Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ

Ngày đăng: 20/12/2024 Lượt xem: 18
Mặc định Cỡ chữ

“Ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá, kết quả cao hơn năm 2024...”, là những ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, đã thực sự khiến những người làm VHTTDL ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình là phải nỗ lực hơn, quyết tâm cao hơn nữa.

Các địa phương cần chuẩn bị kỹ để đồng hành với Bộ

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 1

Tham luận của một số địa phương tại Hội nghị đã phản ánh phần nào sự thành công trong định hướng của lãnh đạo Bộ VHTTDL tập trung vào một số nội dung quan trọng như phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa ở các khu công nghiệp. Đây là những vấn đề lớn, vì Bộ cần chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ này. Để làm sao các địa phương có sự chuẩn bị kỹ càng cùng đồng hành với Bộ trong việc thực hiện để tạo nên những bước đột phá trong giai đoạn mới.

Về công tác nghiên cứu khoa học, các đơn vị cần có những định hướng, giải pháp triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Cần đặc biệt tăng cường liên kết trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể, đơn giản, gọn nhẹ hơn các thủ tục hành chính để công tác nghiên cứu khoa học ngày càng thiết thực.

(TS NGUYỄN THẾ HÙNG, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường)

Đặt hàng đầu tư cho tác phẩm phải có hiệu quả

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 2

Năm 2024, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã có những phát triển quan trọng. Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật. Đặc biệt hoàn thành hồ sơ xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập, Nghị định về hoạt động Văn học, các Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật, chuẩn bị sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 144/2020/ NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn để bổ sung, chỉnh sửa làm sao cho phù hợp với thực tiễn...

Năm 2025 sẽ có rất nhiều chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo Bộ đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn, chúng tôi đang triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ có cuộc họp bàn với các nhà hát để làm sao việc đầu tư đặt hàng các tác phẩm của Bộ phải thật hiệu quả, các sản phẩm được đặt hàng phải đảm bảo chất lượng và mang tính định hướng tiên phong, nếu đơn vị nào sử dụng không hiệu quả sẽ phải điều chỉnh cho đơn vị khác làm hiệu quả hơn.

(NSND NGUYỄN XUÂN BẮC, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, xây dựng pháp luật

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 3

Mỗi Cục, Vụ có chức năng tham mưu quản lý nhà nước phải chủ động, quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong việc rà soát các văn bản pháp luật điều chỉnh phạm vi lĩnh vực quản lý, phát hiện kịp thời những bất cập và chủ động tham mưu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung theo đúng tinh thần chỉ đạo về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Đặc biệt cần rà soát những quy định cấm hiện nay trong luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Coi công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện. Đối với các đơn vị được phân công chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật của ngành phải nghiên cứu, thực hiện đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác xây dựng văn bản, luôn gắn chặt với những vấn đề thực tiễn, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

(Ông PHẠM CAO THÁI, Vụ trưởng Vụ Pháp chế)

Đẩy mạnh thể chế cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 4

Về những nhiệm vụ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, năm 2025 ngành văn hóa phải hoàn thiện thể chế vì thể chế cũng là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đột phá của đột phá, nguồn lực cho sự phát triển... Để làm được điều này phải có những giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, thời gian tới cần đẩy mạnh thể chế cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để có những cơ chế đặc thù cho các văn nghệ sĩ và cho đào tạo; cần tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, đẩy mạnh hợp tác công- tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong văn hóa không chỉ giúp lưu trữ và bảo tồn các tài nguyên văn hóa vật thể (hiện vật, kiến trúc) và phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật biểu diễn) dưới dạng dữ liệu kỹ thuật số, bảo vệ chúng khỏi nguy cơ mai một hoặc bị hư hỏng theo thời gian mà còn góp phần tạo ra môi trường tương tác, giúp người dân dễ dàng tham gia sáng tạo và lan tỏa giá trị văn hóa thông qua các nền tảng trực tuyến.

(Bà NINH THỊ THU HƯƠNG, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở)

Cần những chính sách đột phá và sự chung tay từ mọi thành phần xã hội cho phát triển văn hóa

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 5

Các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Minh chứng là các đêm diễn “cháy vé” của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gaiAnh trai say hi với doanh thu lớn. Điều đó cho chúng ta thấy giá trị của sự sáng tạo kết nối hiện tại và tạo sức bật cho văn hóa trong tương lai. Vì thế, chúng ta không còn hoài nghi về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Công việc trước mắt cần thực hiện là sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất cho những doanh nghiệp văn hóa cũng như luật đầu tư, tài trợ, hiến tặng để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như bảo tồn di sản, nghệ thuật, truyền thông văn hóa... để tạo ra một thế hệ chuyên gia có năng lực đóng góp vào việc phát triển văn hóa quốc gia.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

 Tâm đắc với giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 6

Ý kiến chỉ đạo và giải pháp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra có tầm vĩ mô nhưng lại rất cụ thể. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phải có cơ chế, chính sách đặc thù; đào tạo từ rất sớm, ngay từ nhỏ với các tài năng, năng khiếu. Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật rất mong chờ các Bộ, ngành cùng vào cuộc với Bộ VHTTDL nghiên cứu, quan tâm tới điều kiện của các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù để có các quy định phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở đảm bảo được điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và phù hợp với quy định hiện hành. Cần có đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật.

(Ông NGÔ LÊ THẮNG, Hiệu trưởng Trường Trung cấp NT Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam)

Phát triển công nghiệp văn hóa hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 7

TP.HCM đang hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Để phát triển công nghiệp văn hóa, TP.HCM sẽ đầu tư vào các thiết chế văn hóa hiện đại như phim trường, trung tâm biểu diễn và cơ sở đào tạo chuyên ngành. Thành phố cũng tăng cường liên kết quốc tế, xây dựng sản phẩm văn hóa quốc gia và quảng bá văn hóa Việt Nam. TP.HCM sẽ hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, phát triển nhân lực và chương trình đào tạo chuyên nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Với điện ảnh, TP.HCM sẽ trở thành Thành phố Điện ảnh và tái sử dụng di sản công nghiệp thành trung tâm sáng tạo.

TP.HCM đề xuất các chính sách và cơ chế để phát triển công nghiệp văn hóa, bao gồm giữ thuế suất VAT ưu đãi 5% cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sản xuất và chiếu phim thay vì thuế suất 10%, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này; điều chỉnh các văn bản pháp lý cho phép thực hiện các dự án công nghiệp văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với những dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nhằm thúc đẩy đầu tư; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm văn hóa nghệ thuật, nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; khuyến khích các ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng, ưu tiên cho vay các dự án công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

(Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM)

Tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mới

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 8

Du lịch Hà Nội đã chủ động triển khai quyết liệt, sáng tạo theo các chỉ đạo, định hướng quan trọng của Bộ VHTTDL, đặc biệt là các văn bản về phát triển du lịch được Bộ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, thông qua đó đạt được nhiều kết quả, thành tích nổi bật. Cùng với việc nắm bắt được những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức, du lịch Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2024.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung dành nguồn lực tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá thị trường khách du lịch (nội địa và quốc tế), chỉ tiêu về mức chi tiêu của khách du lịch, chỉ tiêu về đóng góp của ngành Du lịch; tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Dự kiến, năm 2025, thành phố sẽ ra mắt hai tuyến du lịch văn hóa kết nối tới phía nam và phía tây thành phố; một điểm đến du lịch cộng đồng tại huyện Mỹ Đức; Từ một đến hai mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm du lịch đêm. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mới tại các khu vực có tiềm năng, thế mạnh như: Du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo…

(Bà VŨ THU HÀ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội)

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 9

Trong những năm qua, Hải Phòng đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thể thao ở mọi cấp độ, từ phong trào quần chúng đến thể thao thành tích cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời xây dựng môi trường sống lành mạnh, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt là chính sách phát triển thể thao thành tích cao.

Với sự tham mưu của Sở VHTT, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố, những Nghị quyết định hướng cho sự phát triển của thể thao thành tích cao đã được ban hành và tạo ra những tác động rất tích cực trong những năm gần đây. Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao luôn được Hải Phòng quan tâm triển khai và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa. Văn hóa và thể thao là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Sự thống nhất, phối hợp tốt giữa các ngành, các địa phương đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các hệ thống chính trị giúp ngành văn hóa và thể thao thành phố phát huy vai trò động lực của mình.

(TS TRẦN THỊ HOÀNG MAI, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng)

Sớm có những văn bản hướng dẫn

 Những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ - ảnh 10

Về công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã kịp thời đưa ra nhiều quyết sách, giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn của ngành. Lĩnh vực VHTTDL liên tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để đóng góp, xây dựng nền văn hóa nước nhà ngày càng vững bền. Điều đó chứng tỏ lĩnh vực VHTTDL ngày càng có rất nhiều ưu thế.

Tại Đà Nẵng, ngành VHTTDL luôn được chính quyền thành phố quan tâm, đầu tư. Ngày càng có nhiều chương trình nghệ thuật, thể thao chất lượng hấp dẫn phục vụ người dân và công chúng. Để chuẩn bị những bước tiếp theo cho năm 2025, ngành VHTT cũng có một số đề xuất với Bộ VHTTDL, cụ thể là sớm ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1189/ QĐ-TTg ngày 15.10.2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện. Sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao; Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn chuyên môn đối với từng môn thể thao hiện nay chưa có và Thông tư mới thay thế các Thông tư cũ quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn chuyên môn đối với từng môn thể thao hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn như các môn dù lượn, mô tô nước trên biển...

(Ông HÀ VỸ, Phó Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng)

Nguồn: baovanhoa.

Bình luận