Báo động "xâm lấn" văn hóa bằng con đường phim ảnh

Ngày đăng: 18/07/2024 Lượt xem: 97
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội thảo khoa học "Công tác quản lý phim trên không gian mạng" nhằm phân tích, đánh giá, có cái nhìn tổng quát, tìm ra giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng ở nước ta hiện nay.

Phim độc hại vẫn còn "lọt lưới" trên không gian mạng

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh TS Đỗ Quốc Việt cho biết: Đứng trước sự thay đổi về thói quen và phương thức xem phim của khán giả, các đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong nước và nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như: VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV… đặc biệt, năm 2017, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam tạo ra bước thay đổi đáng kể trong hoạt động phổ biến phim trên mạng.

Theo số liệu từ App Annie, chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android vào đầu năm 2020, Netflix đã có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam. Mỗi năm Netflix thu về hơn 1.728 tỷ đồng tương đương với gần 1/2 doanh thu phòng vé của phim Việt chiếu rạp năm 2023 tại Việt Nam với số lượng ước đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng), với tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Đặc điểm chung của các dịch vụ cung cấp phim trên không gian mạng là có thể thực hiện xuyên biên giới, nguồn phim đa dạng, phong phú với mức chi phí hợp lý (thu tiền qua tài khoản ngân hàng), tiện ích xem phim không giới hạn về thời gian và địa điểm.

Báo động "xâm lấn" văn hóa bằng con đường phim ảnh  - Ảnh 1.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh TS Đỗ Quốc Việt phát biểu đề dẫn Hội thảo

Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những khó khăn, bất cập nhất định. Vấn đề đặt ra giờ đây không chỉ còn là việc kiểm soát nội dung các bộ phim xem chúng có phù hợp với chính sách của một nhà nước hay không nữa mà còn liên quan trực tiếp đến các khía cạnh khác như việc thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; chi phí và các mức thuế mà người xem phải chi trả cho việc xem các bộ phim được phát trên các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài…

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước nhiều khi rơi vào trạng thái chưa chủ động do những thay đổi khách quan về công nghệ, về phương thức phổ biến,... trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện theo sự phát triển của xã hội và những đổi mới như vũ bão về công nghệ...

"Trước thực trạng đó, chúng tôi mong muốn thông qua Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia sẽ phân tích, nhận định, đánh giá, tìm ra những vướng mắc, hạn chế, từ đó, đề ra giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam" – TS Đỗ Quốc Việt nói.

Báo động "xâm lấn" văn hóa bằng con đường phim ảnh  - Ảnh 2.

Báo động "xâm lấn" văn hóa bằng con đường phim ảnh  - Ảnh 3.

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL) Ngô Minh Nguyệt cho biết: Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng cùng những tác động nhiều chiều của nó mang lại, Việt Nam đã có những điều luật, các quy định cho các doanh nghiệp, nhà phát hành và cả người dân khi tham gia, sử dụng, kinh doanh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, với phim ảnh, thực tế nhiều năm qua đã chỉ rõ có những cài cắm tinh vi về chủ quyền, những tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật.

Ví dụ như bộ phim Nhất sinh nhất thế (Một đời, một kiếp) phát trên nền tảng IQiYi Việt Nam, Hướng gió mà đi phát trên Netflix và fptplay.vn… đã được lồng ghép đường lưỡi bò (đường chín đoạn) trong một số chi tiết, phân cảnh phim. Trước đó, một số bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta, Bà ngoại trưởng (chiếu trên Netflix)… đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các vi phạm hoặc cấm chiếu.

"Những "xâm lấn" từ từ bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng. Lâu dần, những điều tưởng như vô lý sẽ dần được chấp nhận và bị nhầm tưởng là sự thực khi chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần qua các bộ phim. Với công chúng khi tiếp cận, xem quá nhiều những bộ phim như vậy sẽ vô tình bị định hướng, dẫn dắt theo những tư tưởng sai lạc dẫn đến những nhận thức, các hiểu biết sai về chủ quyền lãnh thổ, về dân chủ, dân quyền trong đời sống xã hội, tôn giáo" – bà Ngô Minh Nguyệt nhấn mạnh.

Các nhà phổ biến phim vẫn "nhờn" với luật

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Điều phối, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TTTT) Phan Thu Hồng cho biết: Cùng với những nội dung trong Luật Điện ảnh năm 2022, nhiều quy định mới có hiệu lực từ năm 2023 đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, giúp cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Thế nhưng tình trạng phim mạng độc hại được công chiếu công khai thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp; bất cập nằm ở chỗ những đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng có thu phí tại Việt Nam nhưng không chịu sự quản lý, không có tư cách pháp nhân ở nước ta, dẫn đến tình trạng nhiều lần vi phạm. Hình thức xử lý mới dừng ở việc yêu cầu gỡ bỏ phim vi phạm nên dường như các nhà phổ biến phim nước ngoài trên không gian mạng vẫn đang "nhờn" luật.

Công tác tiền kiểm chưa chặt chẽ, triệt để dẫn tới một số phim độc hại "lọt lưới" trên không gian mạng. Bên cạnh đó, trước khi bị yêu cầu gỡ bỏ thì những bộ phim này đã được nhiều khán giả, nhất là giới trẻ đón xem, thậm chí lưu trữ về máy tính, điện thoại cá nhân.

Báo động "xâm lấn" văn hóa bằng con đường phim ảnh  - Ảnh 4.

Quảng cảnh Hội thảo

Trước những diễn biến phức tạp của môi trường mạng, bà Ngô Minh Nguyệt cho rằng: Vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng cần được cụ thể bằng các điều luật, quy định cụ thể, rõ ràng. Càng cụ thể bao nhiêu thì càng hạn chế được những tác hại, mặt tiêu cực mà không gian mạng mang lại trong đó có lĩnh vực phổ biến phim. Việc xây dựng các điều luật cũng giúp cho các đơn vị sáng tạo nội dung, vận hành phổ biến phim trên không gian mạng có nền tảng pháp lý để định hướng, điều tiết các hoạt động của mình. Luật càng cụ thể, dễ hiểu càng giúp các nghệ sĩ, các đơn vị phổ biến phim dễ vận hành.

Đồng quan điểm trên, bà Phan Thu Hồng cho biết: Cần phải tăng cường thẩm định, rà soát, xử lý đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung sai phạm, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán sản phẩm văn hóa, phim ảnh đồi trụy; cương quyết chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm để đảm bảo tính răn đe, nghiêm trị.

Báo động "xâm lấn" văn hóa bằng con đường phim ảnh  - Ảnh 5.

Phim độc hại vẫn còn "lọt lưới" trên không gian mạng (ảnh minh họa)

"Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác của mỗi người dân Việt Nam nhằm chủ động phát hiện, tố giác hành vi cài cắm, tuyên truyền "đường lưỡi bò" phi pháp vào các tác phẩm văn hóa, điện ảnh để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Đối với những quốc gia khác còn chưa hiểu rõ âm mưu "đường lưỡi bò" thì nhiệm vụ của chúng ta phải cung cấp thông tin chính thống cũng như lên tiếng mạnh mẽ tại các diễn đàn quốc tế về biển và đại dương, các hội thảo quốc tế về biển Đông, các phiên họp Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn khu vực để bạn bè quốc tế hiểu rõ bản chất của "Đường lưỡi bò", đồng thời vạch trần âm mưu của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông" - bà Phan Thu Hồng nói.

Vấn đề quản lý như thế nào, quản lý làm sao trong bối cảnh từng phút đều có phim mới được đưa lên không gian mạng, đây là câu chuyện dài, theo các chuyên gia, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành./.

Nguồn: toquoc.vn

Bình luận