Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Minh Ngọc

Ngày đăng: 19/10/2022 Lượt xem: 499
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 19/10/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thị Minh Ngọc với đề tài: Hoa văn trên trang phục của người Mông ở tỉnh Lào Cai, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Lê Ngọc Thắng hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Trong kho tàng nghệ thuật của tộc người Mông, hoa văn gắn liền với đời sống, góp mặt trên nhiều chất liệu truyền thống khác nhau như trên đồ vải, đồ đồng, đồ trang sức (xương, sừng, ngà, gỗ, bạc, đồng, vàng...) và trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian, góp phần hình thành nên một bản sắc văn hóa, nghệ thuật Mông. Xuất phát từ môi trường, điều kiện sống, họ thể hiện tâm tư, thể hiện sự khéo léo, gửi gắm tình cảm trên từng sợi chỉ màu, từng mũi thêu. Trang phục và hoa văn trang trí trên trang phục là thành tố quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của phụ nữ Mông, mang nhiều đặc trưng độc đáo từ cách thức may mặc, kỹ thuật tạo ra bộ trang phục, cách nhuộm, cách trang trí… thể hiện rõ nét các yếu tố về nguồn gốc lịch sử, văn hoá, xã hội, tín ngưỡng và thẩm mỹ cũng là truyền thống lâu đời.

Các mô típ hoa văn trên trang phục với các sắc thái truyền thống biểu hiện đặc trưng cho thế giới quan và nhân sinh quan được chắt lọc và hoàn thiện qua tư duy, thẩm mỹ, tập quán và tín ngưỡng của dân tộc Mông. Thông qua hoa văn để khẳng định giá trị của bộ trang phục và khẳng định tư duy thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của một cộng đồng dân cư. Nghiên cứu hoa văn trên trang phục của người Mông không thể là việc làm giản đơn mà là cả quá trình tiếp cận lâu dài, đúng hướng. Những thành tựu nghiên cứu về hoa văn trên trang phục và hoa văn trên các vật dụng khác nhau của người Mông hiện nay chưa nhiều. Các công trình đã công bố chủ yếu nghiên cứu hoa văn trên bình diện lịch sử, văn hoá, dân tộc học. Cũng có những đề tài về hoa văn được khai thác dưới góc độ mỹ thuật học về các yếu tố tạo hình, trang trí nhưng còn hạn chế. Nhận thấy việc nghiên cứu, nhận diện các yếu tố tạo hình, trang trí hoa văn trên trang phục người Mông là một vấn đề bức thiết đặt ra có ý nghĩa trên bình diện mỹ thuật, NCS Nguyễn Thị Minh Ngọc đã lựa chọn đề tài Hoa văn trên trang phục của người Mông ở tỉnh Lào Cai làm Luận án tiến sĩ. Trên cơ sở nghiên cứ đó góp phần đem lại cái nhìn về mỹ thuật dân gian của đồng bào Mông tại Tỉnh Lào Cai.

NCS Nguyễn Thị Minh Ngọc

Luận án là chuyên khảo nghiên cứu một cách hệ thống, đi sâu nhận diện và phân tích các vấn đề nghệ thuật tạo hình, trang trí, mỹ thuật dân gian về hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa và Mông Đen, qua đó bổ sung tư liệu về văn hóa, mỹ thuật tộc người đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của người Mông ở tỉnh Lào Cai.

Qua phần tập hợp, hệ thống hoá các tư liệu nghiên cứu và phân loại bố cục, màu sắc, mô típ, kỹ thuật; luận án sẽ góp phần làm rõ giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ hoa văn trên trang phục của người Mông, hướng đến làm sáng tỏ diện mạo của mỹ thuật dân gian của người Mông trong dòng chảy của mỹ thuật các tộc người.

Bên cạnh đó, luận án Hoa văn trên trang phục của người Mông ở tỉnh Lào Cai là một công trình có tính hệ thống về mỹ thuật trang phục, ngôn ngữ tạo hình hoa văn trong tổng quan nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông. Bước đầu đã nhận diện hoa văn thông qua các yếu tố tạo hình mỹ thuật như hình khối, bố cục, đường nét, màu sắc, chất liệu.

Kết quả nghiên cứu của luận án là nguồn tài liệu bổ ích cho công tác tuyên truyền bảo tồn bản sắc văn hóa, nghệ thuật dân gian của người Mông ở tỉnh Lào Cai, là tài liệu cho các cơ quan quản lý văn hóa địa phương, bảo tàng tỉnh tham khảo, bổ sung các thuyết minh, tuyên truyền về văn hóa người Mông ở tỉnh Lào Cai.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, người hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (11 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (09 trang), Phụ lục (75 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát hoa văn trên trang phục của người Mông ở tỉnh Lào Cai (52 trang)

Chương 2: Nhận diện hoa văn trên trang phục của người Mông ở tỉnh Lào Cai (58 trang)

Chương 3: Đặc trưng và giá trị hoa văn trên trang phục của người Mông Đen và Mông Hoa ở tỉnh Lào Cai (42 trang).

NCS Nguyễn Thị Minh Ngọc đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Thị Minh Ngọc đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Nguyễn Thị Minh Ngọc./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận