn hóa và truyền thống Thái Lan cũng như quảng bá truyền thống của Thái Lan rộng hơn ra ngoài xã hội. Hơn thế nữa, những lễ hội này có thể giúp quảng bá du lịch đối với cả người Thái Lan và du khách nước ngoài. Đây có thể là một ví dụ đặc sắc để những trường cao đẳng và đại học khác ở Thái Lan học tập, giúp sinh viên của họ hiểu về nền văn hóa của mình và đánh giá nó đúng mực.

Kết luận

Để kết luận bài viết này về gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa theo phong cách hiện đại, tôi lưu ý rằng việc đánh giá sinh viên trong khóa học bao gồm việc đánh giá theo thang điểm, đề cập đến cách nhìn nhận của sinh viên đối với công tác gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Kết quả cho thấy rằng các em sinh viên tham ra chương trình văn hóa đặc sắc này không chỉ có được những kiến thức bổ ích về phương pháp tổ chức lễ hội mà các em còn có được những nhận thức và đánh giá hết sức sâu sắc về di sản văn hóa của dân tộc mình. Khóa học này và những khóa học tương tự như vậy là bước đầu tiên để thế hệ trẻ có thể nhận thức và hiểu một cách đúng đắn về tầm quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Khi nhận thức của các em về giá trị văn hóa dân tộc ngày càng sâu sắc hơn, các em có thể mở rộng và phát triển nhận thức của mình về những nền văn hóa khác. Hơn nữa, qua chương trình văn hóa nghệ thuật mang tính tổng thể như vậy các em sinh viên thấy được ý nghĩa và hiệu quả của hình thức làm việc theo nhóm và điều này sẽ giúp ích các em rất nhiều trong công việc sau này. Bài viết này là một ví dụ điển hình về cách gợi mở sao cho thế hệ trẻ đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn văn hóa, và cũng đồng thời giúp các em mở mang vốn hiểu biết của mình về văn hóa dân tộc. Vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và gìn giữ các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc là vô cùng quan trọng nên chúng ta phải tập trung vào các hoạt động mang tính giáo dục để giúp cho các em nhận thức được một cách sâu sắc sứ mệnh của mình. Tôi thích cách giữ gìn và bảo tồn văn hóa thông qua sự tham gia trực tiếp của thế hệ trẻ hơn so với cách dựa vào những giúp đỡ bên ngoài từ phía Trung tâm Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể của Liên hiệp quốc và một số tổ chức liên quan khác. Cách thứ hai đóng vai trò hỗ trợ, nhưng nòng cốt vẫn phải là thế hệ trẻ của quốc gia.

Người dịch: Vũ Thu Hà

Hiệu đính: Đặng Tuyết Anh

Biên tập: Nguyễn Thị Hiền

 

 

Bình luận