Sáng ngày 18/2, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ VHTTDL tổ chức với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - động lực phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cùng 772 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn
Tham dự hội nghị tại các điểm cầu có Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành VHTTDL. Ảnh: Nam Nguyễn
Với chủ đề công tác năm là “Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích”, trong năm 2024, Bộ VHTTDL đã tích cực, chủ động trong việc triển các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã đạt nhiều thành tựu. Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đây là những kết quả vô cùng quan trọng.
Không chỉ tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt", năm 2024 ngành công nghiệp văn hóa cũng có những chuyển biến lớn lao cả trong chính sách và thực tiễn, và được xác định là lĩnh vực quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có nhiều tiến bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Nam Nguyễn
Đại diện Viện VHNTQGVN báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh: "Trong kỷ nghuyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn hóa không thể không phát huy sức mạnh nội sinh, khả năng tạo động lực mạnh mẽ trong việc định vị bản sắc, thương hiệu quốc gia trong những bước chuyển mình lớn lao của đất nước. Để làm được điều này, chúng ta phải có một tầm nhìn chiến lược, một giải pháp hệ thống, hành động thiết thực để phát huy hiệu quả thời cơ, chuyển hóa kịp thời thách thức để tạo sự vươn mình của văn hóa". Những kết quả nghiên cứu của Viện VHNTQGVN cũng cho thấy, để phát huy các thời cơ sẵn có, chúng ta cần thống nhất nhận thức, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế một cách có hệ thống để khơi thông nguồn lực thông qua hợp tác công tư, thúc đẩy đầu tư tài trợ cho văn hóa và chính sách giảm thuế trong lĩnh vực văn hóa, - một lĩnh vực vốn rất cần sự nâng đỡ và thúc đẩy của xã hội để tạo nên những giá trị vô hình, hữu hình quý giá, liên quan đến sự tồn vong của dân tộc; đầu tư phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật rất cần phải xây dựng được hệ thống chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trọng dụng nhân tài. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt nam ra thế giới; Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nam Nguyễn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng rằng, sau hội nghị, ngành văn hóa sẽ càng nỗ lực quyết tâm hơn để phấn đấu thực hiện chức năng: “Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh đã thay mặt Chính phủ, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng cũng như chúc mừng những kết quả quan trọng mà ngành VHTTDL trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, đồng thời chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà ngành cần chú trọng giải quyết, bao gồm: Tạo đột phá về thể chế theo hướng từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, kiên quyết loại bỏ cơ chế “xin - cho”; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch; Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm; Huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp; Nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu; Xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển; Tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của văn hóa, thể thao và du lịch.
Thủ tướng còn yêu cầu, “Ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian; quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024”, trong đó coi phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc; phát triển ngành thể thao để nâng cao thể lực, sức khỏe người dân; phát triển du lịch bứt phá, là ngành mũi nhọn. Đây là một yêu cầu khách quan, là đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe, một nền văn hóa giàu bản sắc.
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của ngành VHTTDL trong năm tiếp theo không chỉ góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới.
Tổng hợp: Phượng Nguyễn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục