Đâu là ranh giới giữa sáng tạo của con người và trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghệ thuật?

Ngày đăng: 05/11/2024 Lượt xem: 45
Mặc định Cỡ chữ

Đây là chủ đề được nhiều diễn giả băn khoăn đi tìm lời giải trong Hội thảo khoa học quốc gia “Công nghệ, bản sắc văn hóa, tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, thực hành, giảng dạy mỹ thuật và thiết kế” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – VICAS và Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức tại TP.HCM hôm 1.11

Cơn bão AI trong sáng tác nghệ thuật

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một cơn bão quét qua mọi lĩnh vực, trong đó có sáng tạo nghệ thuật. Trong lĩnh vực mỹ thuật, trên thế giới đã có nhiều quan ngại AI có thể thay thế lao động, sáng tạo nghệ thuật của con người.

Năm 2018, tác phẩm mỹ thuật đầu tiên do AI thực hiện - bức tranh Chân dung Edmond Belamy - đã được bán đấu giá với giá nửa triệu USD tại nhà đấu giá danh tiếng Christie, gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Năm 2022, Trí tuệ nhân tạo Midjourney – dưới những câu lệnh do nghệ sĩ người Mỹ Jason Allen điều khiển - đã tạo ra tác phẩm “Théâtre D'opéra Spatial” mô tả một buổi biểu diễn opera trong không gian choáng ngợp. Bức tranh này đã được trao giải nhất hạng mục Nghệ thuật số tại Hội chợ triển lãm bang Colorado (Mỹ), được ban giám khảo khen ngợi bởi kỹ thuật hoàn thiện điêu luyện, thể hiện trình độ nghệ thuật cao. Về mặt hình thức, tác phẩm hoàn toàn giống với những bức tranh sơn dầu, chỉ khác nó được tạo ra bởi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo AI.

Lâu nay, trong giới nghệ thuật toàn cầu đã nổ ra nhiều cuộc tranh cãi: “Với sự phát triển mạnh mẽ của AI, nó đã có thể thay thế con người trong một số tác vụ đơn giản trong ngành hội họa, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang… Vậy đến bao giờ AI sẽ hoàn toàn thay thế và cướp mất công việc của con người, đặc biệt là các nghệ sỹ trẻ, những học viên đang theo học các trường mỹ thuật, thiết kế đồ họa và sẽ có tương lai 50 năm phía trước dấn thân vào thị trường nghệ thuật. Con người nên ứng xử ra sao với các sản phẩm do AI tạo ra, và đâu là vai trò của con người trong đó?

Nêu quan điểm về vấn đề này, nhà thiết kế - KTS Naomi Thủy Nguyễn, người sáng lập YC Interior & Consultant Design, nói: “Đến khi nào trên trái đất này toàn bộ con người được sinh bằng hình thức thụ tinh nhân tạo thì mới là AI. Bản thân con người đã có trí tuệ, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ chúng ta phát triển...".

Theo chị Naomi Thủy Nguyễn, Trí tuệ nhân tạo (AI) là một phát minh vượt trội đầu thế kỷ 21, nhưng ở thời điểm hiện tại nó vẫn cần sự có mặt của con người – trong vai trò những người viết ra các câu lệnh để yêu cầu AI thực hiện các tác vụ cụ thể - thì mới có thể tạo ra những sản phẩm dù là mỹ thuật hay âm nhạc. “Con người phải có trí tuệ thì mới khai thác được hết công nghệ, và công nghệ sẽ làm con người thăng hoa, phát triển. Quan trọng là con người phải đối diện, xử lý… không nên sợ, vì dễ làm nhụt chí, bạn trẻ hãy kiên cường. Không có gì phải sợ, công nghệ phát triển thì cũng cần phải có con người trong đó” – KTS Naomi Thủy Nguyễn nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Chủ nhiệm bộ môn thiết kế đồ họa và kỹ thuật số, Greenwich Việt Nam - cơ sở TP.HCM cho biết: “Ngày xưa khi nhắc về hội họa, nghệ thuật người ta hay nói đến tài năng của con người. Nhưng từ khi AI xuất hiện, nó đã có thể mô phỏng, thực hiện những bức tranh, bản vẽ. Ví dụ một người phải mất 4 năm để học vẽ được một bức tranh thì giờ chỉ cần vài thao tác, vài giây, AI đã làm được.

Theo tiến sĩ Sơn, chúng ta đang sống trong giai đoạn mà AI phát triển, đây là cuộc cách mạng. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải đối diện và ngành thiết kế, nghệ thuật phải biến đổi để phù hợp với tình hình thực tế. “Cách đây 10 năm, các nhà khoa học từng khẳng định máy không thể thay thế con người. Còn bây giờ chúng tôi không dám trả lời câu hỏi đó… Máy đã có thể tự học, kết nối với big data (dữ liệu lớn). Chúng ta, những con người đương thời đang hưởng thành tựu khoa học công nghệ, thì cần phải làm sao giữ được bản sắc...", tiến sĩ Sơn chia sẻ.

Nghệ sĩ cần làm gì để đối phó với AI?

Tại hội thảo “Công nghệ, bản sắc văn hóa, tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, thực hành, giảng dạy mỹ thuật và thiết kế”, các nhà khoa học, diễn giả cũng đưa ra một số gợi ý và giải pháp về cách mà các nghệ sỹ, sinh viên nghệ thuật đối diện với cơn bão công nghệ AI.

GS-TS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh: “AI không thể thay thế con người vì con người có trái tim, cái riêng… Trong thiết kế mỹ thuật cần giữ đặc trưng dân tộc và cái riêng của người thiết kế”. Sự xuất hiện của AI giống như quá trình chọn lọc tự nhiên mà nhờ đó con người vươn lên thành sinh vật thống trị hành tinh trong lịch sử tiến hóa nhân loại. Với sự xuất hiện của AI, con người cần tự thúc đẩy bản thân mình để trở nên thông minh, tài năng, có tư duy sáng tạo và chất riêng mạnh mẽ hơn nữa, có thế mới tránh khỏi việc bị đào thải trong một xã hội và thị trường lao động phải cạnh tranh với AI.

Đi sâu vào giải pháp, KTS Naomi Thủy Nguyễn chỉ ra rằng, dù là con người hay trí tuệ nhân tạo khi đứng trước một đề bài tạo ra sản phẩm nghệ thuật đều trải qua các bước giống nhau (như hình vẽ). Do đó, cách tiếp cận hợp lí là con người tận dụng sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo để giảm thiểu thời gian và công sức ở một vài công đoạn, từ đó tập trung trí lực và cảm xúc để nhấn mạnh vào những công đoạn sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi bản sắc và cái riêng của người nghệ sỹ, đòi hỏi những cảm xúc mà không máy móc nào thay thế được trái tim và khối óc con người.

Có một thực tế là, bất chấp AI có tốc độ sáng tác, chất lượng sản phẩm nghệ thuật gần như tương đương lao động nghệ thuật của con người, thì cảm xúc vẫn là thứ mà ở thời điểm hiện nay AI chưa làm được.

Đầu năm 2024, các nhà khoa học Đại học Vienna (Áo) đã làm một thí nghiệm trên 48 người, cho họ xem những bức tranh trừu tượng do AI và các họa sĩ con người sáng tác mà không báo trước bức tranh nào của AI và bức tranh nào của con người. Các nhà khoa học sau đó đề nghị 48 người nêu lên quan điểm và cảm nhận của bản thân về các bức tranh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 48 người được thí nghiệm đều cảm nhận được những xúc cảm tinh tế và ý tưởng sáng tạo trong các tác phẩm do con người tạo ra, còn những bức tranh do AI tạo ra – dù hoàn chỉnh đến đâu, vẫn thiếu đi yếu tố cảm xúc.

Tiến sĩ Đào Mạnh Đạt - Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, ĐH Quốc gia Hà Nội, đưa ra quan điểm: “Việc AI lấy đi công việc của ai đó là chuyện hết sức bình thường, các trường phải thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với tiến bộ xã hội. Việc này đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo trong sự kiểm soát. Kiểm soát những cái tiêu cực và ngược lại. Để AI phục vụ con người, tạo cơ hội mới, buộc chúng ta liên tục cập nhật, chỉ nên sử dụng AI làm công cụ, không nên phụ thuộc", tiến sĩ Đạt nói./.

Bài: Anh Tuấn.

Ảnh: Nguyễn Thị Thu Phương, báo Thanh Niên, trường Đại học Tôn Đức Thắng

 

Bình luận