Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Đỗ Thị Kiều Nga

Ngày đăng: 27/12/2024 Lượt xem: 198
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 27 tháng 12 năm 2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Đỗ Thị Kiều Nga với đề tài: Tri thức dân gian của người Dao Đỏ vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang, chuyên ngành: Văn hóa dân gian, mã số: 9229041, do PGS.TS Phạm Lan Oanh hướng dẫn.

Toàn cảnh lễ bảo vệ luận án

Công trình thủy điện Tuyên Quang được xây dựng đã mang lại những lợi ích to lớn về an ninh năng lượng và phát triển kinh tế, xong cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến văn hóa, xã hội của địa phương và quốc gia. Với diện tích vùng ngập lòng hồ gần 15.000km2, công trình có lượng di dân tái định cư lớn và đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,8%. Cuộc sống của người dân thuộc diện phải di dời trong đó có người Dao Đỏ tại nơi tái định cư đến nay đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, những thay đổi về địa bàn cư trú đã và sẽ tiếp tục gây ra nhiều thách thức đối với đời sống, văn hóa của họ. Vùng tái định cư với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và xã hội đã khiến cho nhiều tri thức dân gian của người Dao Đỏ biến đổi và đứng trước nguy cơ mai một, do đó, việc bảo tồn và phát huy các tri thức này trong đời sống hiện đại là vô cùng cần thiết. Vì vậy NCS Đỗ Thị Kiều Nga đã chọn Tri thức dân gian của người Dao Đỏ vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.

NCS Đỗ Thị Kiều Nga

Luận án đã bước đầu đánh giá vai trò của tri thức dân gian đối với cuộc sống của cộng đồng người Dao Đỏ trước và sau tái định cư, đồng thời lý giải những vấn đề liên quan đến sự thay đổi tri thức dân gian của họ trong bối cảnh di cư, bao gồm các nguyên nhân tác động, sự biến đổi tri thức và vai trò của môi trường sinh thái cũng như của chính chủ thể văn hóa trong quá trình thích ứng và biến đổi văn hóa. Từ các kết quả nghiên cứu về sự biến đổi và thích ứng văn hóa, luận án đã nêu các vấn đề đặt ra với tri thức dân gian của người Dao Đỏ, từ đó có những trao đổi về việc bảo tồn và phát huy giá trị tri thức dân gian tộc người trong bối cảnh hiện nay.

Hội đồng phản biện đánh giá luận án

PGS. TS Phạm Lan Oanh, người hướng dẫn khoa học

Về mặt khoa học, luận án góp phần làm sáng tỏ thêm các vấn đề liên quan đến văn hóa và xã hội của người Dao Đỏ trong bối cảnh di dân và tái định cư phục vụ cho việc xây dựng thủy điện. Điều này giúp hiểu rõ hơn về sự vận động và biến đổi văn hóa của họ khi đối diện với những thay đổi của môi trường tự nhiên và xã hội.

Về mặt thực tiễn, luận án đóng góp nguồn tư liệu có hệ thống về tri thức dân gian của người Dao Đỏ, đồng thời bổ sung thêm những tư liệu cho các nghiên cứu về văn hóa của người Dao ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cũng là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách dân tộc, chính sách di dân và tái định cư, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, bao gồm cả người Dao Đỏ trong bối cảnh phát triển đất nước.

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính của luận án được trình bày trong 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về người Dao Đỏ vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang (31 tr).

Chương 2: Tri thức dân gian của người Dao Đỏ vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang trước di dân (35 tr)

Chương 3: Tri thức dân gian của người Dao Đỏ trong bối cảnh tái định cư (44tr).

Chương 4: Vai trò, tác động và những vấn đề đặt ra với tri thức dân gian của người Dao Đỏ trong bối cảnh tái định cư (39 tr).

NCS Đỗ Thị Kiều Nga đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung của luận án, NCS Đỗ Thị Kiều Nga đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt trong Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa dân gian của NCS Đỗ Thị Kiều Nga ./.

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô

Tin/ Ảnh: Phương Lan

Bình luận