Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - VICAS phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa” để cùng tìm ra giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển văn hóa bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, văn hóa được coi là một trong bốn trụ cột chính, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Để phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững, việc khai thông áp dụng mô hình hợp tác công tư trở thành một xu hướng tất yếu, đặc biệt khi nguồn lực từ nhà nước còn hạn chế và cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các hoạt động hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hoá ở nước ta trong thời gian qua vẫn đang gặp nhiều rào cản về khuôn khổ pháp lý, cơ chế tài chính, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các Bộ, ban ngành có liên quan.
Hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa” nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển văn hóa.
Hội thảo “Hợp tác công- tư trong phát triển văn hóa” được tổ chức với mong muốn là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu cùng các cơ quan thực thi chính sách và các chủ thể là doanh nghiệp, nhà sáng tạo văn hóa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và đề xuất các giải pháp góp phần khai thác có hiệu quả nguồn lực nhà nước và huy động sự đóng góp tích cực từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực văn hoá. Từ đó tham mưu các chính sách đi vào thực tiễn và góp phần thúc đẩy ngành văn hóa phát triển bền vững.
Hội thảo đã nhận được 35 tham luận tập trung vào các nhóm chủ đề: Những vấn đề mang tính lý luận, luận giải về hợp tác công - tư (hợp tác PPP) trong lĩnh vực văn hóa, với những đặc thù riêng. Bên cạnh đó phân tích, đánh giá về khung khổ pháp lý và hình thức triển khai thực hiện hợp tác công – tư ở Việt Nam hiện nay; đánh giá thực trạng hợp tác công – tư đối với từng lĩnh vực văn hoá cụ thể và những kết quả đạt được; những mô hình, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về triển khai hình thức hợp tác công – tư và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; các giải pháp đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn về khung khổ pháp lý và những điểm nghẽn trong hợp tác công - tư về văn hóa.
Hợp tác công - tư tạo nên vẻ đẹp lung linh của cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hà Nội)
Tại hội thảo các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, cơ chế, chính sách và sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở nước ta thời gian qua chưa đồng bộ do nguồn lực công còn hạn chế và chưa khai thác hiệu quả khu vực tư nhân. Việc thúc đẩy hợp tác PPP sẽ tạo ra những giá trị văn hóa mới, phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quốc gia.
Mặc dù phương thức PPP đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng đa số chỉ áp dụng cho lĩnh vực giao thông với việc thực hiện theo loại hợp đồng BOT. Vì vậy, khi áp dụng cho các lĩnh vực mới như văn hóa, các nhà đầu tư sẽ khó khăn trong việc xác định doanh thu, chi phí, công suất hoạt động, khả năng trả nợ vay... khiến cho việc đánh giá tính khả thi đối với hiệu quả tài chính cho các dự án phát triển văn hóa cũng khó phân định.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất để hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa có hiệu quả vẫn là việc cần phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, hướng dẫn triển khai Luật PPP trong lĩnh vực văn hóa. Nhà nước phải xác định được các lĩnh vực văn hoá trọng điểm ở tầm vóc quốc gia, vùng và địa phương cần sự hợp tác của các đơn vị tư nhân.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh phát triển hiện nay, hợp tác PPP có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, phục vụ các nhu cầu và mục tiêu dự án văn hóa khác nhau từ công trình thiết chế văn hóa công cộng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, cơ sở hạ tầng du lịch văn hóa cho đến hạ tầng văn hóa số, cơ sở hạ tầng công nghiệp sáng tạo…
Hội thảo “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa” thêm một lần nữa nhấn mạnh rằng, đầu tư cho văn hóa hiệu quả đòi hỏi nguồn lực lớn và dài hạn trong khi ngân sách Nhà nước và kinh nghiệm trong vận hành còn hạn chế. Do đó, hợp tác PPP là giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển văn hóa, không chỉ tạo ra những giá trị văn hóa mới, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, mà còn đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quốc gia.
Nguồn: vov2.vov.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục