Ngày 15.2, UBND TP.HCM tổ chức Tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) lĩnh vực điện ảnh.
Toàn cảnh Tọa đàm
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục, Viện, trường đại học thuộc Bộ VHTTDL, lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan ngoại giao, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp và người thực hành trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết TP.HCM nằm trong 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Chính quyền cam kết cùng doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, với mục tiêu tăng trưởng xanh và nâng cao chất lượng sống cho người dân, hướng đến đô thị bền vững vào năm 2030.
Bà Diệu Thúy cho biết TP.HCM đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp điện ảnh, lĩnh vực có bề dày phát triển, sức hút mạnh mẽ, thu hút đầu tư sáng tạo nội dung và góp phần tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị, sự kiện điện ảnh lớn thu hút công chúng.
Phó Chủ tịch YUBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy cho biết TP.HCM tổ chức Tọa đàm quốc tế để tham vấn ý kiến chuyên gia, tiếp thu đóng góp cho hồ sơ ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bà Thúy hy vọng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, cùng sự ủng hộ của chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế sẽ giúp ngành điện ảnh phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp văn hóa và nâng cao vai trò của TP.HCM trong cộng đồng sáng tạo quốc tế.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa
Phát biểu tại Tọa đàm, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL đánh giá Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, là sự kiện UBND TP.HCM chính thức công bố kế hoạch, những sáng kiến và những cam kết trong hồ sơ đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.
Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, tính đến nay, mạng lưới UCCN bao gồm hơn 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, đại diện cho 7 lĩnh vực sáng tạo gồm Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Âm nhạc, Thiết kế, Văn hóa, Ẩm thực, Điện ảnh, Nghệ thuật truyền thông.
Đặc biệt kể từ năm 2025, UNESCO đã quyết định mở rộng thêm một lĩnh vực sáng tạo mới là Kiến trúc. Điều đó cho thấy sự luôn luôn vận động và phát triển của văn hóa nói chung và mạng lưới nói riêng.
TS Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh: “Việt Nam đã hết sức chủ động đối với việc tham gia UCCN khi triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM báo cáo đề dẫn về hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, lĩnh vực điện ảnh
Bộ VHTTDL được giao và đã hoàn thành xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2022 và ngay lập tức đã triển khai hết sức hiệu quả, hướng dẫn, hỗ trợ Đà Lạt và Hội An tham gia Mạng lưới UCCN ngay vào năm 2023.
Bộ VHTTDL đánh giá rất cao nỗ lực của TP.HCM vượt qua áp lực về tiến độ thời gian, làm xuyên Lễ Tết, để thực hiện quyết tâm mạnh mẽ, không lay chuẩn về việc nộp đơn gia nhập UCCN trong lĩnh vực điện ảnh”.
Việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho TP.HCM cũng như cả nước, trong lĩnh vực Điện ảnh nói riêng và đẩy mạnh sự sáng tạo, gia tăng giá trị đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo cho nền kinh tế địa phương và cả nước…
Thực hiện đề xuất của Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ về “Đề án Phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo trong hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO”, UBND TP.HCM đã giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng hồ sơ với sự tập trung cao độ, tích cực nhằm hoàn thiện tốt nhất hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN trong lĩnh vực Điện ảnh.
Chuyên gia quốc tế phát biểu tại Tọa đàm
Ngày 3.3.2025, hồ sơ sẽ chính thức nộp đến UNESCO để TP.HCM trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nếu được phê duyệt, TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh UCCN đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định đặt văn hóa vào trọng tâm phát triển, trong đó điện ảnh sẽ giúp kết nối Việt Nam với các làn sóng đổi mới thế giới, thúc đẩy hợp tác văn hóa và sáng tạo liên văn hóa với các thành viên UCCN.
TP.HCM cũng nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng làm phim, xây dựng nguồn nhân lực chuyên sâu, phát triển thương hiệu liên hoan phim quốc tế và đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận nghệ thuật, đặc biệt ở các vùng ngoại thành và đối tượng yếu thế.
Điện ảnh TP.HCM có 935 doanh nghiệp với gần 9.300 lao động, doanh thu 500 triệu USD, đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu, và 184 không gian sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp.
Cùng với 22 trung tâm văn hóa quận, 18 nhà văn hóa lao động, 9 thiết chế văn hóa thể thao khu công nghiệp, và 68 trung tâm văn hóa phường, TP.HCM phát triển các lớp học điện ảnh, nâng cao kỹ năng và đam mê cho thế hệ trẻ.
TP.HCM có hơn 500 suất chiếu phim miễn phí hoặc chi phí thấp mỗi năm tại 27 cơ sở văn hóa ở các huyện ngoại thành, phục vụ công nhân và góp phần đưa điện ảnh, nghệ thuật đến gần hơn với nông thôn và tầng lớp lao động.
Khi trở thành thành phố điện ảnh UCCN đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, TP.HCM sẽ kết nối điện ảnh Việt Nam với quốc tế, đóng góp vào sự phát triển chung của điện ảnh khu vực.
Đây là động lực để Thành phố triển khai các dự án phát triển điện ảnh chuyên nghiệp, tăng cường đào tạo và trao đổi chuyên gia, đưa Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) thành sự kiện thường niên, khẳng định vị thế điện ảnh trong và ngoài nước.
Thành phố kỳ vọng, thông qua điện ảnh sẽ phục dựng, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hình thành được nền tảng cội nguồn năng lượng tinh thần cho người sáng tạo và người thụ hưởng, cải thiện đời sống của cư dân.
Đây là động lực để thành phố triển khai hiệu quả các dự án, sự kiện điện ảnh, đào tạo và trao đổi chuyên gia bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa điện ảnh địa phương phát triển bền vững.
Sự phát triển của điện ảnh cũng được thành phố kỳ vọng sẽ tạo ra một định hình mới về văn hóa sáng tạo, cải thiện tầm nhìn toàn cầu và khẳng định TP.HCM là một điểm đến đầy cảm hứng của khu vực.
Điều này sẽ giúp chuyển hóa kết quả thụ hưởng văn hóa thành đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức, và thể hiện trong hệ thống giá trị, truyền thống và bản sắc của đô thị trung tâm kinh tế - văn hóa phía Nam.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến để TP.HCM xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo thuyết phục.
Quan trọng hơn, là làm sao tích hợp văn hóa và sáng tạo vào các chương trình phát triển tổng thể của thành phố, hướng đến phát triển bền vững, tạo sức mạnh tổng hợp và kết nối liên ngành, trở thành quyết tâm chung của chính quyền, người dân, nghệ sĩ và cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: baovanhoa.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục