Ngày 25 tháng 10 năm 2024, tại Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO Hà Nội đã được tổ chức trang trọng, với sự tham dự của ông Nguyễn Dy Niên - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương-Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn hóa, bà Nguyễn Phương Hòa-Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Thường trực Tiểu ban Văn hóa. Tham dự buổi Lễ, còn có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ban Thư ký và các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam qua các thời kỳ, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước…
Về phía đại biểu quốc tế có ông Firmin Edouard Matoko- Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Ưu tiên Châu Phi và Quan hệ đối ngoại, ông Jonathan Baker-Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Jonathan Baker-Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh năm 2024 là dấu mốc kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cũng là thời điểm kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình, khẳng định hợp tác UNESCO-Việt Nam trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả tốt đẹp, ấn tượng. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, với vai trò, đóng góp ngày càng hiệu quả tại cơ chế UNESCO.
Nhân dịp này, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker trân trọng cảm ơn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã đồng hành, hỗ trợ Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ UNESCO trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó tổng số danh hiệu về văn hóa được UNESCO công nhận tại Việt Nam hiện nay là 36 (8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 03 di sản tư liệu thế giới, 07 di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, 03 danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO).
Đặc biệt, thời gian vừa qua Việt Nam đã thành công xây dựng, đệ trình UNESCO công nhận các danh hiệu Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Hà Nội, Hội An, Đà Lạt), góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa và sáng tạo trở thành động lực, trung tâm của phát triển. Các danh hiệu này đã góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm của cộng đồng và xã hội về giá trị của văn hóa; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản; tạo các sản phẩm văn hóa-du lịch hấp dẫn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương tại Việt Nam nói riêng, cũng như làm phong phú, làm giàu thêm kho tàng văn hóa và tri thức của nhân loại nói chung.
Trong thời gian sắp tới, ông Jonathan Baker khẳng định Văn phòng UNESCO Hà Nội nói riêng và UNESCO nói chung sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên môn của mình, trong đó có Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các quy định pháp luật về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, trí tuệ nhân tạo... Cùng với những kết quả tích cực đạt được trong 25 năm vừa qua sau khi thành lập Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker tin tưởng hợp tác Việt Nam-UNESCO sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, trở thành điểm sáng trên quy mô toàn cầu.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định quyết định chiến lược của UNESCO vào năm 1999 lựa chọn đặt Văn phòng đại diện của mình tại Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình” vừa mới được UNESCO công nhận cách đó không lâu - chính là những viên gạch vững chắc đặt nền móng cho một mối quan hệ hợp tác bền vững, cũng như những kết quả toàn diện, hiệu quả mà hợp tác Việt Nam-UNESCO đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Với sự đồng hành của Văn phòng UNESCO Hà Nội, Việt Nam đã thúc đẩy rất hiệu quả nhiều chương trình tiêu biểu, điển hình của UNESCO như Thập kỷ xóa mù chữ, Chương trình giáo dục cho mọi người, Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Thập kỷ quốc tế Khoa học cơ bản vì phát triển bền vững, các ưu tiên về thanh niên, bình đẳng giới… Những hoạt động này đã đưa UNESCO gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhiều gia đình, địa phương và cộng đồng dân cư. Sự nghiệp UNESCO đã trở thành sự nghiệp của toàn dân, mang ý nghĩa thực tiễn to lớn với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, khẳng định vị trí đặc biệt của UNESCO trong trái tim người Việt Nam.
Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc tin tưởng hợp tác Việt Nam - UNESCO sẽ ngày càng được đẩy mạnh, nâng lên một tầm cao mới, trong đó Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa trong quá trình UNESCO thực hiện các sứ mệnh trên quy mô toàn cầu về xây dựng hòa bình, an ninh, giảm thiểu bất đồng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại buổi Lễ, Nguyễn Dy Niên - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xúc động chia sẻ tình yêu với hoạt động UNESCO của các thế hệ những người làm ngoại giao Việt Nam, khẳng định hợp tác với UNESCO ngày càng gắn bó với những lĩnh vực gần gũi nhất với đời sống của người dân Việt Nam, qua cơ chế UNESCO đưa Việt Nam đến gần hơn, tình cảm hơn với bạn bè quốc tế, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới ngày càng có nhiều biến động và thay đổi như hiện nay.
Thống nhất với Thứ trưởng Hà Kim Ngọc-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Firmin Edouard Matoko- Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Ưu tiên Châu Phi và Quan hệ đối ngoại khẳng định việc UNESCO đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam năm 1999 là quyết định lịch sử, mở ra chương mới phát triển rực rỡ hợp tác song phương giữa Việt Nam và UNESCO. Đến nay, Việt Nam đã hiện diện, đóng góp ở những cơ chế quan trọng nhất trong quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách của UNESCO, cụ thể: Phó chủ tịch của Đại hội đồng UNESCO (từ năm 2023), thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025; thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Ủy ban liên chính phủ của Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026; Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ của Công ước về Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025. Những đóng góp của Việt Nam tại UNESCO đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của UNESCO trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trở thành bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại buổi Lễ, Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô” cho ông Firmin Edouard Matoko- Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Ưu tiên Châu Phi và Quan hệ đối ngoại để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông đối với Hà Nội và Việt Nam.
Nguồn: ict.gov.vn
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục