Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Trần Phi Công

Ngày đăng: 26/12/2024 Lượt xem: 178
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 26/12/2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Trần Phi Công với đề tài: Cổ vật Việt Nam thời Trần – Lê (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII) tại Hà Tĩnh, chuyên ngành: Văn hóa học, mã số 9229040,  do GS.TS Nguyễn Chí Bền hướng dẫn.

Toàn cảnh lễ bảo vệ luận án

Cổ vật được sinh ra trong quá trình lao động sản xuất và lao động nghệ thuật của con người trong một giai đoạn lịch sử cụ thể nên mang dấu ấn thời đại sinh ra chúng. Cổ vật có ở tất cả các tộc người, quốc gia trên thế giới miễn là nó có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học và có tuổi đời nhất định. Nó là kết quả của quá trình sáng tạo của con người của mỗi tộc người, quốc gia nên nó có bản sắc riêng của một vùng văn hóa và của một quốc gia nhất định. Thông qua cổ vật, chúng ta có thể biết được lịch sử, văn hóa của quốc gia đó là như thế nào bởi cổ vật là nguồn tư liệu gốc phản ánh lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia.

Cổ vật Việt Nam thời Trần - Lê (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII) tại Hà Tĩnh với đặc điểm và giá trị, là nguồn sử liệu hết sức quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu nhiều mặt về đời sống xã hội. Vì vậy, NCS Trần Phi Công đã lựa chọn đề tài Cổ vật Việt Nam thời Trần - Lê (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII) tại Hà Tĩnh làm đề tài luận án tiến sĩ nhằm tìm ra những đặc điểm giá trị cũng như thấy được diện mạo của cổ vật Hà Tĩnh trong diện mạo cổ vật xứ Nghệ và Việt Nam.

NCS Trần Phi Công

Luận án đã nêu bật được sự đa dạng và phong phú về chất liệu, niên đại, chức năng sử dụng của cổ vật Việt Nam thời Trần - Lê được phát hiện, sưu tầm tại Hà Tĩnh - mảnh đất từng là vùng phên giậu của quốc gia Đại Việt. Ngoài ra, nó còn làm rõ được về đặc điểm, giá trị và những nét riêng cổ vật thời Trần - Lê tại Hà Tĩnh để từ đó chứng minh được quá trình truyền bá, tiếp biến, ảnh hưởng văn hóa vùng miền đối với cổ vật Việt Nam thời Trần - Lê tại Hà Tĩnh.

Luận án cũng đã so sánh cổ vật thời Trần - Lê tại Hà Tĩnh và các cổ vật có niên đại trước đó và sau đó, đồng thời so sánh chúng với cổ vật thời Trần - Lê với các tỉnh lân cận để phân tích được những nét riêng của cổ vật thời Trần - Lê tại Hà Tĩnh, từ đó có thêm thông tin về lịch sử, truyền thống văn hóa của Hà Tĩnh, góp phần giải thích các vấn đề trong lịch sử đối mảnh đất, con người Hà Tĩnh trong sự trao truyền, kế thừa những những giá trị tốt đẹp, ưu việt từ các miền đất nước hội tụ về Hà Tĩnh.

Hội đồng phản biện đánh giá luận án

GS.TS Nguyễn Chí Bền, người hướng dẫn khoa học

Kết quả nghiên cứu của luận án là nguồn tư liệu, cơ sở khoa học đáng tin cậy phục vụ công tác nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị, mỹ thuật, thương mại, tập quán xã hội, địa chí, tôn giáo… ở Việt Nam cũng như ở Hà Tĩnh, đồng thời là cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy sự phong phú và đa dạng; đặc điểm và giá trị của cổ vật Việt Nam thời Trần - Lê (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII) tại Hà Tĩnh, góp phần xây dựng đời sống cổ ngoạn và phục vụ chỉnh lý cổ vật ở Việt Nam nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng.

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung chính của luận án gồm 3 chương: 

Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu, không gian nghiên cứu và cơ sở lý luận (37 trang).

Chương 2: Cổ vật Việt Nam thời Trần - Lê tại Hà Tĩnh: Số lượng và phân loại (50 trang).

Chương 3: Bàn luận về cổ vật Việt Nam thời Trần - Lê tại Hà Tĩnh (61 trang).

NCS Trần Phi Công đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung của luận án, NCS Trần Phi Công đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt trong Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa học của NCS Trần Phi Công./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin/Ảnh: Phương Lan

Bình luận