Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Phương Hòa

Ngày đăng: 26/10/2022 Lượt xem: 335
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 26/10/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Phương Hòa với đề tài: Vai trò Nhà nước trong chính sách phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam theo tinh thần Công ước UNESCO 2005 về đa dạng văn hóa, chuyên ngành: Quản lý văn hóa, mã số: 9229042, do GS.TS Từ Thị Loan và TS Nguyễn Văn Tình hướng dẫn.

Hội đồng bảo vệ luận án

Mục tiêu của Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá, thường được biết đến là Công ước về đa dạng văn hóa (dưới đây gọi tắt là Công ước UNESCO 2005) là khẳng định chủ quyền của quốc gia trong việc đưa ra các chính sách văn hóa, công nhận tính hai mặt của hàng hóa và dịch vụ văn hóa, tăng cường sự đoàn kết và hợp tác quốc tế để khuyến khích, nuôi dưỡng sự biểu đạt văn hóa của tất cả các quốc gia. Sự ra đời của văn kiện pháp lý quốc tế này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đa số các nước, trong đó có các nước đang phát triển và chính thức có hiệu lực vào tháng 3 năm 2007.

Là quốc gia có nền văn hóa đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc, Việt Nam nhận thấy sự phù hợp về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách văn hóa của Nhà nước đối với các nội dung của Công ước, cũng như những lợi ích mà Công ước đem lại đối với các nước đang phát triển về đối xử ưu đãi, hợp tác phát triển, hợp tác quốc tế, hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ Quốc tế về Đa dạng Văn hóa v.v... Trước sự vận động chính trị mạnh mẽ của khối Pháp ngữ, đồng thời, với mong muốn khẳng định vai trò chủ động và tích cực tại một thể chế đa phương trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam là một trong những nước sớm nhất trong khu vực hưởng ứng tích cực, tham gia vào quá trình soạn thảo Công ước, phê chuẩn việc gia nhập Công ước UNESCO 2005.

Sau 15 năm gia nhập Công ước, Chính phủ Việt Nam đã làm gì để thực hiện các mục tiêu mà Công ước đề ra? Việc thực hiện Công ước đã đặt ra những vấn đề gì về sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách văn hóa (CSVH) tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), đóng góp vào sự đa dạng của văn hóa thế giới? Nhận thức “văn hóa là nguồn lực quan trọng” cho sự phát triển đất nước, Việt Nam có nhu cầu nội sinh đòi hỏi phải hình thành và phát triển những thương hiệu sản phẩm văn hóa Việt Nam đáp ứng nhu cầu hưởng thụ trong nước và mở rộng ra thị trường thế giới, lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia. Để thực hiện điều này, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách vừa đồng bộ, vừa mang tính đột phá để khai thác được sức sáng tạo, xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. NCS Nguyễn Phương Hòa đặc biệt quan tâm đến những tác động về mặt chính sách mà Công ước UNESCO 2005 có thể đem lại đối với hệ thống chính sách văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là những vấn đề đặt ra đối với vai trò của Nhà nước trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó NCS đã lựa chọn đề tài Vai trò Nhà nước trong chính sách phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam theo tinh thần Công ước UNESCO 2005 về đa dạng văn hóa làm luận án tiến sĩ.

NCS Nguyễn Phương Hòa

Với đề tài này, NCS Nguyễn Phương Hòa mong muốn có thể đưa ra những khuyến nghị đối với Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, góp phần vào việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp”. Đồng thời về mặt lý luận và thực tiễn nhằm phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, qua đó, đóng góp vào sự phát triển đa dạng văn hóa chung ở cấp độ toàn cầu.

Đề tài cũng đóng góp vào việc hiểu biết rõ hơn các khái niệm về công nghiệp văn hóa, đa dạng văn hóa, đưa ra những lý giải về sự phát triển của lý thuyết đa dạng văn hóa trong bối cảnh đương đại ở cấp độ toàn cầu, và đề xuất một khái niệm mới về công nghiệp văn hóa và sáng tạo cho Việt Nam.

Ngoài ra, đề tài luận án còn góp phần làm sáng tỏ lý luận về mô hình phân tích chính sách văn hóa gắn với cấu trúc và phương thức quản trị thông qua việc phân tích vai trò của các Chính phủ trong việc hoạch định chính sách văn hóa và thực thi một Công ước quốc tế ở các mô hình chính sách khác nhau, đồng thời làm rõ vai trò của Nhà nước trong quy trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, đưa ra khuyến nghị về mô hình chính sách văn hóa của Việt Nam, góp phần hình thành một mô hình mới trong lý thuyết về mô hình chính sách văn hóa của thế giới.

Với việc áp dụng phương pháp đánh giá chính sách của UNESCO đối với việc thực thi Công ước tại một số quốc gia và Việt Nam, luận án giúp rút ra các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị về mặt chính sách, đề xuất một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, vừa có tính đột phá, khả thi, góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị thực tiễn trong việc áp dụng các khuyến nghị, giải pháp đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển các ngành CNVH và cơ chế quản lý văn hóa tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác nghiên cứu, quản lý và giảng dạy về các chủ đề liên quan.

Hội đồng phản biện, đánh giá luận án

GS.TS Từ Thị Loan và TS Nguyễn Văn Tình, đồng hướng dẫn khoa học

Ngoài phần Mở đầu (9 trang), Kết luận (3 trang), Tài liệu tham khảo (19 trang), Phụ lục (93 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về Công ước UNESCO 2005 (58 trang).

Chương 2: Vai trò của Nhà nước trong các mô hình chính sách văn hóa trên thế giới và tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Công ước UNESCO 2005 (61 trang).

Chương 3: Giải pháp của Nhà nước và mô hình chính sách phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam (47 trang).

NCS Nguyễn Phương Hòa đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Phương Hòa đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Quản lý văn hóa cho NCS Nguyễn Phương Hòa./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận