Kiến tạo để ngành, địa phương phát triển

Ngày đăng: 17/12/2024 Lượt xem: 1.894
Mặc định Cỡ chữ

Trao đổi với Văn Hóa, nhiều đại biểu, nhà quản lý, chuyên gia đánh giá trong năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, triển khai và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó, điểm sáng nổi bật phải kể đến là tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, kiến tạo thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển.

Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”

Kiến tạo để ngành, địa phương phát triển - ảnh 1

Tôi cho rằng trong năm qua, ngành VHTTDL đã có nhiều đóng góp vào bức tranh chung tươi sáng của đất nước. Điểm nhấn đáng chú ý là ngành đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đặc biệt Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Hồ sơ dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và được Quốc hội đánh giá cao. Việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa với đa số phiếu tán thành đã cho thấy Quốc hội luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của văn hóa và luôn hướng tới mục tiêu tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, khơi thông, phát huy nguồn lực để văn hóa phát triển. Với lĩnh vực Di sản, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tiếp thêm sức sống cho các giá trị văn hóa dân tộc, để những di sản quý báu ấy được gìn giữ và lan tỏa, trường tồn, góp phần biến di sản thành tài sản, động lực, đóng góp vào phát triển bền vững đất nước.

Còn với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, việc Chương trình được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, trong đó có việc đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân đối với xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam và giải quyết được bài toán về nguồn lực đầu tư cho các di sản đang có nguy cơ xuống cấp, mai một. Tôi tin rằng ngành VHTTDL sẽ phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thi hành Luật và thực hiện tốt Chương trình, giúp cho văn hóa phát triển như mong đợi.

(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PHAN VIẾT LƯỢNG)

Có tính “bài bản và căn cơ” cho quốc gia buổi đầu vươn mình

Kiến tạo để ngành, địa phương phát triển - ảnh 2

Lần đầu tiên có chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa dài hơi như thế đã là một “đột phá” về trường độ kế hoạch vượt khỏi tư duy nhiệm kỳ; hơn nữa đây còn là một chương trình có tính “bài bản và căn cơ” cho quốc gia buổi đầu vươn mình.

Hình ảnh vươn mình có trong lịch sử văn hóa dân gian được cụ thể hóa và lượng hóa chứ không trừu tượng. Đó là Cậu bé làng Gióng, nghe tin có giặc Ân, được dân làng góp sức để ăn hết ba nong cơm, một nong cà, uống một ngụm nước cạn đà khúc sông và vươn mình đứng dậy thành chàng trai khổng lồ. Chàng trai mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, vỗ vào mông ngựa sắt và phi ra chiến trường đánh tan giặc nước; thắng rồi bay lên trời. Nhớ chuyện văn hóa, đọc Chương trình phát triển văn hóa 10 năm vươn mình, thấy phấn khởi với mục tiêu tổng quát được triển khai thành 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Nếu lượng hóa và định danh cho những nhóm này, có thể hiểu 9 nhóm ấy rất rõ ràng, toàn diện và thiết yếu.

Ở nhóm giá trị: Quy toàn bộ phát triển văn hóa quốc gia vào 3 mẫu số hệ giá trị (Văn hóa - Con người - Gia đình). Theo đó, mục tiêu đến năm 2030: Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cảnước thông qua các bộ quy tắc ứng xử. Đến năm 2035: Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả.

Nhóm thiết chế, đến năm 2030: Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm VHTT, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm VHTT đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn. Đến năm 2035: Có 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện.

Nhóm di tích, đến năm 2030: Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích). Đến 2035, tỉlệ phấn đấu hoàn thành lần lượt là 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia.

Nhóm GDP: Theo đó, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước vào năm 2030 và 8% vào năm 2035.

Nhóm số hóa, mục tiêu đến 2030 phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của CMCN lần thứ 4; đến 2035 sẽ hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế.

Nhóm thụ hưởng: Phấn đấu đến 2030 có 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; đến năm 2035: 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật.

Nhóm sáng tạo: Phấn đấu đến 2030 có 90% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; đến 2035, tỷ lệ này là 100%.

Nhóm công trình, đến 2030: Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến; và mục tiêu đến 2035: Hằng năm, có từ 10-15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.

Nhóm quốc tế: Đến 2030, phấn đấu hằng năm cóít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam. Đến 2035, phấn đấu có ít nhất 6 sự kiện.

(PGS.TS HÀ MINH HỒNG, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nỗ lực rất lớn của Bộ VHTTDL

Kiến tạo để ngành, địa phương phát triển - ảnh 3

Việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã đem lại niềm vui chung cho toàn ngành Văn hóa và những người tâm huyết với văn hóa Việt Nam. Để có được kết quả này, phải thẳng thắn khẳng định đây là nỗ lực rất lớn của Bộ VHTTDL trong quá trình tính toán, đề xuất chủ trương đầu tư.

Chương trình đã đưa ra những mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, trong đó xác định những định hướng chung và có những nội dung cụ thể về đầu tư cho thư viện. Khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống thư viện sẽ được kiện toàn, củng cố, và quan trọng hơn là được chuẩn hóa. Các thư viện sẽ có đủ điều kiện để tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa đọc, tạo ra môi trường giúp người dân học tập suốt đời.

Với nguồn lực từ chương trình, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có thư viện số quốc gia, các thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế. Từ việc tăng cường đầu tư cho thư viện, chắc chắn hiệu quả hoạt động sẽ được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của nhân dân.

 Ngoài ra, khi chương trình được triển khai, các thư viện cần phát huy hiệu quả những nội dung được đầu tư. Điều quan trọng để đảm bảo thành công là các thư viện không nên chỉ thụ động đợi chờ những chương trình hay dự án cụ thể mà chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền trong xây dựng kế hoạch triển khai các hợp phần có liên quan. Đồng thời, tìm ra các biện pháp để thực hiện các mục tiêu mà chương trình đã được Quốc hội thông qua có gắn kết với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2021.

(TS VŨ DƯƠNG THÚY NGÀ, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL)

Mở ra nhiều cơ hội cho địa phương

Kiến tạo để ngành, địa phương phát triển - ảnh 4

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 có ý nghĩa rất lớn. Và công tác triển khai chương trình sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho các địa phương trên toàn quốc, trong đó có Huế - một địa phương có bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 8 di sản đã được UNESCO công nhận và ghi danh. Đến nay, Huế đã có 3 quần thể (hệ thống) di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp Quốc gia và 101 di tích cấp tỉnh; 205 công trình, địa điểm nằm trong Danh mục kiểm kê di tích đã phê duyệt, công bố. Vì vậy, đầu tư vào văn hóa sẽ giúp tạo ra các hoạt động du lịch văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Huế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Chương trình cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về văn hóa, giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của di sản văn hóa của quê hương, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa hiện có, mà còn tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững của Huế, kết nối các thế hệ và góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng. Nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua sẽ mở ra cơ hội hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, Chính phủ trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, từ đó nâng cao vị thế của Huế cũng như nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Với bản sắc văn hóa đặc trưng và di sản phong phú, địa phương đã đề xuất nhiều chương trình, kế hoạch, dự án, đề án nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2025-2035, cụ thể: Đầu tư vào việc bảo tồn, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa thuộc quần thể di tích Cố đô Huế; hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế; các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: Ca Huế, Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi, Lễ hội Ada Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô, Tri thức may và mặc áo dài Huế… và nhiều làng nghề truyền thống. Tổ chức các lễ hội văn hóa, hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống, thu hút đông đảo du khách và giáo dục cộng đồng về giá trị văn hóa của Huế. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tàng, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật… Tổ chức các hội thảo quốc tế, workshop về nghệ thuật Nhã nhạc, Ca Huế và các loại hình nghệ thuật dân gian khác. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia, tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo nội dung và kịp thời tôn vinh các văn nghệ sĩ, nghệ nhân hằng năm.

Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Huế để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ được triển khai với thống nhất phân cấp tối đa cho các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng; đặc biệt là trong việc tạo điều kiện cho các địa phương tự chủ và chủ động trong việc phát triển các hoạt động văn hóa, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mình. Khi địa phương có quyền tự chủ trong việc quản lý và triển khai nguồn lực, trách nhiệm trong việc thực hiện các chương trình sẽ được nâng cao và hiệu quả hơn trong quá trình triển khai. Ngoài ra, các địa phương có thể dễ dàng huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động văn hóa, từ đó tạo ra sự gắn kết giữa chính quyền và người dân. Riêng với Huế, nơi có nhiều di sản văn hóa và phong tục tập quán đặc sắc, việc được phân cấp sẽ giúp Huế chủ động hơn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị này thông qua các dự án phù hợp hơn với thực tế địa phương.

Thời gian qua, Huế đã và đang triển khai nhiều dự án hiệu quả liên quan đến văn hóa, lịch sử, và nghệ thuật, như Lễ hội Festival Huế hay các chương trình nghệ thuật truyền thống. Phân cấp sẽ cho phép Huế đẩy nhanh tiến độ và mở rộng quy mô các dự án này, đồng thời phát huy sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong các hoạt động văn hóa, từ đó tạo ra một hệ sinh thái văn hóa phát triển bền vững.

(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế NGUYỄN THANH BÌNH)

Động lực để văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm “sống mãi với thời gian”

Kiến tạo để ngành, địa phương phát triển - ảnh 5

Dấu ấn lớn nhất của Bộ VHTTDL năm vừa qua là xây dựng, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Để văn hóa thực sự soi đường cho quốc dân đi, chúng ta cần triển khai chương trình một cách bài bản, khoa học; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.

Trong đó, việc chương trình hướng đến những mục tiêu cụ thể trong phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) đã cho thấy, Bộ VHTTDL luôn quan tâm đến lĩnh vực tinh tế của văn hóa và mong muốn thúc đẩy đầu tư cho VHNT. Với chiến lược đầu tư lâu dài, nguồn lực từ chương trình sẽ là tiền đề vững chắc để VHNT nước nhà “cất cánh”. Trước đây, vì nguồn lực còn nhiều hạn chế, không ít trường hợp các văn nghệ sĩ phải tự xoay sở trong suốt quá trình sáng tác, quảng bá tác phẩm của mình. Do đó, khi VHNT được đầu tư bài bản hơn nhờ nguồn lực từ chương trình, đây sẽ là động lực để các văn nghệ sĩ mạnh dạn viết những tác phẩm lớn, dài hơi hơn và “sống mãi với thời gian”.

Ngoài ra, những văn nghệ sĩ tài năng cũng nằm trong diện được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn thông qua nguồn lực từ chương trình. Với mong muốn sẽ ngày càng có nhiều tác phẩm VHNT chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của nhân dân, việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho các văn nghệ sĩ là rất cần thiết. Trong kỷ nguyên mới, chúng ta không thể giữ tư duy viết tác phẩm chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước. Để có được đội ngũ những văn nghệ sĩ có tinh thần hội nhập, chúng ta cần dành thêm nguồn lực để đưa đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ đi đào tạo ở nước ngoài. Việc này sẽ giúp Việt Nam có lực lượng văn nghệ sĩ có phẩm chất công dân quốc tế, có ý thức trong vấn đề sáng tác những tác phẩm mang tầm quốc tế dựa trên chất liệu văn hóa dân tộc.

(Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN)

Nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới

Kiến tạo để ngành, địa phương phát triển - ảnh 6

Năm 2024, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định cam kết của đất nước trong việc bảo vệ và phát triển các giá trị di sản. Một trong những dấu ấn nổi bật là việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, khóa XV.

Trong năm qua, UNESCO đã ghi danh “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” vào danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nâng tổng số di sản tư liệu Việt Nam lên 10 di sản. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc triển khai hiệu quả các chính sách bảo tồn, đồng thời khẳng định Việt Nam có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về di sản văn hóa.

Đặc biệt, vào tháng 12.2024, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tại Châu Đốc, An Giang đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đánh dấu bước phát triển mới trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Chăm và Hoa.

Các ghi danh quốc tế này không chỉ làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam mà còn góp phần nâng cao vị thế của đất nước, khẳng định sức sống và sự trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này tạo ra cơ hội để Việt Nam tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế, thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế thông qua di sản.

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là các di sản đã được UNESCO ghi danh. Việc bảo vệ không chỉ dựa vào các giải pháp pháp lý và tổ chức, mà còn cần nâng cao nhận thức cộng đồng. Các chương trình giáo dục, sự kiện giao lưu văn hóa nhằm tạo động lực bảo tồn trong cộng đồng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và quảng bá di sản ra thế giới.

Ứng dụng công nghệ số để bảo vệ và phục dựng di sản là yếu tố quan trọng. Cùng với đó, đề cao vai trò của truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản và lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản. Ngoài ra, phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn di sản sẽ góp phần phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị văn hóa.

(PGS.TS LÂM NHÂN - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam)

Nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận