Giữ gìn tính toàn vẹn của lễ hội, cách để không làm mất đi " con Ngỗng vàng"

Ngày đăng: 18/02/2011 Lượt xem: 5.610
Mặc định Cỡ chữ

Jo Caust

GS.TS. Đại học South Australia

Giới thiệu

Lễ hội, lễ kỷ niệm và nghi lễ luôn là một phần quan trọng trong niên lịch của phần lớn các cộng đồng. Lễ hội là những cột mốc thời gian về tôn giáo, xã hội, văn hóa, kinh tế quan trọng của cộng đồng (Derrett 2003; McDonnell và những tác giả khác 2005). Có những trường hợp, vai trò của lễ hội là để vui chơi, kỷ niệm các sự kiện, và trong những trường hợp khác, lễ hội mang tính thiêng liêng. Dù mục tiêu của lễ hội là gì thì nó cũng là một khoảng thời gian đầy ắp các hoạt động làm thay đổi đời sống thường ngày của cộng đồng. Quan sát trên thực tế cho thấy lễ hội có vẻ như làm thời gian ngưng lại và có thể làm biến đổi các cá nhân và cộng đồng (Getz 2008). Nghiên cứu về lễ hội đã trở thành mối quan tâm đặc biệt trong thập kỷ qua, đặc biệt trong các lĩnh vực học thuật về du lịch, marketing và sự kiện. Trong số những tài liệu đó, có một số tài liệu tập trung vào vai trò của lễ hội trong việc thúc đẩy du lịch văn hóa (Long & Robinson chủ biên. 2004; McKercher 2006). Một số tài liệu khác tập trung vào việc lễ hội có thể tạo ra cảm giác sở hữu thân thuộc trong cộng đồng (Arcodia & Whitford 2006; Derrett 2003; Gibson & Davidson 2004). Cũng có những tài liệu quan tâm đến các tác động xã hội của lễ hội đối với cộng đồng (Arcodia & Whitford 2006). Các nghiên cứu về sự thất bại của lễ hội thường hay tập trung vào các vấn đề lên kế hoạch và tổ chức (Caust 2004; Getz 2002; Lade & Jackson 2004).

Lễ hội có thể đem lại những lợi ích vật thể và phi vật thể cho cộng đồng nơi lễ hội được tổ chức cũng như đối với du khách đến quan sát hay tham dự. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề liên quan đến kết quả của lợi ích vật chất và phi vật chất trong mối liên quan tới lễ hội. Trong bài viết này, thách thức của việc tìm ra lợi ích của lễ hội gắn liền với khái niệm về “tính toàn vẹn” và “tính xác thực”. “Tính toàn vẹn” trong bối cảnh này đề cập đến một sự kiện được tồn tại với mục đích hoặc niềm tin ban đầu của nó, tính “xác thực” nhằm đề cập đến đến tính chân thực của lễ hội trong cách thể hiện của nó.

“Tính xác thực” là gì?

Trong các tài liệu liên quan đến du lịch văn hóa, đáng chú ý nhất là khái niệm “tính xác thực” (Cole 2007; Getz 1998; Wang 1999). Đây cũng là một thuật ngữ gây tranh cãi vì nó có thể được diễn giải theo những cách khác nhau tùy vào cách nhìn khác nhau của các học giả (Cole 2007; Getz 1998; Wang 1999). Ví dụ như có phải chỉ những thứ “lâu đời” thì mới được coi là “xác thực”? Nếu theo quan niệm ấy thì một sự kiện không được coi là xác thực nếu như nó mới được hình thành, mặc dù sự kiện đó được tạo ra từ nhu cầu đích thực của cộng đồng? Vậy sự kiện sẽ được coi là thế nào nếu như nó được tạo ra để thu hút du khách đến với cộng đồng (nhằm thu lại nguồn lợi kinh tế) chứ không phải vì ý nghĩa lịch sử và văn hóa? Nhu cầu lợi ích kinh tế của cộng đồng tất nhiên là cần thiết nhưng làm sao để cân bằng nó với các nhu cầu văn hóa và xã hội. Vì thế, những lý do cho việc tổ chức một sự kiện có thể ảnh hưởng đến việc một sự kiện được nhìn nhận như thế nào.

Nếu người ta mong muốn làm cho nhiều người hơn tiếp cận được với một sự kiện quan trọng của cộng đồng, liệu việc đó có khiến cho sự kiện bị thay đổi? Liệu sự kiện có bị biến thành một nơi phô bày nhằm đáp ứng nhu cầu của khách khán thính giả chứ không phải là nơi để gìn giữ ý nghĩa sâu sắc cho cộng đồng đã tạo ra nó? Trên thực tế, du khách - những người đến xem sự kiện có thể nhìn nhận sự kiện như một thứ không còn “xác thực” nữa, bởi vì, theo quan điểm của họ, sự kiện đã thay đổi bản chất để làm hài lòng họ chứ không phải được bảo tồn một tính nguyên vẹn như một sự kiện văn hóa thuần túy của cộng đồng (Favero 2007). Ngoài ra, việc du khách đến với sự kiện cũng có nghĩa là sự kiện đó (và thậm chí là cộng đồng tạo nên nó) đã lưu giữ nó theo kiểu “hiện vật bảo tàng” để có thể giữ lại được “tính xác thực” (Cole 2007).

Cole lưu ý về việc các ngôi làng ở Ngada trên hòn đảo Flores ở Indonesia đã thích ứng như thế nào đối với du lịch văn hóa. Trong khi một số ngôi làng khác cố gắng đưa công nghệ hiện đại vào cộng đồng (ví dụ như dùng điện), thì những làng khác được (chính phủ) tư vấn là hãy giữ nguyên “truyền thống” để có vẻ “xác thực” đối với du khách (Cole 2007: 951). Vì thế, họ không có điện hay bất cứ công nghệ hiện đại nào, thậm chí là không được thiết kế cửa sổ trong nhà, bởi vì những thứ đó không phải là những biểu hiện “ xác thực” về đời sống của người Ngada truyền thống. Việc cưỡng lại bất cứ thay đổi hiện đại nào theo cách này có lẽ không hề có lợi cho cộng đồng liên quan, đặc biệt nếu xem xét từ góc độ xã hội. Mặt khác, người ta cũng cho rằng khách du lịch văn hóa thích những cộng đồng còn giữ được nhiều truyền thống hơn do tính “xác thực” của các cộng đồng này mà họ cảm nhận thấy, dù đó chỉ là «tính xác thực» được tạo ra. Cole tiếp tục nhận thấy rằng:

“Nhiều khách du lịch đi đến thăm một số làng ở Ngada chứ không chỉ một làng. Họ thường ưa thích những nơi ít được viếng thăm và ít tìm cách moi tiền của du khách” (Cole 2007:952)

Vì thế, ở đây nảy ra một câu hỏi hóc búa thú vị. Những ngôi làng “đại chúng” là những ngôi làng bị lưu giữ lại trong một “khung thời gian” nhất định và tất nhiên người dân làng cũng không làm đồ lưu niệm để bán một cách rõ ràng. Làm sao để họ xác định là ngôi làng «ít được viếng thăm»? Họ đưa ra kết luận này bởi vì những ngôi làng đó vẫn giữ nguyên truyền thống văn hóa và “ có vẻ” như còn nguyên trạng (tuy vậy, sự nguyên trạng này có thể là giả tạo).. Mặt khác, những người dân trong các ngôi làng truyền thống hơn như vậy có được lợi lộc gì từ sự hiện diện của du khách hay là người ta ngăn không cho họ tìm cách thu lợi bởi điều đó sẽ làm tổn hại đến sự hấp dẫn của ngôi làng với du khách? Làm như thế liệu có phải người dân có bị thua thiệt mọi đường? Họ bị ngăn không được hiện đại hóa ngôi làng mình bởi điều này làm giảm tính «xác thực» đối với du khách, đồng thời người ta cũng ngăn không cho họ kiếm lợi từ du khách cũng với lý do tương tự?

Favero nói về hiện tượng du lịch văn hóa ở các nước phương Tây, nơi mà du khách muốn được trải nghiệm những điều độc đáo và khác biệt trong các chuyến đi. Nếu như có bất cứ biểu hiện nào của thế giới đương đại ở nơi họ đến, du khách cảm thấy thất vọng và bị lừa dối (Favero 2007:53). Mặc dù thế, nguyên nhân cơ bản gây ra toàn cầu hóa và những biểu hiện tràn lan khắp nơi của nó lại bắt nguồn từ chính các vị khách phương Tây này. Những mong đợi của khách du lịch địa phương khi so sánh với mong đợi của khách du lịch quốc tế cũng rất khác nhau. Favero chứng minh điều này bằng ví dụ về “Dilli Haat’ ở New Delhi, là nơi tái tạo lại đời sống làng quê truyền thống ngay trong lòng thành phố. Điều này đem đến cho du khách cơ hội được quan sát đời sống làng quê (mặc dầu ở mức độ nào đó nó cũng chỉ là “đồ giả”) mà không phải đi đến một ngôi làng có thực. Trong khi khách du lịch phương Tây có thể coi ngôi làng Dilli Haat là không mang “tính xác thực”, du khách địa phương lại đánh giá nó như một nơi có thể dễ dàng đi đến và chia sẻ các khía cạnh văn hóa truyền thống của họ với gia đình và bạn bè mà không phải đi xa thành phố (Favero 2007:61). Vì lý do này “Dilli Haat” cho thấy nó là một địa điểm nổi tiếng hơn với du khách địa phương so với du khách nước ngoài (Favero 2007:62).

Như vậy, trong những trường hợp này, có một số thách thức thú vị hiển hiện trong mối quan hệ với du lịch văn hóa và điều này cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều lễ hội. Lễ hội mang tính xác thực bởi vì người ta chưa từng thay đổi cách thức tiến hành nó hay bởi vì nó tỏ ra là chưa từng bị thay đổi? Việc thích ứng với các giá trị đương đại hay các mong đợi có làm tổn hại đến tính toàn vẹn (hay thuần khiết) của lễ hội? Làm thế nào để có thể đạt được một mức độ của tính xác thực trong thực hành lễ hội mà không làm tổn hại đến tính toàn vẹn của nó?

 

Các lợi ích mà lễ hội đem lại: vật thể và phi vật thể

Trong bối cảnh nghệ thuật, Throsby miêu tả hai dạng thức “vốn văn hóa” - đó là vật thể (hữu hình) và phi vật thể (vô hình) (Throsby 1999:7). “Vật thể” là cái có thể được nhìn thấy và đem lại giá trị tiền bạc (ví dụ như tòa nhà, bức tranh...), và “phi vật thể” có thể là những ảnh hưởng của một tác phẩm nghệ thuật nào đó rất lâu sau khi tác phẩm ra đời (dù rằng tác phẩm cũng có thể đem lại một số giá trị lợi nhuận) (Throsby 1999:7). Alan Brown cũng nói về “lợi ích” của các hoạt động nghệ thuật đối với cộng đồng và đồng quy thuật ngữ “giá trị” với “lợi ích”, và như vậy, các giá trị nội tại cũng là những lợi ích thực sự đối với các cộng đồng và cá nhân (Brown 2006:24). Các giá trị nội tại hay các giá trị phi vật thể của hoạt động văn hóa là những thứ khó có thể đo đếm được. Nhìn chung, các tổ chức hay cơ quan chính quyền tham gia vào lễ hội thường hướng đến việc đánh giá lợi ích vật thể mà lễ hội mang lại cho cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng ở cấp độ lớn hơn.

Dù vậy, điều rất quan trọng là, nếu như một trong những mục đích của lễ hội là tạo nguồn lợi kinh tế thì còn có một nguyên nhân sâu xa hơn ẩn giấu bên dưới sự tồn tại của lễ hội đó. Nếu tổ chức hay quảng bá một lễ hội đơn thuần vì tiền bạc thì người ta sẽ không nhất thiết phải thu hút du khách. Dựa vào những lựa chọn trong đời sống con người, người ta thường muốn tham dự một sự kiện vì nó có ý nghĩa đặc biệt, hoặc nó có ý nghĩa đối với đời sống của cộng đồng mà người ta đến thăm hoặc nó có ý nghĩa đối với đời sống của chính du khách. Nói cách khác, một lễ hội cần có “điểm độc đáo” hoặc “cuốn hút” du khách, dù cho đó là du khách địa phương hay là khách du lịch quốc tế. Lễ hội có thể đem lại cơ hội cho du khách được giải thoát và thay đổi, nhưng để điều đó có thể xảy ra, bản thân sự kiện cần phải đem lại trải nghiệm khác biệt và độc đáo. Hoặc ngược lại, lễ hội có thể liên quan trực tiếp đến những mối quan tâm của con người, vì thế họ tham dự lễ hội để được học hỏi thêm về những gì họ say mê hay đơn giản được đắm mình vào sự kiện đó trong một khoảng thời gian.

Cũng rất quan trọng khi nhận thấy rằng:

“Mặc dù lễ hội ngày càng được sử dụng để phát triển văn hóa và kinh tế, bao gồm cả du lịch, điều này không có nghĩa là lễ hội phải từ bỏ chức năng chính của nó. Thay vào đó, lễ hội có thể được nhìn nhận như một sự kiện đầy hứng thú, giúp nâng cao tinh thần của một địa phương cũng như tinh thần của toàn bộ cư dân sinh sống ở đây, người du khách hay người trình diễn” (Smith & Forest 2006: 148).

Vì thế “tính toàn vẹn” của lễ hội cần được gìn giữ vừa từ quan điểm của cộng đồng của nó, vừa từ góc độ của du khách. Nếu không đạt được điều đó,lễ hội sẽ đánh mất “sức hút” của mình.

Mặt khác, dòng khách du lịch đông đảo tràn về trong suốt thời gian lễ hội có thể gây ra thiệt hại cho các cộng đồng nhỏ hoặc nảy sinh nhu cầu phát triển các cơ sở hạ tầng đắt đỏ mà lại không được dùng thường xuyên vào các thời điểm khác trong năm (Getz 2002). Đây là một vấn đề mà các cộng đồng cần cân nhắc nếu như họ muốn khuyếch trương hay quảng bá về một lễ hội cụ thể. Cộng đồng sẽ tồn tại như thế nào khi người ta không tổ chức được lễ hội? Người ta sẽ làm gì với tất cả các phòng khách sạn trống không hay những sân khấu mà không ai cần đến vào thời gian ngoài lễ hội?

Trong nỗ lực phát triển một tam giác giá trị của các sự kiện, Getz (2008) phân chia ba thứ hạng sự kiện, bao gồm các sự kiện “đánh dấu mang tính chu kỳ”, các sự kiện “khu vực” và các sự kiện “địa phương”.

 

 
Jo Caust

Bình luận