Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Nhung

Ngày đăng: 14/10/2022 Lượt xem: 185
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 14/10/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thị Nhung với đề tài: Biến đổi thực hành lễ chùa ở Hà Nội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (qua nghiên cứu trường hợp tại chùa Phúc Khánh, chùa Hà và chùa Thầy), chuyên ngành: Văn hóa học, mã số: 9229040, do GS.TSKH Vũ Minh Giang hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Lễ chùa là một sinh hoạt Phật giáo điển hình đồng thời là văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Lễ chùa nhằm thỏa mãn những nhu cầu về đời sống tâm linh, đó có thể là nguyện cầu những điều may mắn, bình an, sức khỏe… đến với bản thân và gia đình hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là đến với cửa Phật để tìm một chốn bình yên, thanh tịnh cho tâm hồn sau những bộn bề, lo toan, căng thẳng của cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn.

Từ năm 2019, đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và cả đời sống tôn giáo tín ngưỡng. Ngày 22/01/2020 (tức ngày 28/12/2019 Âm lịch) Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên. Tính từ đó, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh với cấp độ và số ca dương tính ngày càng gia tăng. Trước đại dịch, hoạt động lễ chùa, hành hương tại các cơ sở tôn giáo rất sôi nổi, đông đúc với đủ các thành phần dân cư đa dạng về nghề nghiệp, giới tính, độ tuổi… thì trong 3 năm sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, với những quy định về giãn cách xã hội, không tập trung đông người… cùng những thay đổi về kinh tế đã tạo ra sự biến đổi trong thực hành sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng.

Bàn về những biến đổi về tôn giáo, tín ngưỡng từ trước đến nay đã có nhiều công trình trong và ngoài nước tiếp cận và nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, những nghiên cứu về biến đổi lễ chùa ở Việt Nam, đặc biệt là những biến đổi từ tác động của đại dịch Covid-19 mới chỉ dừng lại ở số ít các bài báo, tin tức… Do đó, nghiên cứu biến đổi thực hành lễ chùa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là cần thiết để bổ sung khoảng trống trong nghiên cứu về biến đổi thực hành lễ chùa nói riêng và biến đổi thực hành tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta nói chung.

NCS Nguyễn Thị Nhung đã lựa chọn nghiên cứu trường hợp tại ba ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, hàng năm thu hút đông đảo người dân gần xa đến tham quan lễ Phật: chùa Phúc Khánh (Phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội), chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Mỗi ngôi chùa đều có đặc điểm riêng, sự khác biệt về vị trí, đảm bảo cung cấp cái nhìn bao quát về hoạt động lễ chùa ở nội thành và ngoại thành Hà Nội, góp phần nhận diện, so sánh thực hành lễ chùa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 so với thời gian trước đại dịch.

Nhận thấy việc nghiên cứu về thực hành lễ chùa hiện nay là thiết thực nhằm phản ánh thực trạng lễ chùa trước “khủng hoảng xã hội” - đại dịch Covid-19 cùng những xu hướng biến đổi, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp, hạn chế những tiêu cực của phong tục lễ chùa trong hoàn cảnh mới. Với những lí do trên, NCS Nguyễn Thị Nhung đã lựa chọn đề tài Biến đổi thực hành lễ chùa ở Hà Nội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (qua nghiên cứu trường hợp tại chùa Phúc Khánh, chùa Hà và chùa Thầy) làm đề tài nghiên cứu của luận án Tiến sĩ ngành Văn hóa học.

NCS Nguyễn Thị Nhung.

Luận án là công trình nghiên cứu vận dụng cơ sở lí luận về thực hành sinh hoạt tôn giáo và lí thuyết biến đổi văn hóa, lí thuyết chức năng trong nghiên cứu thực hành lễ chùa - một sinh hoạt thực hành Phật giáo tiêu biểu và điển hình. Bằng kết quả khảo sát thực tiễn, luận án đã phản ánh thực trạng biến đổi lễ chùa, xây dựng bức tranh về thực hành lễ chùa của người dân tại chùa Phúc Khánh, chùa Hà và chùa Thầy (Hà Nội) dưới ảnh hưởng và tác động của bối cảnh đại dịch Covid-19, ở các khía cạnh: Không gian và thời gian đi lễ, tần suất đi lễ, hình thức tham gia, đồ lễ, cách thức thực hiện công đức và trình tự hành lễ... Đồng thời luận án chỉ ra nguyên nhân của sự biến đổi trong thực hành lễ chùa, bàn luận và đưa ra nhận định, đánh giá về xu hướng biến đổi của thực hành lễ chùa của người dân tại chùa Phúc Khánh, chùa Hà và chùa Thầy (Hà Nội) nói riêng cũng như phản ánh phần nào xu hướng biến đổi thực hành lễ chùa của người dân hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm đa dạng, phong phú, rộng mở thêm những lí luận liên quan đến vấn đề nghiên cứu biến đổi thực hành sinh hoạt tôn giáo nói chung và thực hành lễ chùa nói riêng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây sẽ là nguồn tư liệu thực tiễn, hữu ích cho nghiên cứu về thực hành lễ chùa và biến đổi thực hành lễ chùa, góp phần bảo tồn và phát huy thực hành sinh hoạt văn hóa Phật giáo, bảo tồn và phát huy những giá trị Phật giáo nói riêng và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung. Điều này cũng góp phần khẳng định xu thế hiện thực hóa, gắn đạo với đời, khẳng định những đóng góp của văn hóa Phật giáo trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam thông qua thực hành lễ chùa.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

GS.TSKH Vũ Minh Giang, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (13 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (16 trang) và Phụ lục (48 trang), nội dung luận án được chia thành 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lí luận và địa bàn nghiên cứu (35 trang)

Chương 2: Truyền thống lễ chùa trong văn hóa Việt Nam (33 trang)

Chương 3: Thực hành lễ chùa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Khảo sát tại chùa Phúc Khánh, chùa Hà và chùa Thầy) (31 trang).

Chương 4: Thực hành lễ chùa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và một số vấn đề bàn luận (31 trang)

NCS Nguyễn Thị Nhung đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Thị Nhung đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa học cho NCS Nguyễn Thị Nhung./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

 

Bình luận